Sau cổ phần hóa, VEAM dự kiến có số vốn điều lệ lên tới 13,28 nghìn tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước sẽ nắm giữ 678 triệu cổ phần (51%), người lao động nắm 5,67 triệu cổ phần (0,43%), 478 triệu cổ phần (36%) sẽ được bán cho đối tác chiến lược, còn lại 167 triệu cổ phần (12.57%) sẽ được bán đấu giá công khai ra công chúng.
Lộ diện đối tác chiến lược
Theo thông báo tìm kiếm đối tác chiến lược của VEAM, thời gian để tìm kiếm đối tác chiến lược diễn ra trong tháng 9/2016 với mức giá bán cổ phần không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất tại phiên đấu giá cổ phần ra công chúng ngày 29/08.
Những đồn đoán trên thị trường gần đây cho thấy, Vinamco – công ty con của Tập đoàn BRG – rất có thể sẽ trở thành đối tác chiến lược của VEAM khi hai bên đang trong quá trình đàm phán, Vinamco cũng là đối tác tỏ ra mặn mà nhất trong thương vụ thâu tóm doanh nghiệp hàng đầu của Bộ Công thương này.
Trước đó, BRG thông qua công ty con của mình là Vinamco đã chi 1.250 tỷ đồng để mua lại 97,7% cổ phần của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải. Vinamco đang vận hành showroom Honda Tây Hồ tại số 197A - đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trong trường hợp Vinamco mua được với mức giá thấp nhất là bằng với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, công ty con của BRG sẽ phải bỏ ra ít nhất 4.783 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của VEAM.
Tập đoàn BRG hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và sân golf.
Trong đó nổi bật là sân gôn Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân gôn BRG Ruby Tree Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân gôn Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), Khách sạn Hilton Garden Inn, Khách sạn Sông Nhuệ, tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower (324 Tây Sơn, Hà Nội), Khu căn hộ Oriental Palace (33 Tây Hồ, Hà Nội), Showroom Honda Ôtô Tây Hồ, Honda Ôtô Hải Phòng, Dự án Thung lũng Nữ hoàng (tỉnh Hòa Bình) và còn loạt dự án đang và sẽ triển khai như Oriental Garden, Oriental Plaza, Oriental Sun, Oriental Pearl, Oriental West Lake…
VEAM có gì hấp dẫn?
Vậy, VEAM có gì khiến BRG chi ra hàng nghìn tỷ đồng để thâu tóm? Hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM hiện nay bao gồm 3 mảng chính: Chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp; sản xuất, chế tạo lắp ráp ô tô; và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ.
Trong đó đáng chú ý là mảng sản xuất, chế tạo lắp ráp ô tô khi VEAM nắm giữ cổ phần ở các liên doanh lớn như Honda Việt Nam (nắm 30%), Toyota Việt Nam (20%) và Ford Việt Nam (25%, thông qua công ty con là VEAM DISOCO).
Lợi nhuận của công ty hoàn toàn được đóng góp bởi lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết kể trên.
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2014 của VEAM cho thấy lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 3.343,9 tỷ đồng, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ghi nhận lỗ 225,6 tỷ đồng, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết đạt 3.492,3 tỷ đồng.
Honda Việt Nam đóng góp khoảng 78% và Toyota Việt Nam đóng góp khoảng 19% trong tổng lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.
Báo cáo tài chính năm 2015 của VEAM cho biết, công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng, trong đó tiền cổ tức nhận về lên tới 3.391 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có các khoản cổ tức từ Honda hay Toyota thì lợi nhuận VEAM sẽ là con số âm trong hai năm liên tiếp.
Tuy nhiên, theo kế hoạch kinh doanh của công ty, phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết sẽ có xu hướng giảm trong những năm tới do thị trường tiêu thụ xe máy có dấu hiệu bão hòa.
Trong khi đó, ngành sản xuất ô tô chịu sự cạnh tranh mạnh về giá khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN theo lộ trình sẽ giảm xuống còn 0% vào năm 2018.
Điều đó cho thấy, hoạt động liên doanh liên kết nhiều khả năng sẽ không còn mang lại nguồn lợi khổng lồ cho VEAM. Tuy nhiên, VEAM vẫn còn đủ sức hấp dẫn bởi đang nắm trong tay quỹ đất rộng lớn trải dài khắp các tỉnh thành như Hà Nội, T.P HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Vũng Tàu,….
Trong đó, nhiều khu đất vàng như tòa nhà VEAM với diện tích sử dụng 2.734 m2 tại quận Tây Hồ hay khu đất rộng 3,6 ha tại phường Yết Kiêu- Hà Đông.
Đáng chú ý, khu đất rộng 3,6 ha tại Hà Đông sẽ tiếp tục được VEAM sử dụng cho đến khi tiến hành xong việc di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo chủ trương đã được UBND Hà Nội chấp thuận.
Về cơ cấu nguồn vốn của VEAM, theo bản cáo tài chính của công ty, nợ phải trả chiếm khoảng 2% trong cơ cấu nguồn vốn. Đến hết năm 2015, vốn chủ sở hữu của VEAM đạt 13.026 tỷ đồng, chiếm khoảng 98% tổng nguồn vốn.
Trong đó, đáng chú ý là khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản là 6.682 tỷ đồng, chủ yếu tới từ sự tăng giá trị phần vốn góp của công ty tại Honda Việt Nam với mức tăng 4.868 tỷ đồng. Mức tăng giá trị phần vốn góp tại Toyota Việt Nam và VEAM DISOCO lần lượt là 711 tỷ đồng và 286 tỷ đồng.