Trong suốt 3 giờ đồng hồ điều trần, ông James Comey đã liên tục công kích uy tín của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Comey cho biết, những tuyên bố của Nhà Trắng là không đúng sự thật, nhằm cản trở cuộc điều tra về Nga, và tiết lộ ông lưu lại nội dung các cuộc trao đổi giữa hai bên bởi lo ngại "những nguy cơ về sau này".
Comey nói ông cảm thấy không tin tưởng ông Trump sau một thời gian làm việc, đến mức ông không muốn ở một mình với Tổng thống.
Theo AP, đây là bức chân dung về ông chủ Nhà Trắng chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm trở lại đây. Thông điệp của Comey đặt ra một thử thách với giới lập pháp, công chúng và ủy ban đặc biệt chuyên trách điều tra về liên hệ giữa ban tranh cử của ông Trump và Nga.
Thử thách đó là: Bạn sẽ tin lời của ai? Cựu quan chức FBI hay Tổng thống Mỹ?
Câu trả lời cho câu hỏi trên có thể không ảnh hưởng tới kết quả cuộc điều tra, nhưng nó có thể đẩy ông Trump vào tình thế khó khăn khi mới nhậm chức chưa đầy 5 tháng.
Matthew Dowd, cựu chiến lược gia trưởng cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống George W. Bush nhận định, "một vị Tổng thống không thể truyền đạt thông tin hiệu quả nếu tồn tại đầy rẫy lỗ hổng niềm tin trong nội các".
Nhà Trắng và luật sư riêng của ông Trump đều ráo riết bênh vực tính chính trực của ông, bác bỏ các cáo buộc tổng thống yêu cầu FBI ngừng vụ điều tra Michael Flynn, và khẳng định ông Trump cũng không yêu cầu ông Comey thề sẽ trung thành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một diễn đàn ngày 8/6. Ảnh: AP
AP ghi nhận, bản thân ông James Comey cũng là nhân vật gây tranh cãi. Vào năm ngoái, Comey khiến đảng Dân chủ nổi giận khi chịu trách nhiệm cuộc điều tra nhằm vào bê bối email của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, và còn công khai thông tin mới chỉ 10 ngày trước cuộc bầu cử.
Trong lần xuất hiện cuối cùng ở điện Capitol với tư cách giám đốc FBI, Comey đã phóng đại con số email được công khai vào giai đoạn nước rút của chiến dịch bầu cử, khiến FBI phải đính chính thông tin này.
Theo AP, buổi chất vấn căng thẳng nhất trước ủy ban tình báo Thượng viện vừa qua tập trung nhiều hơn vào việc những trao đổi mà Comey nhắc tới liệu có đẩy Trump vào rắc rối pháp lý hay không, thay vì sự thật về 9 buổi gặp gỡ và các cuộc điện thoại với Tổng thống Mỹ.
Mặc dù là người ủng hộ Trump, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan không bác bỏ lời lẽ của Comey trong buổi điều trần. Ông Ryan cho biết ông Trump chỉ đang "hơi va vấp trước những quy trình phức tạp" trong mối quan hệ giữa Nhà Trắng và FBI.
"Tổng thống vẫn là người mới. Ông chỉ mới tham gia vào chính phủ", Ryan nói với phóng viên tại điện Capitol trong lúc buổi điều trần đang diễn ra. "Ông ấy vẫn đang vừa điều hành vừa học hỏi".
Vụ Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ sa thải ông Comey vào 9/5 làm dấy lên các câu hỏi xoay quanh độ tin cậy của Nhà Trắng.
Khi các đồng minh của Comey bắt đầu đáp trả bằng cách đưa nhiều câu chuyện tiêu cực xoay quanh Trump cho báo giới, Tổng thống Mỹ cảnh báo trên Twitter: "James Comey nên ước là không có 'đoạn ghi âm' nào của chúng ta trước khi ông ta bắt đầu lộ tin cho phóng viên!"
Nhà Trắng không thảo luận thêm về sự tồn tại của các đoạn băng nói trên. Nhưng Comey đã tự tin khẳng định rằng nếu thực sự đoạn ghi âm tồn tại, chúng sẽ hỗ trợ lời khai của ông.
"Cầu Chúa, tôi mong là mấy đoạn băng đó có thật," Comey nói.