Tháng 12-2018 vừa qua, tức 100 năm sau kể từ khi xảy ra sự việc, người ta mới tìm ra nguyên nhân vụ chìm tàu này sau những nỗ lực phân tích giả thuyết.
Lý lịch trích ngang
Sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898, Hải quân Mỹ nhận thấy sự cần thiết có hạm đội tàu có khả năng bảo vệ các hải trình và lãnh hải bên ngoài quốc gia. Hải quân Mỹ đã thiết kế một con tàu tuần dương bọc thép nặng 12.000 tấn, có hỏa lực mạnh hơn tốc độ và có thể vượt qua đội hình kẻ thù mà không bị xây xát.
Được Quốc hội thông qua năm 1900, 6 tuần dương hạm như vậy đã ra đời, đầu tiên là lớp Pennsylvania, được hạ thủy năm 1902. Đáng tiếc là những tàu lớp Pennsylvania không tỏ ra hữu hiệu đối với mục tiêu đề ra, do công nghệ quân sự làm thay đổi tốc độ của tàu.
Đến năm 1904 với sự phát triển của tua bin hơi nước, cùng với việc nghiên cứu các chiến thuật được sử dụng trong chiến tranh Nga - Nhật, Hải quân Mỹ đã quyết định các tuần dương hạm được sử dụng tốt nhất trong việc cung cấp hỗ trợ phụ cho các thiết giáp hạm.
San Diego được hạ thủy tháng 4-1904 với tên gọi nguyên thủy là tàu tuần dương bọc thép California mang số hiệu 6 và được đưa vào phiên chế ngày 1-8-1907. Được bàn giao cho Hạm đội Thái Bình Dương, San Diego hoạt động dọc Bờ Tây tiến hành các cuộc huấn luyện và tập trận cho đến khi được điều đến Honolulu, Hawaii, năm 1911.
Tàu này đã ghé thăm Philippines, Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 1912, trước khi được điều động đến Nicaragua để bảo vệ tài sản và công dân Mỹ trong thời gian xảy ra bất ổn chính trị ở quốc gia Trung Mỹ.
Đến ngày 1-9-1914, California được đổi lại tên thành San Diego do chính sách của Hải quân Mỹ là đặt tên bang cho các thiết giáp hạm, sau đó được định danh là “soái hạm” của Hạm đội Thái Bình Dương.
Sau khi Mỹ tham gia Thế chiến I hồi tháng 4-1917, San Diego đã hoạt động như một soái hạm được chỉ huy bởi Chuẩn Đô đốc William F. Fullam, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho đến khi được giao lại cho Hạm đội Atlantic vào tháng 7-1917.
Ở đó, tàu có sứ mệnh hộ tống đoàn tàu đi qua Bắc Đại Tây Dương nguy hiểm và hay bị tàu ngầm phá hoại trên hải trình lượt đầu đi đến châu Âu.
Vụ nổ bất ngờ
Ngày 18-7-1918, tàu rời thành phố cảng Portsmouth, bang New Hampshire của Anh về New York, để thực hiện nhiệm vụ hộ tống một đoàn tàu đến Pháp. Trên hải trình, thuyền trưởng Harley H. Christy cùng thủy thủ đoàn đã sẵn sàng trực chiến do khu vực này được biết đến là “vùng săn bắn” của các tàu ngầm Đức tìm kiếm các tàu của lực lượng đồng minh.
Bất chấp các biện pháp cảnh giác và phòng ngừa, lúc 11 giờ 5 phút sáng 19-7-1918, khi tàu đang tiến về khu vực cách Đảo Lửa 12km về phía nam, một tiếng nổ lớn xảy ra ở phía mạn trái tàu, gần khoang động cơ, bên dưới mặt nước, làm rung chuyển San Diego.
Vách ngăn bên trong tàu bị hư hại khiến cửa ngăn nước giữa buồng động cơ và buồng lò không thể đóng lại. Cả hai khoang đều bị nước tràn vào.
Thuyền trưởng Christy tin rằng vụ nổ là do thủy lôi hoặc ngư lôi của Đức và đã lệnh thực hiện các thủ thuật bảo vệ tàu, tránh không bị tấn công tiếp theo, song hệ thống động cơ đã không thể hoạt động.
Hệ thống radio trên tàu cũng không thể hoạt động. Tuần dương hạm nhanh chóng bị nước tràn vào và bắt đầu chìm 10 phút sau vụ nổ. Và chỉ mất chưa đầy nửa giờ sau, con tàu dài 153m bị lật úp và chìm xuống nước. Thuyền trưởng đã yêu cầu thủy thủ rời khỏi tàu. Trong số 1.183 thủy thủ đoàn, 6 thủy thủ đã thiệt mạng.
San Diego chìm khoảng 100 - 110 feet (30,48–33,5m) dưới mặt nước biển ngoài khơi New York gần Đảo Lửa. Khi nhận được thông tin sự việc, Hải quân Mỹ đã điều động máy bay chiến đấu đến khu vực để tìm kiếm và định vị bất kỳ tàu ngầm U-boat nào của Đức có thể vẫn quanh quẩn gần đó.
