Hồ Nyos là một hồ núi lửa ở phía tây bắc Cameroon, nó dài 2 km và rộng 1,2 km. Mặt hồ cao 1.091 mét so với mực nước biển. Sáng ngày 21/08/1986, mọi người phát hiện ra những ngôi làng gần hồ nước Nyos -nơi có rất nhiều người sinh sống bỗng nhiên im lặng lạ thường, không thấy xuất hiện bất cứ âm thanh hay sự di chuyển nao của dân làng.
Sau đó người ta mới biết được rằng gần như toàn bộ người dân và gia súc, gia cầm của những ngôi làng này đều đã chết, một vài người còn sống thì cũng rơi vào tình trạng vô cùng yếu ớt, không nói được, mắt lồi, bỏng mũi và có triệu chứng ngạt thở nghiêm trọng. Theo thống kê cuối cùng, tổng cộng có 1.746 người và 3.500 vật nuôi khác đã chết trong vụ việc bí ẩn này.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng bí ẩn này xảy ra. Trước đó 2 năm, cũng có một trường hợp tương tự xảy ra khiến gần 40 người chết ở hồ Monoun, cách hồ Nyos 62 km.
Vào thời điểm đó, có nhiều người nghe thấy tiếng động lớn trong hồ và sương mù trắng bay ra, đi theo đó là những cái chết xảy ra vào sáng sớm hôm sau.
Thậm chí còn có một chiếc xe tải chở 12 người cũng gặp phải đám sương mù này khiến 9 người tử vong, ngay sau đó tài xế đã dừng xe và kiểm tra tình trạng của những người vừa ngã xuống cũng phải chịu chung số phận và chỉ còn lại 2 người ngồi trên nóc xe tải sống sót.
Cùng với sự cố hồ Monoun, các nhà điều tra tin rằng khí carbon dioxide (CO2) và các loại khí khác phun ra từ đáy hồ có thể là thủ phạm gây ra thảm kịch hồ Nyos.
Cả hai hồ Monoun và Nyos đều là hồ núi lửa, được hình thành do phun trào núi lửa. Khí được giải phóng bởi hoạt động magma sẽ tạo thành một lớp metan và carbon dioxide nồng độ cao ở đáy hồ.
Khi nó tích tụ ở một mức độ nhất định và gặp những biến động về địa chất tự nhiên, lượng khí này có thể sẽ phun trào và thoát ra khỏi đáy hồ. Sau sự kiện tại hồ Nyos, hàng loạt các nghiên cứu khác nhau được công bố và chỉ ra rằng hồ Nyos có thể đã phun trào CO2 vào đêm hôm trước, nguyên nhân có thể là do lở đất hoặc các vụ phun trào núi lửa nhỏ dưới đáy hồ.
Hồ Nyos chứa một lượng lớn khí CO2, nguyên nhân chính là do khí núi lửa thải ra. Thông thường, CO2 sẽ tồn tại dưới lòng hồ sâu thẳm bởi vì áp lực dưới đó cao hơn bề mặt. Việc tích tụ một lượng lớn CO2 trong suốt thời gian dài khiến điều kiện ở hồ Nyos trở nên thiếu ổn định.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng vụ phun trào CO2 dưới đáy hồ Nyos có thể đã gây ra một cột nước và bọt cao 120 mét, đồng thời giải phóng 1,2 km khối carbon dioxide. Do carbon dioxide dưới đáy hồ đặc hơn không khí nên ngay sau khi thoát ra khỏi mặt nước, carbon dioxide sẽ tạo thành một lớp sương dày, có độ cao 50 mét trên bề mặt, lớp sương này khuếch tán với tốc độ từ 20 đến 50 km/h.
Vì không khí có trọng lượng nhẹ hơn carbon dioxide nên ngay sau khi đám sương mù này xuất hiện, oxy trong không khí sẽ liên tục được đẩy lên cao và tạo ra một môi trường thiếu oxy tại những nơi đám sương mù này bao phủ.
