Vệ tinh này là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất”.
Ngoài ra, vệ tinh "made by Việt Nam" này sẽ chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cũng liên quan tới vệ tinh này, PGS TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, các chuyên gia Nhật Bản đã tính toán, hiện mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% GDP về thiên tai, tương đương khoảng 3 tỷ USD.
Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nếu có ảnh vệ tinh, chúng ta có thể kịp thời báo chính xác bão, lũ, ngập ở đâu.
"Dù không chống toàn bộ nhưng giảm thiệt hại như sơ tán đúng, cảnh báo đúng… Mỗi năm chỉ cần giảm thiệt hại được 10% đã tương đương 300 triệu USD. Đấy là chưa kể thiệt hại về người", PGS Tuấn nhấn mạnh.
Vệ tinh MicroDragon được gắn vào tên lửa trước khi phóng vào không gian sáng nay 18.1. Ảnh: VNSC
Ngoài ra, theo Người đứng đầu Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam, việc có vệ tinh riêng sẽ mang lại những lợi ích không thể tính cụ thể ra tiền được, như phục vụ cho công tác qui hoạch, truy tìm nguồn gốc các vệt dầu loang, các nguyên nhân gây ô nhiễm trên biển, kiểm soát tàu thuyền đi trên biển…
Hình ảnh vệ tinh có thể cho phép chúng ta phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Vệ tinh Microdragon có kích thước 50x50x50cm, nặng 50kg và có quỹ đạo 500km.
Microdragon sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp bởi những tấm pin mặt trời với công suất phát lớn nhất của pin là 140W.