Chiến đấu cơ từ đơn vị First Yale đã thả loạt bom xuống khu vực mà họ cho là có tàu ngầm U-boat của Đức ở đó. Các chiến hạm trên mặt biển cũng được điều động đến hiện trường, thu thập tài liệu và chụp ảnh về hiện trạng vụ việc sau vụ nổ.
Tuy nhiên, họ không tìm thấy dấu vết một U-boat nào. Giới chức hải quân đã quyết định tiến hành một cuộc điều tra để vén màn bí ẩn về điều gì có thể đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng của tàu USS San Diego, và để tưởng niệm 6 thủy thủ nằm lại biển khơi 100 năm qua.
Năm 1918, Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc khảo sát đầu tiên về hiện trường xác tàu để có được những đánh giá ban đầu. Hải quân đã trở lại vị trí tàu đắm thêm hai lần trong năm 1918, chủ yếu nhằm ghi lại âm thanh để xác định liệu xác tàu có gây nguy hiểm cho việc đi lại trên biển hay không. Hiện xác tàu vẫn nằm nguyên ở đó.
Giải mã bí ẩn
Tháng 12-2018 vừa qua, tức 100 năm sau kể từ khi xảy ra sự việc, người ta mới tìm ra nguyên nhân vụ chìm tàu này sau những nỗ lực phân tích giả thuyết.
Hình ảnh quét sonar sườn của xác tàu tháng 6-2017 - Theo www.History.navy.mil.
Trước đó, một số giả thuyết cho rằng vụ nổ là do một kẻ phá hoại của Đức đã đưa bom lên tàu. Số khác cho rằng tàu ngầm U-boat của Đức đã phóng ngư lôi dù không có dấu vết bọt biển nào nổi trên mặt nước lúc ấy.
Thế nhưng, giờ đây giới khoa học và lịch sử quân sự cuối cùng khẳng định kết luận ban đầu của tòa điều tra Hải quân rằng một quả thủy lôi do Đức đặt dưới nước đã đánh chìm tàu.
Ngày 11-12-2018, tại một cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa - Vật lý Mỹ ở Washington, một nhóm chuyên gia quân sự và hải dương học đã trình bày kết quả của một cuộc điều tra kéo dài 2 năm, khép lại cuộc tranh cãi kéo dài 100 năm qua.
“Chúng tôi tin rằng tàu ngầm U-boat U-156 đã đánh chìm USS San Diego bằng một quả thủy lôi”, Alexis Catsambis, nhà khảo cổ học hàng hải tại Bộ Tư lệnh di sản và lịch sử thuộc Hải quân Mỹ khẳng định.
Từ năm 2016 đến tháng 6-2018, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 6 chuyến khảo sát đến địa điểm chìm tàu USS San Diego. Họ sử dụng sonar quét sườn và rô bốt hoạt động dưới nước với công nghệ quét ảnh laser để thiết lập hình ảnh không gian ba chiều của xác tàu đắm. Các đội thợ lặn thuộc Hải quân Mỹ cung cấp thêm thông tin về tình trạng chung của xác tàu.
Theo Ken Nahshon, một kỹ sư nghiên cứu tại Sư đoàn Carderock của Trung tâm Chiến tranh trên biển thuộc Hải quân Mỹ, nhóm nghiên cứu muốn xác định liệu con tàu bị mất tích do phá hoại, tai nạn hay tấn công.
Họ đã sử dụng quy trình loại bỏ để đi đến kết luận cuối cùng. Mô hình diễn giải máy tính cho thấy vụ nổ đã xảy ra bên ngoài thân tàu, loại trừ hai giả định đầu tiên, Nahshon nói. Điều đó khiến họ xúc tiến điều tra về khả năng thứ ba, một vụ tấn công từ bên ngoài tàu.
Nhóm các nhà điều tra, bao gồm các chuyên gia từ 10 cơ quan liên bang và các tổ chức học thuật, đã sử dụng một loại chương trình máy tính dự đoán mới do Hải quân phát triển để mô phỏng khoảng thời gian nước tràn vào tàu dẫn đến chìm. Họ đã kết hợp chương trình máy tính với một mô hình dự đoán khác về tác động của vụ nổ trên thân kim loại, ông Nahshon tiết lộ.
Nahshon cho biết thủy thủ đoàn của USS San Diego đã thực hiện mọi hành động chính xác để đối phó với vụ nổ. Vấn đề nhiều khả năng nằm ở khoang chứa than bên trong tàu, bị ngập nhanh chóng và không thể ngăn chặn nước biển tràn vào. “Điều ngạc nhiên đối với chúng tôi là có quá nhiều lỗ mở bên trong con tàu”, ông Nahshon nói.
Nhà khảo cổ Catsambis và nhóm của ông cho biết vụ nổ ngư lôi đã gây thiệt hại nhỏ cho con tàu, nhưng vì nước biển đã phá vỡ một loạt các vách ngăn nên khiến con tàu bị lật nhanh chóng. Các thủy thủ đã chất than lên San Diego cho chuyến đi trở về châu Âu, bao gồm 150 tấn chất trên boong mở.
