CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với doanh thu 1.454 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng 24,4% lên 591 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của Nhựa Bình Minh đạt 29,2 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với quý 4/2022. Tất cả các chi phí của công ty trong năm qua đều tăng. Kết quả, doanh nghiệp đầu ngành nhựa tại Việt Nam báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 257 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước đó. EPS tăng từ 3.010 đồng lên 3.138 đồng.
Lũy kế năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu 5.156 tỷ đồng, giảm 12,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp công ty lãi ròng 1.042 tỷ đồng trong năm qua, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS tăng từ mức 8.481 đồng lên 12.717 đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.255 tỷ đồng, tăng 211 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty ở mức 2.011 tỷ đồng, chiếm gần 62% cơ cấu tài sản. Hàng tồn kho là 364 tỷ đồng, giảm 37% so với cuối năm 2022.
Dù là doanh nghiệp đầu ngành nhựa nhưng công ty này chỉ có hơn 55 tỷ đồng nợ vay tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt 2.689 tỷ đồng.
Trong năm 2023, không chỉ ghi nhận năm đầu tiên mang về hơn 1.000 tỷ lợi nhuận, Nhựa Bình Minh còn đón nhận một tin vui khác khi cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng đã chính thức vượt mốc 100.000 đồng/cp trong phiên 22/12/2023. Con số này đưa BMP lọt vào top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HoSE chỉ sau VCF, RAL, VJC và FRT.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1/2024, cổ phiếu BMP đạt mức giá 104.600 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2023, BMP đã tăng gần gấp đôi thị giá. Vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh cũng theo đó tăng thêm hơn 4.400 tỷ, lên mức xấp xỉ 8.600 tỷ đồng qua đó củng cố vị trí số 1 trong ngành nhựa trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu BMP tăng vọt trong năm 2023, nhóm cổ đông chi phối là Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan là người vui nhất. Hiện“đại gia” Thái này nắm giữ 55% vốn của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con Nawaplastic. Tập đoàn này bắt đầu trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam từ đầu tháng 3/2012 và không ngừng mua gom.
Sau khi “ôm” trọn lô cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018, SCG đã chính thức thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh. Tổng số tiền tập đoàn Thái Lan chi ra cho thương vụ này ước tính vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên đến hơn 4.700 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi gần 2.000 tỷ đồng.
Không những thế, SCG được hưởng cổ tức bằng tiền mặt đều đặn từ Nhựa Bình Minh. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền. Năm 2022, doanh nghiệp này dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84% bằng tiền, trong đó cổ đông Thái Lan bỏ túi 376 tỷ đồng. Đây cũng là mức cổ tức kỷ lục trong một năm của Nhựa Bình Minh.
Vào ngày 12/12, doanh nghiệp đầu ngành nhựa đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 65% và SCG tiếp tục thu về 293 tỷ đồng. Ước tính, tổng số tiền cổ tức mà “đại gia” Thái Lan thu về từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Với việc lãi lớn trong năm 2023, việc có một thêm một năm chia cổ tức khủng tiếp theo của Nhựa Bình Minh là điều rất dễ xảy ra.