Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước khiến những chuyến hồi hương trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thậm chí có những người chấp nhận đón một cái Tết xa gia đình.
Chấp nhận bỏ ra số tiền gấp gần 10 lần vé xe thông thường, đảm bảo an toàn hành trình trở về
Bạn H.T.T. (24 tuổi), một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho hay, bản thân dự định sẽ xin được làm online và trở về quê ở Thanh Hóa trước Tết 1 tuần để tự cách ly tại nhà.
T.T. tâm sự: "Nửa năm rồi do bệnh dịch nên mình chưa thể về nhà, nhớ quê lắm. Nhiều lần nhỡ kế hoạch về do bản thân bỗng nhiên trở thành F1, F2..."
T. cho biết, bạn dự định sẽ thuê một chiếc xe con để về nhà vì lo ngại có thể vô tình tiếp xúc với F0 trong quá trình di chuyển: "Mình định thuê 1 chuyến xe taxi để về nhà cho an toàn.
Có lẽ dịp Tết nên chi phí thuê xe sẽ đắt hơn, khoảng 2 triệu đồng (PV - gấp khoảng gần 10 lần vé xe khách thông thường) từ Hà Nội về đến Thanh Hóa. Dù bỏ ra một số tiền lớn để về quê cũng tiếc nhưng vì đảm bảo an toàn nên chắc mình vẫn sẽ lựa chọn cách di chuyển này thay vì đi xe khách như mọi năm."
Thanh Hóa là một trong những địa phương đưa ra lời kêu gọi những người từ vùng có nguy cơ dịch bệnh cao không về quê đón Tết. Tuy nhiên, T. cho hay bản thân chưa biết đến thông tin này: "Mình chỉ nghe bố mẹ nói rằng từ Hà Nội về phải cách ly 7 ngày ở nhà. Những thông tin khác mình chưa biết và cũng không biết cụ thể những quy định đối với người từ địa phương khác trở về được đăng tải ở đâu."
Không chỉ riêng T., Nguyễn Minh Hà (25 tuổi, Quảng Ninh) cũng đã xa nhà khá lâu do tình hình dịch bệnh phức tạp. Minh Hà cho hay, dù khoảng thời gian về không lâu, bản thân cũng đã tiêm đầy đủ vaccine nhưng vẫn khá ái ngại khi trở về từ Hà Nội:
Minh Hà cho hay đã tiêm đầy đủ vaccine nhưng vẫn khá ái ngại khi trở về từ Hà Nội (Ảnh: NVCC)
"Dù đã tiêm vaccine đầy đủ, tuy nhiên mình vẫn cảm thấy ngại nếu về nhà dịp Tết trong tình hình hiện nay, vì kể cả có tiêm rồi vẫn có thể nhiễm và vô tình làm lây lan dịch. Nhưng mình nghĩ chỉ cần đảm bảo tuân thủ các quy định phòng dịch của địa phương thì vẫn về bình thường."
Nói về dự định đón Tết trong thời gian sắp tới, Hà chia sẻ: "Mình sẽ về sớm để cách ly tại nhà đúng 1 tuần. Mình cũng chỉ đi gặp mặt một số bạn bè hoặc ở nhà với gia đình, chứ cũng không có thói quen đi chơi nhiều. Ngày Tết ở bên gia đình vẫn là tuyệt vời nhất. Cũng mong dịch sớm qua đi để cuộc sống chúng ta có thể trở lại bình thường."
Sinh viên HV quân y "vào Nam ra Bắc" chống dịch mong cái Tết sum vầy
Đ.Th. (25 tuổi, Nghệ An) - hiện đang là sinh viên năm cuối Học viện Quân Y chia sẻ bản thân đã 8 tháng "vào Nam ra Bắc" hỗ trợ công tác phòng chống dịch nhưng vẫn chưa thể về nhà.
Đ.Th. chia sẻ: "Mình bắt đầu thực tập tại bệnh viện ở Vinh vào hồi đầu tháng 4. Sau đó được điều động về thi tốt nghiệp gấp để chống dịch. Nhưng đến khoảng tháng 8, khi mình mới thi được một nửa lại tiếp tục được điều đi gấp vào TP.HCM do tình hình dịch bệnh trong Nam diễn biến phức tạp.
Vào trong đó, mình đảm nhận nhiệm vụ trạm trưởng trạm y tế lưu động phường. Chủ yếu thực hiện như tư vấn, lấy mẫu, cấp cứu, điều trị và chăm sóc F0 tại nhà. Sau đó, mình tiếp tục vào Đồng Nai hỗ trợ chống dịch 2 tháng. Hiện tại mình đã trở lại Hà Nội để hoàn thành việc học tập còn dang dở."
Đ.Th. là một trong số rất nhiều sinh viên được điều động vào TP.HCM hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh (Ảnh: NVCC)
Về những lo ngại trong chuyến về quê này, Th. cho hay bản thân chỉ lo lắng vì trong nhà có 2 cháu nhỏ chưa được tiêm vaccine, sợ rằng không may mình bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các bé.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như gia đình, Th. cho biết mình sẽ lựa chọn mua vé tàu giường nằm: "Theo quan sát của cá nhân mình, đi tàu khai báo rõ ràng hơn và đi giường nằm cũng hạn chế số lượng người trong 1 khoang, hạn chế tiếp xúc hơn các phương tiện di chuyển công cộng khác. Trước lúc về mình sẽ test PCR cho yên tâm."
