Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), xin cho phép đơn vị được tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ với 4 tuyến cao tốc đang khai thác do đơn vị quản lý.
Theo quy định, VEC được phép tăng phí các dự án cao tốc đang quản lý với lộ trình 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng 15%. Tuy nhiên, thực tế các tuyến cao tốc của VEC chưa tăng phí lần nào, dù có tuyến đã khai thác trên dưới 10 năm.
Trạm thu phí Cao Bồ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý.
Cụ thể, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khai thác được 12 năm, mức phí hiện là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (12 chỗ ngồi trở xuống).
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thác được 9 năm, mức phí hiện là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn cho đoạn 4 làn xe, và 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn với đoạn 2 làn xe.
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hiện thu mức phí 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang thu mức phí 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Về lý do cần phải tăng phí các tuyến cao tốc đang quản lý, VEC cho biết dù được phép 3 năm 1 lần tăng phí, nhưng từ năm 2017 tới nay chưa tuyến cao tốc nào tăng phí. Bên cạnh đó, chi phí trả nợ vay đầu tư các tuyến đường của VEC sẽ tiếp tục tăng. Các dự án cao tốc sau thời gian đưa vào khai thác cũng tới thời điểm phải trung tu, đại tu, nên cần có nguồn tài chính.
Hiện, VEC đang phải chuẩn bị nguồn tiền để thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể là thu xếp khoảng 6.000 tỷ đồng để hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; thu xếp hơn 5.334 tỷ đồng trả nợ trái phiếu Chính phủ và lãi phát sinh (đã được Bộ Tài chính trả nợ trước).
VEC đưa ra 3 phương án về thời điểm tăng phí. Cụ thể, nếu tăng phí từ năm 2024, với mức tăng 12%, sau đó mỗi 3 năm tăng 1 lần, giai đoạn 2024-2030 sẽ đạt doanh thu hơn 50.798 tỷ đồng. Sẽ đảm bảo dòng tiền cho VEC trả nợ và đầu tư hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trường hợp tăng phí từ năm 2025, cùng mức tăng và lộ trình, giai đoạn 2024-2030, tổng thu của VEC dự kiến khoảng 48.400 tỷ đồng. Với doanh thu này, tới năm 2030, VEC sẽ thiếu hơn 1.200 tỷ đồng cho trả nợ và đầu tư.
Trường hợp năm 2027, VEC mới được tăng phí, cùng mức và lộ trình tăng, giai đoạn 2024-2030 VEC chỉ đạt doanh thu hơn 46.750 tỷ đồng. Với doanh thu này, tới năm 2034, VEC sẽ thiếu hơn 2.300 tỷ đồng.
Từ đó, VEC kiến nghị Bộ GTVT cho VEC tăng phí 4 tuyến cao tốc đang khai thác từ tháng 1/2024.
Tới hết năm 2022, VEC đang quản lý khoảng 9.600 tỷ đồng tạm nhàn rỗi, là tiền thu phí của 4 tuyến cao tốc đang thu phí, đây là nguồn thu phí dùng để trả nợ cho các khoản vay đầu tư chính các dự án này (nhưng chưa tới kỳ trả nợ).
Trước đó, VEC cho rằng nếu chưa phải trả khoản tiền lãi trái phiếu do Bộ Tài chính trả trước (hơn 4.500 tỷ đồng), dòng tiền của VEC sẽ luôn dương. Dự kiến, năm 2023 dương 7.920 tỷ đồng, năm 2024 hơn 7.400 tỷ đồng, năm 2025 hơn 7.300 tỷ đồng... Hết năm 2022, VEC đang có dòng tiền kết dư hơn 9.600 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng tính toán, năm nay dự kiến VEC dương hơn 9.400 tỷ đồng, tới năm 2025 dự kiến dương hơn 12.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá, hiện VEC thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo các hiệp định vay đầu tư cao tốc, không phát sinh nợ quá hạn. Nếu tính riêng lẻ từng năm, dòng tiền của VEC âm, như năm 2022 âm 518 tỷ đồng, năm 2023 âm 167 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế sau thuế dòng tiền luôn dương, như năm 2022 dương hơn 9.600 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 dương hơn 12.500 tỷ đồng.
Tới hết năm 2021, tổng vốn ngân sách đã đầu tư cho 5 tuyến cao tốc của VEC quản lý, khai thác hơn 48.126 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA hơn 33.000 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 15.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VEC tự huy động hơn 56.800 tỷ đồng đầu tư.