Vén màn bí ẩn: Duyệt binh hoành tráng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Để sẵn sàng cho một cuộc duyệt binh tầm cỡ quốc gia thường phải luyện tập phải mất vài tháng. Vậy mà chúng tôi chỉ có vẻn vẹn 2 tuần để xuất hiện hoành tráng tại SG ngày 15/5/1975.

Để chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh tầm cỡ quốc gia thường công tác chuẩn bị và luyện tập phải kéo dài vài tháng. Ấy vậy mà để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh mừng hòa bình, thống nhất đất nước ngày 15.5.1975 tại TP Hồ Chí Minh thời gian vẻn vẹn chỉ có 2 tuần.

Ý tưởng tuyệt vời song cũng rất lãng mạn

Kết thúc cuộc chiến tranh 20 năm với một Sài Gòn gần như nguyên vẹn, với một không khí hân hoan của đoàn tụ hai miền... rất cần có một cuộc duyệt binh và diễu hành quần chúng hoành tráng để khuếch trương thắng lợi, để thể hiện sức mạnh dân tộc và cũng để cố kết lòng người...

Các cấp lãnh đạo cao nhất đã có ý tưởng như thế và sau khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sụp đổ vào trưa 30.4.1975 thì ngày duyệt binh đã được ấn định sẽ tiến hành vào ngày 15.5.1975.

Có thể nói rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời song cũng hết sức... lãng mạn bởi trong điều kiện như vậy mà chỉ có 2 tuần để chuẩn bị thì quá là gấp gáp.

Vén màn bí ẩn: Duyệt binh hoành tráng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975! - Ảnh 1.

Các vị lãnh đạo nhà nước có mặt trong buổi lễ, từ trái qua phải: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ.

Cũng có người so sánh: năm 1954, chỉ sau chiến thắng Điện Biên có mỗi một tuần mà ta cũng đã tổ chức được cuộc duyệt binh mừng chiến thắng ở Mường Phăng ngày 13.5.1954. Thế mà bây giờ có hẳn 2 tuần chuẩn bị thì chắc chắn sẽ thành công!

Xin thưa, ở Mường Phăng năm đó chỉ đơn giản là một cuộc diễu binh của bộ đội ta để mừng thắng lợi.

Còn đây là Sài Gòn, là thành phố mang danh "Hòn ngọc Viễn Đông", lại diễn ra trước mắt hàng triệu con người đang tò mò, háo hức xem những người anh em từ trên rừng về và từ miền Bắc vào thể hiện ra sao cùng bao phóng viên quốc tế thì không thể úi xùi, qua loa được.

Ấy là ở cấp cao nhất và cũng chỉ là ở mức ý tưởng chứ chưa hề có kế hoạch cụ thể. Kế hoạch cụ thể sẽ phải do Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn- Gia Định triển khai.

Vén màn bí ẩn: Duyệt binh hoành tráng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975! - Ảnh 2.

Xe tăng duyệt binh trên đường phố Sài Gòn ngày 15.5.1975.

Song đối với những người đang đứng mũi chịu sào ở Sài Gòn lúc đó thì đang có cả núi công việc được đặt lên vai họ sau khi tiếp nhận một thành phố lớn nhất nước với hơn 3 triệu dân, với hàng vạn sĩ quan, binh sĩ, viên chức chế độ cũ vẫn đang lẩn khuất đâu đó.

Ngoài ra là hàng trăm thứ công việc phải xử lý để cái đô thị khổng lồ này được vận hành một cách suôn sẻ...

Làm thế nào để bảo vệ trật tự trị an, làm thế nào để dẹp tan mọi âm mưu chống đối, làm thế nào để cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn, làm thế nào để sinh hoạt ở một thành phố lớn diễn ra được bình thường... có lẽ đã xâm chiếm hết đầu óc của những người lãnh đạo lúc đó.

