Năm 2016, chị Đinh L. (32 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) mua mảnh đất ven biển khu vực Nghĩa Hưng, Nam Định quê chị chỉ với mức giá chỉ 300 triệu đồng/lô. Đến năm 2020, chị L. sang tay chốt giá 1,05 tỷ đồng, chênh gấp hơn 3 lần so với giá vốn chị mua chỉ trong vòng hơn 3 năm. Như vậy, trung bình mỗi năm, lô đất chị L. mua tăng tới 100%.
Thế nhưng, theo chị L, mức giá đó chị bán vẫn còn rẻ. Chị cho hay, ở thời điểm sốt đất, những lô ven biển mức giá thấp nhất là 1,2 tỷ đồng. Những lô đất sát mặt đường có giá 2 tỷ đồng. So với 3-4 năm trước, đất tăng trung bình từ 300-500%.
Đến thời điểm hiện tại, chị L. cũng tiết lộ, có vốn chị đều đổ vào đất Nam Định. Chia sẻ lý do lựa chọn đầu tư như vậy, nhà đầu tư tay ngang này cho biết: "Giá đất Hà Nội đắt đỏ. Nếu muốn đầu tư phải có 1-2 tỷ đồng.
Ngay cả các khu vực vùng ven nhà Hà Đông, Hoài Đức, giá 1.5 tỷ đồng để lựa chọn mảnh đất nằm ngay đường có ô tô đi rất hiếm. Trong khi, mức giá đầu tư ở quê chỉ khoảng 500-800 triệu đồng/lô. Ở quê tôi, họ hay bán theo mét ngang mặt đường. Bác hàng xóm nhà tôi vừa bán 130 triệu đồng/ mét ngang".
Đất tại nhiều huyện ở Nam Định tăng giá mạnh chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây.
Cũng như chị L., anh Vũ Lập (Hải Dương) từng sang tay chốt lời thành công tới 4 thương vụ. Mỗi thương vụ, quỹ đất của anh tăng giá gấp 2, gấp 3 lần so với giá vốn mua. Vốn chỉ là dân văn phòng làm việc tại Hà Nội, nhưng 4 năm trước, anh Lập đã nghĩ tới việc bỏ tiền về quê mua vài mảnh đất "dắt lưng".
"Đầu tiên, tôi mua mảnh đất nằm trên trục đường xã. Thời điểm mua có 250 triệu đồng. Đến khi xã xây dựng lại đường, trải nhựa, đúng 2 năm sau, giá lên 500 triệu đồng. Tôi đợi thêm hơn 1 năm nữa mới bán, trúng thời điểm sốt đất, giá đã sang tay 650 triệu đồng. Đất ở quê mất năm nay tăng giá nhanh, dễ bán vì tâm lý mọi người cũng đang quan tâm nhiều đến đất".
Một mảnh đất khác mà anh Lập đầu tư nằm ở sát cạnh dự án Ecopark (Hải Dương). Mảnh đất này anh được một người bạn cùng quê rủ đầu tư. Thời điểm anh mua mới chỉ có 16 triệu đồng/m2. Đến đầu năm 2020, khi dự án Ecopark Hải Dương đã dần hoàn thiện, mảnh đất của anh đã lên tới 30 triệu đồng/m2.
"Số đất còn lại tôi góp chung với em họ. Em tôi ở quê nên nắm được thông tin rất tốt về đường xá, các dự án. Đến hiện tại, lô đất nào cứ xuống tiền là có lời", anh Lập cho hay.
Cũng theo nhà đầu tư tay ngang này, đầu tư đất ở tỉnh có rất nhiều lợi thế. "Đầu tiên, vì là nơi tôi sinh ra và lớn lên, họ hàng, anh em, bạn bè đông. Với mối quan hệ này, tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin về các lô đất.
Thứ hai, đất quê còn rẻ và chắc chắn sẽ tăng do các dự án đổ bộ về, hệ thống giao thông mở rộng. Thứ ba, nếu như đầu tư đất ở Hà Nội phải đi qua môi giới hoặc dễ mua đắt vì đội cò nâng giá. Nhưng ở quê, thị trường bất động sản còn mới nên chủ yếu giao dịch giữa người bán thật và người mua để đầu tư hoặc để ở luôn", anh Lập nói.
Nhìn lại thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2021, giá đất liên tục thiết lập mặt bằng lớn. Tại các khu vực vùng ven Hà Nội như Hoài Đức, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, giá đất đã liên tục tăng mạnh. Đặc biệt giai đoạn 2018-2021, với mức giá trung bình 30-60 triệu đồng, với một lô đất 30-50m2, nhà đầu tư phải bỏ ra 1 tỷ-3 tỷ đồng.
Trong khi đó, cơn sốt đất cũng càn quét nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định… Không ít nhà đầu tư tay ngang đã kiếm lời nhờ cơn sốt đất đi qua.
Mặc dù giá đất tại nhiều tỉnh lân cận Hà Nội đã tăng chóng mặt, gấp 2, gấp 3 lần so với giá của 3 năm trước nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn coi đây là mảnh đất tiềm năng.
Theo nhà đầu tư giàu kinh nghiệm tên Nguyễn Kiều, đất ở tỉnh sẽ còn tăng tiếp. Nếu chỉ so sánh trong 4 năm, giá đất ở tỉnh tăng tính theo số lần thì đất ở Hà Nội mới tính theo số phần trăm từ 50-100%.
Nếu so với giá đất Hà Nội, đất ở tỉnh còn rẻ hơn nhiều lần. Một lô đất dự án ở Hà Nội có giá tới 80 -90 triệu đồng/m2 thì ở quê, mức giá mới chỉ 20-21 triệu đồng/m2. Đây là lý do mà đất tỉnh sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư xuống tiền nhờ biện độ tăng giá gấp theo lần.