Theo Bộ Tư lệnh di sản và lịch sử Hải quân, các tàu ngầm của Đức thường xuyên lui tới vùng lãnh hải nơi mà tàu USS San Diego đồn trú trong ngày định mệnh đó.
Thực ra, thủy thủ của tàu đã được cảnh báo tại thời điểm xảy ra vụ tấn công. Và sau khi đọc bản gỡ băng phỏng vấn với thành viên thủy thủ đoàn, các nhà nghiên cứu kết luận rằng loại vũ khí được sử dụng là thủy lôi bắn ra từ tàu ngầm U-boat, vì không ai trên tàu đề cập việc nhìn thấy những bong bóng nước, một dấu hiệu chỉ báo một quả ngư lôi đang đến gần.
Nhưng tàu ngầm U-boat nào của Đức đã thực hiện vụ tấn công này? Theo các hải đồ lịch sử của Cơ quan Thủy đạc thuộc Hải quân Mỹ, tàu ngầm Đức U-156 đã qua lại ngoài khơi Đảo Dài từ hồi tháng 7-1918.
Dữ liệu thu thập từ cuộc điều tra 2 năm trên cũng hỗ trợ các thông tin tại thời điểm tàu ngầm U-boat tuần tra khu vực. Thực ra, tại thời điểm đó, U-156 cũng đã bị các tàu khác phát hiện.
Theo sử sách thì U-156 đã được giao một nhiệm vụ khác - chỉ 2 ngày sau khi USS San Diego bị chìm, tàu này đã thực hiện một cuộc tấn công duy nhất trên đất Mỹ trong Thế chiến I khi phóng hỏa vào một đoàn tàu ngoài khơi thị trấn Orleans, bang Massachusetts, khiến một quả ngư lôi đâm sầm vào bãi biển. U-156 là một trong những tàu ngầm thành công nhất của Đức, đánh chìm 44 tàu đồng minh chỉ trong 13 tháng tuần tra trên biển.
“Nấm mồ” trong lòng biển thành “khách sạn tôm hùm”
Hàng chục năm sau khi bị chìm, địa điểm xác tàu đã chịu sự tác động của cả yếu tố tự nhiên và con người, gồm cả những hoạt động trục vớt quy mô lớn không được cấp phép. San Diego bị lãng quên cho đến năm 1957 khi Hải quân Mỹ một lần nữa bán quyền trục xuất xác tàu cho một công ty có trụ sở ở New York để thực hiện trong khoảng thời gian 3 năm.
Tuy nhiên, đến tận năm 1963, không có hoạt động trục vớt nào được tiến hành và xác tàu vẫn thuộc quyền kiểm soát của Hải quân Mỹ. Do phong trào bảo tồn lịch sử quốc gia phát triển cùng với mối quan tâm của người dân về xác tàu đắm này, nên Hải quân Mỹ đã không đưa ra bất kỳ đề nghị trục vớt nào đối với các đối tác bên ngoài.
Ngoài mối quan tâm trục vớt, xác tàu cũng trở thành một địa điểm mà thợ lặn ưa thích. Sau nhiều năm, do nhiều đồ vật trong tàu vẫn thuộc tài sản chính phủ đã bị lấy mất, nên Hải quân Mỹ buộc phải trở lại hiện trường và có hành động bảo vệ San Diego và các xác tàu khác đang bị khai thác trái phép.
Tháng 6-1955, giới chức hải quân và khảo cổ học Mỹ tiến hành một cuộc điều tra nhằm tháo gỡ những quan ngại của công chúng về độ an toàn và bảo tồn lịch sử. Cuộc khảo sát này đã trục vớt một quả tên lửa vẫn có thể phát nổ dù bị chìm dưới nước hàng chục năm qua.
Năm 1998, San Diego được đưa vào Danh sách địa danh lịch sử quốc gia Mỹ. Do mọi chiến hạm của Hải quân Mỹ bị đắm mà danh hiệu của chúng chưa bị tước bỏ thì vẫn là tài sản chính phủ nên bất kỳ nỗ lực trục vớt xác tàu San Diego nào cũng cần có sự cho phép của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, các đạo luật bổ sung vào năm 2004 cho phép tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm mục đích khảo cổ, lịch sử hoặc giáo dục tại địa điểm chìm tàu.
Hiện Bộ chỉ huy di sản và lịch sử Hải quân vẫn tiếp tục quản lý địa điểm xác tàu, như một nấm mồ trong lòng biển ghi dấu chiến tranh.
Với giá trị lịch sử to lớn, sự ra đời của San Diego đánh dấu một giai đoạn chuyển giao trong chiến thuật và kiến trúc hải quân, là cầu nối giai đoạn của những con tàu sắt thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp và thế hệ những con tàu bằng thép sau này nhằm tối ưu hóa những lợi thế của công nghệ tua bin hơi nước.
Vị trí xác tàu San Diego cũng là sự nhắc nhở rõ ràng về cách thức mà kẻ thù thực hiện một cuộc tấn công ngoài khơi nước Mỹ trong thế chiến. Nơi “yên nghỉ” cuối cùng của San Diego đã mang biệt danh là “khách sạn tôm hùm”.