Ngoặc kép là một dòng trong kết quả khảo sát mức độ hài lòng mà Bộ Y Tế vừa công bố.
Xin bắt đầu bài viết bằng lá thư của bác sĩ Trần Danh Cường, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, người thực hiện ca mổ đẻ cho bà mẹ 28 tuổi bị ung thư Nguyễn Thị Liên.
“Hai hôm trước, Bệnh viện K nhắn đến: "Bạn Liên đang rất khó khăn, đã phải mở nội khí quản, chúng tôi mong có clip về cậu bé để nếu có cơ may tỉnh lại, Liên sẽ được nhìn thấy con trai".
“Vậy là trong 2 ngày 28, 29 và cả hôm nay 30-5, mỗi ngày chúng tôi đều gửi clip về cháu bé Bình An xuống Bệnh viện K. Có phải có điều thần kỳ không? Tôi chưa dám nói điều đó. Nhưng sau 4 ngày mê man, Liên đã tỉnh. Cô ấy đã nhìn thấy con trai qua màn hình điện thoại”.
Và mơ ước của ông lúc này đây là “hi vọng cô ấy sẽ có cơ hội gặp con mình, dù rất khó...
Người bác sĩ cũng nói về điều tiếc nuối của ông là đã “chưa làm được nhiều về tầm soát ung thư cho phụ nữ” và ông mong muốn sẽ “làm được nhiều hơn việc tầm soát bệnh sớm cho phụ nữ, để làm sao bớt đi những ca mổ khó như ca mổ cho Liên”.
Bức thư ngay lập tức gây ra sự xúc động về sự tận tâm của các bác sĩ dù họ không tự viết một chữ nào về mình trong đó.
Hãy để ý đến chữ “mẫu” mà bác sĩ Cường đã dùng trong thư để ca ngợi sự hy sinh của những người mẹ. Những người “không đẻ thêm nữa”, để “dành thời gian”, để sẵn sàng cả đời chăm sóc đứa con tàn tật.
Những người mẹ từ chối điều trị bệnh hiểm nghèo để mong có cơ hội sống cho những đứa con. thật ra, còn có những “từ mẫu” khác trong những trường hợp này. Và không ai khác, đó chính là các bác sĩ.
Chính những nỗ lực để giành giật cuộc sống cho người mẹ từ tay tử thần, nhưng chính những việc tưởng như giản dị “ngày 28, 29 và cả hôm nay 30-5, mỗi ngày chúng tôi đều gửi clip về cháu bé Bình An xuống Bệnh viện K” cho mong ước một lần nhìn thấy con của người mẹ...thì còn có thể gọi là gì nếu không phải là tận tuỵ- sự tận tuỵ xuất phát từ tấm lòng, từ sự thấu hiểu và chia sẻ giữa người và người, giữa bác sĩ và bệnh nhân của mình.
Thật ra, việc khảo sát mức độ hài lòng của ngành y tế cũng đáng để ghi nhận, nhất là năm nay, đối tượng là những người đã xuất viện.
Thừa nhận, cả ở việc xác nhận những “chi phí ngoài” kiểu bì thư nữa. Điều đó có thể là gánh nặng, là sự bức xúc nếu chi phí ngoài là sự đòi hỏi, là những mặc cả kiểu “mũi tiêm không đau” như đã từng.
Nhưng nó sẽ thuần tuý như là một biểu hiện của sự biết ơn nếu xuất phát điểm là sự tận tuỵ của người thầy thuốc, từ sự nỗ lực để giành giật cuộc sống cho bệnh nhân, từ sự thông cảm và sẻ chia.
Cái gì từ lòng người sẽ rất nhanh chóng và bền chắc- đến được với lòng người và ở lại trong lòng người.