Chục năm trước, đến ấp Nước Vàng Tân Thịnh (xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) ngang qua sóc Khmer, không khó để nhìn thấy những căn nhà tạm bợ nằm lẫn khuất trên con đường đất đỏ bụi mù, cỏ chắn lối đi. Nhưng sóc Khmer bây giờ nằm cạnh những con đường nhựa rộng lớn, thông thoáng liên xã, xen lẫn những tuyến đường bê tông nối liền các khu dân cư. Nơi đây không còn nhà cửa lụp xụp, thay vào đó là những căn biệt thự, nhà vườn, nhà cấp 4 khang trang.
“Sóc có 263 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu người Khmer. Hầu hết bà con đều có kinh tế ổn định, chỉ có hai hộ còn khó khăn. Rất nhiều hộ dân trong sóc thuộc diện giàu, thậm chí có người rất giàu, tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng. Nếu như ngày xưa nhà nào có chiếc xe máy là xa xỉ thì bây giờ có ô tô chạy là bình thường. Những người dân nơi đây xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn đi lên, khi có điều kiện họ vẫn tiết kiệm, không hoang phí”, ông Kim Niệm – một già làng có uy tín lại sóc Khmer ấp Nước Vàng Tân Thịnh cho hay.
Ông Ngưu Bư bên căn nhà tiền tỷ
Già làng Kim Niệm nhớ lại, hơn 20 năm trước, đời sống bà con dân tộc ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) rất khó khăn, không có đất, phải đi phát rừng, sống du canh, du cư, làm đủ thứ việc để kiếm cơm từng ngày. Đến khoảng năm 2002, mỗi hộ dân người dân tộc Khmer được chính quyền cấp 1 ha đất làm kế sinh nhai. Ông Kim Niệm nói: “Bà con dân tộc nơi đây có được khu đất tái định canh như ngày nay là nhờ vào chủ trương của Nhà nước khi triển khai Chương trình 135 - chương trình định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ”.
Ông Ngưu Bư (cư ngụ tại sóc Khmer ấp Nước Vàng Tân Thịnh) nhớ lại: Sau khi được cấp 1 ha đất, người dân ai cũng vui mừng, không ít người còn thức cả đêm trồng trọt cây ăn trái, cây cao su... Nhờ chịu thương, chịu khó, người dân nơi đây thu hoạch đủ loại trái cây như mít, cam, chanh, bưởi, mủ cao su bán ra thị trường, tích góp tiền mua thêm đất canh tác. Chỉ vài năm sau, nhà nào cũng có từ 2 đến 5 ha đất trồng trọt, thu về vài trăm đến vài tỷ đồng mỗi năm.
Người dân Khmer cần cù, chịu khó... biến vùng đất khô khan thành nơi "hái ra tiền"
Còn anh Thạch Lu (ngụ tại sóc Khmer ấp Nước Vàng Tân Thịnh) cho biết, trước khi được nhà nước cấp đất, gia đình anh có năm người, cuộc sống rất vất vả. "Cả nhà sống dưới mái lều che bạt bên khe suối. Mọi người trong nhà hôm nào cũng tỏa đi khắp nơi xin làm thuê. Ai thuê gì làm đó. Năm 2003, già làng đến thông báo: “Mày có tên trong danh sách được nhà nước chia đất”. Tôi mừng và hét lên: “Có đất rồi, vợ ơi có đất rồi... Cả đêm đó, tôi không ngủ được, mơ về mảnh đất của mình sẽ trồng cây gì, nuôi con gì. Sau khi có đất, tôi trồng điều, chăn nuôi gà. Bây giờ, tôi có nhà, đất canh tác, tiền tiết kiệm, hết cảnh kiếm cơm từng bữa”, anh Thạch Lu chia sẻ.
Nông dân sống biệt thự, đi ô tô thăm vườn
Chúng tôi ghé đến nhà ông Ngưu Bư, một trong các hộ dân ở sóc Khmer xây dựng biệt thự kiểu mái Thái. Theo ông Bư, căn biệt thự có giá trị hàng tỷ đồng, chưa kể những món đồ nội thất giá trị còn lớn hơn ngôi nhà. Khuôn viên biệt thự rộng hàng trăm mét vuông, ông Ngưu Bư đầu tư xây hồ cá Koi trong sân để làm cảnh với số tiền đầu tư hàng trăm triệu.
“Để có được cơ ngơi như bây giờ, gia đình tôi “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” . Hồi đó ai đến đây cũng chẳng có gì trong tay nên khi kiếm được đồng tiền cứ tích lũy. Sau 20 năm tích góp, tôi mua được 5 ha đất vườn cao su và hiện nay có người đòi mua hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, tôi còn có khu đất mặt tiền đường ĐT741”, ông Ngưu Bư bộc bạch.
Ông Kim Nhỏ kể chuyện vượt khó từ nông dân nghèo trở thành "đại gia".
Chẳng thua kém hàng xóm, ông Kim Nhỏ ở sóc Khmer ấp Nước Vàng Tân Thịnh đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây căn biệt thự 1 trệt, 1 lầu với 5 phòng ngủ. Còn căn nhà gỗ rộng lớn của ông Kim Niệm rất khó để định giá chính xác.
Đặc biệt, 6 người con của ông Kim Niệm đều có ô tô, nhà riêng. Nhìn vào cơ ngơi của các hộ dân nơi đây, ít ai ngờ, mảnh đất sỏi đá ngày nào giờ nhìn đâu cũng thấy "hái ra tiền". Bà con đồng bào dân tộc Khmer chịu khó chăn nuôi, trồng trọt và có nguồn thu cả trăm triệu đồng/ha/năm.
Đường vào sóc Khmer xã An Bình (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương)
“Mọi người đến đây, nếu thấy ô tô chạy trên đường đừng nghĩ đó là khách ngang qua, hay “cò đất”, mà xe đó là của người đồng bào Khmer đi thăm vườn đấy”, ông Kim Nhỏ tiết lộ.
“Người đồng bào Khmer ở ấp Nước Vàng Tân Thịnh nhờ chịu khó, biết tích lũy nên ngày càng ổn định cuộc sống. Người dân nơi đây góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương”, ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo.