Trong không khí se lạnh của những ngày giáp Tết, căng thẳng và mệt mỏi dường như đã trở thành hương vị thường trực trong ngôi nhà nhỏ của Trang (32 tuổi, đã kết hôn được 7 năm). Chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn không phải mới mẻ gì, nhưng mỗi khi Tết đến, mọi thứ lại trở nên căng thẳng hơn bội phần.
Từ những hành động nhỏ cứ thế cấu thành nên bức tranh đầy vấn đề của những xung đột không lời giải. Chẳng là nhà chồng cô có hai anh em trai, vì ông bà luôn mong ngóng có cháu trai để khoe với dòng họ nên anh chồng và chị dâu chồng cũng hào hứng thực hiện kế hoạch. Năm ngoái chị dâu có bầu đúng gần Tết nên không phải làm bất cứ việc gì. Tết đến chị xách đồ về nhà ngoại ăn Tết với lý do để nghỉ ngơi cho thoải mái.
Trước khi về nhà bố mẹ chồng ăn Tết, mẹ chồng luôn nói với cô rằng bố mẹ mong hai cô vợ chồng về nghỉ Tết sớm để nghỉ ngơi, mẹ chồng cũng có thời gian chăm sóc, bồi bổ cho Trang nhiều hơn. Công việc bận rộn mãi không thể sắp xếp, đến 28 Tết vợ chồng cô xách đồ về nhà. Tưởng được nghỉ ngơi một chút, nào ngờ từ lúc ấy Trang bận đến mức không có thời gian để ngủ.
Cô cùng mẹ chồng đi chợ Tết, lau dọn nhà cửa. Ngôi nhà 4 tầng nhỏ hẹp trong phố khiến Trang xây xẩm mặt mày khi mẹ chồng không cho cô dùng chổi lau nhà mà phải dùng khăn vừa ngồi xổm vừa lau. Mẹ chồng nói rằng lau như thế mới sạch.
Cả ngày bận rộn, tối đến Trang vẫn phải tranh thủ làm việc. Lạ giường khó ngủ, cứ đến 4 giờ sáng cô mới chợp mắt được một chút. Thế nhưng 5 rưỡi sáng, trong bếp đã mở ti vi ầm ầm, tiếng nồi niêu xoong chảo leng keng khiến Trang không thể nào ngủ được. Đây là cách mỗi ngày mẹ chồng "gọi" Trang dậy sớm.
Làm cơm cúng từ đêm Giao thừa đến 3 ngày Tết đủ các món, đi nhà họ hàng chúc Tết vốn là những việc bình thường. Nhưng năm đầu về làm dâu, cô phải chạy qua chạy lại giữa hai nhà, nhà bố mẹ chồng và nhà anh trai chồng để thắp hương cùng bố mẹ. Đến thời gian gọi điện về chúc Tết bố mẹ đẻ Trang cũng không có nhiều. Đến về nhà họ hàng chúc Tết, mấy người chị họ cũng bầu bí nên không tiện rửa bát, Trang lại xắn tay dọn dẹp và rửa vài mâm bát lúc ăn cỗ xong.
Trong khi Trang cần sự hỗ trợ và thông cảm từ chồng thì anh lại tỏ ra bất lực trước mong đợi của bố mẹ. Mẹ chồng vốn nghĩ con trai bận rộn công việc, thiếu thời gian nghỉ ngơi nên để mặc chồng Trang ở trong phòng chơi game. Từ nàng dâu mới háo hức cuộc sống vui vẻ khi mới về làm dâu, nhưng với Trang mọi thứ dường như trở thành ác mộng.
Đỉnh điểm khi ngay giữa mâm cơm Tết, sau khi mọi người đã ngồi xuống đầy đủ, mẹ chồng Trang bất ngờ nêu ra nhận xét về cách Trang chuẩn bị mâm cỗ, không đúng ý bà cũng không đúng theo truyền thống gia đình. Dù đã cố gắng hết sức, Trang cảm thấy chạnh lòng và bực bội, không thể kiềm chế nỗi tức giận của mình.
Mặc dù biết là khi đi lấy chồng, phải kiên nhẫn và nhường nhịn, nhưng Trang đã coi đây là gia đình thứ 2 của mình, kết quả lại chẳng được coi trọng. Cô liền nói: "Đây là năm đầu con về nhà mình, thói quen ăn uống và nấu món ăn của nhà con và nhà mình có thể sẽ khác. Nếu có gì không phải, mẹ có thể hướng dẫn con từ từ. Con cũng đã rất cố gắng nhưng mẹ không hề nhìn thấy sự cố gắng đó, con đi lấy chồng làm con dâu nhà mình nhưng cũng không phải người giúp việc. Suốt từ khi về nhà đến giờ, chưa ngày nào con chợp mắt nổi 4 tiếng đồng hồ. Nếu mẹ không ưng ý thì năm sau để chị dâu làm cỗ đi ạ".
Sau khi cô nói xong, chồng cô im lặng không lên tiếng. Trang rất khó chịu vì việc mẹ chồng cô góp ý giữa bữa cơm, mặc dù cô đã làm mọi thứ đầy đủ, chu đáo. Nhưng mẹ chồng cô lại không thích nói thẳng, thường chọn cách nói bóng gió.
Mâu thuẫn ấy đã làm sôi sục bầu không khí gia đình, khiến cho không chỉ hai bên trở mặt mà cả những thành viên khác trong gia đình cũng phải "chọn phe". Tình thế trở nên khó khăn hơn khi chồng Trang – người nên là chỗ dựa vững chãi cho cô, lại không thể làm hòa giữa mẹ và vợ.
Sau 3 ngày Tết, không đợi chồng đồng ý, Trang liền xách đồ về nhà riêng của mình để nghỉ ngơi. Công việc vốn đã bận rộn, chẳng mấy ai hiểu và thông cảm, Tết về nghỉ ngơi chẳng được mấy, lại ngủ không đủ, Trang đã sụt mất 3kg. Cô thất vọng hơn nữa là thái độ của chồng, anh cũng không giúp đỡ cô được việc nào, chỉ mải mê chơi game và để mặc cô một mình loay hoay trong bếp như vậy.
Chuyện của Trang không chỉ là cá nhân mà còn phản ánh không ít gia đình Việt Nam vẫn đang phải đối diện với những xung đột tương tự trong dịp Tết. Giữa việc duy trì truyền thống và cái tôi cá nhân, giữa sự hiểu biết lẫn nhau và những kỳ vọng không lời giải, những mâm cỗ ngày Tết vẫn là nơi để thử thách sự kiên nhẫn, thấu hiểu trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu và sự yêu thương của người chồng.