Bản thân Th. đã nắm được các thông tin về cách ly tại địa phương và cho rằng những thông tin về cách ly đối với người từ nơi khác trở về khá dễ nắm bắt thông qua các kênh mạng xã hội. Đối với việc nhiều địa phương đưa ra văn bản khuyến khích người dân không nên trở về nhà dịp Tết, cá nhân Th. không đồng ý với quan điểm này:
"Theo mình điều này không đúng theo quy định của Chính phủ. Thay vì việc khuyến khích người dân không nên trở về, địa phương nên nâng cao ý thức phòng chống dịch của cá nhân.
Quan trọng là người dân phải khai báo y tế đầy đủ, test trước khi về và làm đúng theo quy định cách ly của Bộ Y tế. Nếu gặp vấn đề về sức khỏe, nên nhanh chóng báo cho các cấp chính quyền là tốt nhất."
Và những đứa con đón Tết xa nhà "Thèm cảm giác đi mua sắm đồ chuẩn bị Tết"
Khác với đa phần những người con xa quê rất lâu chưa trở về, N.T.O. (24 tuổi) - nhân viên văn phòng tại Hà Nội dự định sẽ ở Thủ đô thay vì về nhà đón Tết.
Nói về lý do dẫn đến quyết định này, O. chia sẻ do hiện tại tình hình dịch bệnh hiện tại ở Hà Nội rất phức tạp nên dù rất nhớ nhà nhưng vẫn ở lại: "Bản thân mình mắc bệnh thì không đáng lo vì bản thân còn trẻ và đã tiêm 2 mũi vaccine. Nhưng về nhà mình có ông đã lớn tuổi và nhiều cháu còn nhỏ chưa được tiêm, mẹ mình cũng nhiều bệnh nền nên nếu nhỡ mắc bệnh thì rất có nguy cơ sẽ chuyển biến nặng."
"Thời gian gần đây mình thường xuyên không may trở thành F1, F2... nên càng lo lắng vấn đề này."
Cũng không thể trở về nhà do tình hình dịch bệnh, Trần Thị Tố Như (22 tuổi) hiện đang là du học sinh tại Nhật chuẩn bị đón cái Tết thứ hai xa gia đình ở TP.HCM.
Tố Như tâm sự bản thân đã đến Nhật được hơn 1 năm nhưng vẫn chưa thể trở về nhà lần nào. Vốn dĩ năm nay đã dự định sẽ về ăn Tết cùng gia đình nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên kế hoạch "phá sản":
Tố Như sắp trải qua cái Tết thứ 2 xa gia đình (Ảnh: NVCC)
"Do không có nhiều chuyến bay thương mại, giá vé khá cao mà tình hình dịch bệnh phức tạp, khả năng lây nhiễm cao nên mình không về nhà được."
"Càng lễ Tết mình lại càng muốn về nhà. Ở nước ngoài dù có bạn bè nhưng vẫn cô đơn lắm. Mình thèm cái cảm giác đi mua sắm đồ chuẩn bị Tết. Ngày trước ở nhà mẹ kêu đi mua gì là cằn nhằn lắm, nhưng giờ muốn đi cũng đâu có được." Như ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm đẹp về ngày Tết tại Việt Nam.
Nói về tình hình những du học sinh tại Nhật trong thời gian vừa qua, Như cho hay, hiện tại Nhật Bản vẫn đang thực hiện công tác phòng chống dịch mạnh mẽ, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát nên các bạn vẫn học online là chủ yếu. Công việc làm thêm ở thời điểm này cũng khó khăn hơn nhiều nên hầu hết các du học sinh ở Nhật rất vất vả.
Như chia sẻ, dù đây không phải lần đầu đón Tết xa gia đình nhưng lại là cái Tết muốn về xum vầy đoàn tụ nhất: "Tết năm ngoái là năm đầu tiên nên chúng mình đứa nào cũng háo hức đón Tết nơi xa. Nhưng đến năm nay thì ai cũng muốn về nhà. Sau đại dịch vừa rồi, mình thấy sợ "cái chết" và lo cho sức khoẻ của mọi người trong gia đình.
Qua những câu chuyện mất người thân do COVID-19 của bạn bè thì mình biết quý trọng những khoảng thời gian ở bên người thân hơn. Năm nay mình sẽ nghỉ làm thêm và dành thời gian đón Tết online cùng gia đình."
Dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến cuộc sống của chúng ta có muôn vàn đổi thay, muôn vàn khó khăn và những điều ngoài ý muốn. Câu chuyện về quê ăn Tết tưởng chừng là một điều hiển nhiên và giản đơn nhưng cũng trở thành một vấn đề đau đầu với những đứa con xa nhà.
Nhưng dù có thể về bên cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên hay bất đắc dĩ phải đón Tết ở nơi xa, hy vọng mỗi người trong chúng ta vẫn luôn có những cách riêng của mình cảm nhận sự ấm áp, hạnh phúc khi Tết đến xuân về, mong chờ một năm mới sum vầy, bình an, viên mãn.