Vậy thì cái kế hoạch chuẩn bị duyệt binh và diễu hành quần chúng cũng như thực hành chuẩn bị cho Lễ duyệt diễu binh mừng ngày thống nhất đất nước có lẽ chỉ được hình thành khi mọi việc đã tạm ổn và đi vào nề nếp.

Riêng đối với các đơn vị quân đội, chỉ thị về việc chuẩn bị và luyện tập để tham gia duyệt diễu binh chỉ nhận được trước khoảng 1 tuần.

Cả "núi" công việc được hoàn thành trong thời gian kỷ lục

Thông thường, để thực hiện một cuộc duyệt binh và diễu hành quần chúng tầm cỡ quốc gia công tác chuẩn bị phải mất vài ba tháng.

Tất cả các khâu từ lập kế hoạch, lên kịch bản, xác định các thành phần tham gia, sử dụng những loại trang bị gì, nhân lực vật lực huy động từ đâu, bảo đảm vật chất thế nào... phải hết sức cụ thể, tỷ mỷ đến từng chi tiết.

Tiếp đó là tổ chức luyện tập cho các lực lượng tham gia. Trong khâu này phải thực hiện rất cơ bản và kỹ càng từng động tác, thao tác nhỏ nhất. Sau khi tập luyện riêng rẽ ở từng đơn vị, từng bộ phận sẽ đến khâu hợp luyện và tổng duyệt.

Có trường hợp phải tổng duyệt đến 2- 3 lần mới đạt yêu cầu. Thế rồi trang trí ra làm sao? Bảo vệ an ninh như thế nào?... Thực sự đó là cả một núi công việc mà những người tổ chức phải giải quyết.

Còn đối với các lực lượng tham gia diễu duyệt thì thời gian luyện tập như thế nói chung là quá ít ỏi. Mặc dù đã trải qua mấy năm tuổi quân nhưng hầu hết bộ đội mới chỉ được rèn luyện kỹ năng chiến đấu là chính, còn động tác điều lệnh đội ngũ gần như bị bỏ qua.

Vì vậy, coi như phải huấn luyện lại từ đầu. Với các khối quần chúng thì lại còn khó hơn vì đây là lần đầu tiên họ được làm quen với điều lệnh quân đội. Được cái, anh chị em thanh niên, sinh viên tham gia rất nhiệt tình, họ sẵn sàng tập ngoài giờ, tập cả buổi tối kỳ cho thuần thục mới thôi.

Vén màn bí ẩn: Duyệt binh hoành tráng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975! - Ảnh 3.

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ buổi lễ.

Đối với khối các đơn vị binh chủng kỹ thuật thì "núi" công việc đó được nhân lên gấp đôi.

Nếu như người chiến sĩ bộ binh chỉ cần tập trung luyện tập động tác cá nhân thì các chiến sĩ khối binh chủng vừa lo luyện tập lại còn phải lo bảo dưỡng, "tân trang" những con "tuấn mã", "voi thép", những chú "rồng lửa"... của mình sao cho "ngon lành" trước khi ra mắt bàn dân thiên hạ.

Lúc đánh nhau có thế nào dùng thế, có ai quan tâm đến hình thức đâu. Còn đây đi "ăn cỗ" cơ mà, cũng phải tươm tất tý chứ.

Chính vì vậy, sau khi nhận chỉ thị đơn vị nào cũng như công xưởng cả. Chỗ thì lo bảo dưỡng xe máy, chỗ thì gò hàn đắp vá những chỗ sứt sẹo trên đường hành quân. Chỗ thì dùng vòi cao áp xịt rửa sạch sẽ mọi dấu vết bụi đường chinh chiến.

Chỗ thì hì hụi sơn sơn, vẽ vẽ làm đẹp cho đứa con cưng của mình. Có hôm còn phải làm cả đêm. Tuy nhiên, trong không khí hân hoan của những ngày hòa bình, thống nhất đầu tiên, bộ đội làm không biết mệt, năng suất tăng lên gấp hai, gấp ba.