Những người không may tiếp xúc với đám sương mù này trong lúc ngủ đã bị ngộ độc CO2 nghiêm trọng, ngạt thở và đổi màu da. Gần như tất cả những người bị lượng lớn khí CO2 trong sương mù tấn công đều phải bỏ mạng trong khi một bộ phận khác ở cách hồ Nyos khoảng 25km chỉ bị tổn thương không nguy hiểm tính mạng.
Trên thực tế, hồ Nyos vẫn chưa phải là hồ nước có khả năng cướp đi nhiều sinh mạng nhất trên Trái Đất. Ở biên giới Congo và Rwanda, có một hồ nước khổng lồ khác có tên Kivu.
Nó có diện tích 2.700 km2 với độ sâu nước trung bình 220 mét. Hồ nước này nằm trong "Thung lũng tách giãn Lớn" của Đông Phi. Một lượng lớn carbon dioxide và metan cũng tích tụ dưới đáy hồ. Điều đáng sợ nhất là có hoạt động núi lửa định kỳ ở đáy hồ Kivu, và khu vực xung quanh là một lưu vực trũng thấp.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu lượng carbon dioxide và metan dưới đay hồ phun trào thì thảm họa này có thể khiến cho 2 triệu người phải bỏ mạng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu lịch sử địa chất của hồ Kivu và nhận thấy rằng từ 5.000 năm trước, trung bình cứ sau 1.000 năm, sẽ có một sự kiện thảm sát hàng loạt quanh hồ Kivu, bao gồm tất cả các sự sống trong hồ và hệ thống động, thực vật xung quanh.
Điều này có nghĩa là việc phun trào của hồ Kivu là theo chu kỳ, và có thể khi hiện tượng này xảy ra sẽ đi kèm với một vụ nổ khí metan tạo thành sóng thần, quét sạch mọi thứ xung quanh, dẫn đến một sự kiện sinh học lớn với chu kỳ khoảng 1.000 năm 1 lần.
Mặc dù cho tới nay chỉ có hồ Monoun, Nyos và Kivu được xác nhận xảy ra hiện tượng phun trào CO2 từ đáy hồ, nhưng trên thực tế những hồ núi lửa tương tự như vậy cũng tồn tại ở rất nhiều nơi khác trên hành tinh của chúng ta. Liệu những hồ này có xảy ra những sự kiện tương tự hay không? Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn sự phun trào ở đáy hồ?
Từ những nghiên cứu thảm họa trên hồ Monoun và hồ Nyos, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khí tích lũy có thể được giải phóng từ đáy hồ thông qua những đường ống.
Năm 2001 và 2002, các nhà khoa học đã lần lượt lắp đặt ống xả trên hồ Nyos và hồ Monoun, nhưng đối với hồ Kivu thì việc này vẫn chưa được thử hiện vì diện tích của nó gấp 2.000 lần diện tích của hồ Nyos, bởi vậy để có thể cài đặt những đường ống thoát khí tốn rất nhiều chi phí.
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khoảng 55 tỷ mét khối khí metan được hòa tan trong hồ ở độ sâu 300 mét trong hồ Kivu. Điều này giống như một quả bom bấm giờ khổng lồ treo trên đầu của 2 triệu người trong lưu vực xung quanh hồ Kivu. Bởi vậy chính phủ Rwandan đã hợp tác với một số công ty năng lượng khai thác khí matan để sản xuất điện và giảm nguy cơ phun trào của hồ Kivu.
Hàm lượng carbon dioxide của hồ Kivu cao tới 500 triệu tấn, lượng carbon dioxide bằng khoảng 2% lượng carbon dioxide do con người thải ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch mỗi năm. Nếu vụ phun trào đáy hồ xảy ra, nó thực sự sẽ là một thảm họa diệt chủng cực kỳ lớn đối với hệ sinh thái xung quanh hồ Kivu.
Carbon dioxide là một loại khí không màu và trong suốt, nó lan tỏa rất nhanh, đồng thời nó cũng khiến cho hầu như tất cả các phương tiện di chuyển đều không thể khởi động. Khi thảm họa xảy ra, ngoài việc chờ đợi cái chết, thì có lẽ chúng ta cũng không thể làm gì khác nếu như chỉ có thể chạy bộ.