Cái khối lượng công việc lẽ ra phải mất hàng tuần nay đã hoàn thành trong vòng 3 ngày.

Xong phần kỹ thuật thì đến phần luyện tập. Phần này chủ yếu liên quan đến các lái xe, còn các thành phần khác thì không có gì lớn lắm. Thực ra, đối với những lái xe đã đưa xe pháo của mình cả nghìn ki- lô- mét vào đến đây thì việc điều khiển xe đã rất thuần thục.

Tuy nhiên, đây là lái xe trong duyệt binh nên có những yêu cầu khác hẳn. Khi duyệt binh xe sẽ đi hàng đôi, lái xe phải giữ chân ga và căn đường thế nào sao cho phải đảm bảo cả hàng ngang và hàng dọc, đồng thời đảm bảo khoảng cách giữa các phương tiện với nhau.

Cũng may, trong các doanh trại mà quân đội VNCH để lại thường có các quảng trường khá lớn nên bộ đội có chỗ để luyện tập gần như thật. Tuy vậy song cũng phải tập vài ngày mới tạm ổn.

Một trong những nội dung công việc vô cùng quan trọng và cũng hết sức khó khăn đó là công tác bảo vệ an ninh, đảm bảo an toàn cho buổi lễ. Diễn ra tại một thành phố mới giải phóng chỉ có 2 tuần, các lực lượng thù địch âm mưu chống phá còn lẩn khuất khắp nơi.

Vậy phải làm thế nào để ngăn chặn mọi âm mưu đó, đảm bảo an toàn cho lãnh tụ cũng như mọi người dân dự lễ, đảm bảo cho buổi lễ được thông đồng, bén giọt? Đích thân Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hòan đã vào chỉ đạo công tác này.

Vén màn bí ẩn: Duyệt binh hoành tráng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975! - Ảnh 4.

Hàng trăm chiến sĩ công an từ miền Bắc cũng cấp tốc được đưa vào tăng cường cho lực lượng an ninh tại chỗ. Với sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, một số âm mưu chống phá đã bị ngăn chặn từ trong trứng và cả đêm tổng duyệt cũng như ngày lễ đã diễn ra an toàn tuyệt đối.

Và rồi đêm tổng duyệt đã đến! Trước đó, các phương tiện kỹ thuật đã được tập trung về khu vực Gò Vấp, đến giờ hiệp đồng mới ra vị trí. Mặc dù chỉ là tổng duyệt song cũng thu hút khá đông người dân Sài Gòn đến xem.

Điều thú vị là mặc dù được "ghép" từ rất nhiều mảnh rời rạc song buổi tổng duyệt đã thành công ngay lần đầu.

Có lẽ vì quá phấn khích bởi thành công hay sao đó nên khi trở về một xe tăng của Lữ đoàn 203 đã bay qua lan can cầu Xa Lộ (Đồng Nai) xuống sông, để lại dấu vết đến tận bây giờ.

Ấy thế rồi vẫn có sự thay đổi ở phút thứ 89! Chắc là muốn san sẻ niềm vui hòa bình, thống nhất đến tất cả các địa phương nên các binh khí kỹ thuật trong lễ duyệt binh tại Sài Gòn chủ yếu sẽ sử dụng của Binh đoàn Cửu Long- đơn vị đang làm nhiệm vụ quân quản tại chỗ.

Còn các đơn vị khác thì đưa quân đến phục vụ mít- tinh của các địa phương xung quanh như Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu v.v...

Và cuộc duyệt binh mừng hòa bình, thống nhất đất nước ngày 15.5.1975 tại Sài Gòn và các tỉnh thành đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cũng như bạn bè quốc tế.

Họ đều tấm tắc: "Mấy ổng giỏi thiệt! Không hiểu các ổng làm thế nào mà chỉ sau 2 tuần đã làm được cuộc duyệt binh hoành tráng đến như vậy!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại