Về Hòn Rớ nghe chuyện câu cá ngừ đại dương

Ngọc Thiện |

Trong cuộc đời đi biển của mình, ông Minh chỉ sợ không câu được nhiều cá để chia cho anh em bạn tàu. Còn chuyện gió bão, ông cho đó là điều hiển nhiên mà bất cứ một người đi biển nào cũng phải thấu hiểu để chống chọi, bảo vệ mình...

Trong cuộc đời đi biển của mình, ông Minh chỉ sợ không câu được nhiều cá để chia cho anh em bạn tàu. Còn chuyện gió bão, ông cho đó là điều hiển nhiên mà bất cứ một người đi biển nào cũng phải thấu hiểu để chống chọi, bảo vệ mình...

1. Làng chài Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) trong những ngày tháng 10 thật thanh bình, yên ả.

Đôi chiếc tàu neo mình dưới chân sóng sau những ngày dầm dề biển cả để nghỉ ngơi. Ngư phủ Huỳnh Phi Minh (50 tuổi) mồ hôi đầm đìa, bắp tay cuồn cuộn gia cố, hàn mối lại con tàu săn cá để chuẩn bị đạp sóng xa bờ.

Nước da đen nhánh, khuôn mặt nhuộm gió sương, ông Minh được bạn tàu đặt cho biệt danh "Minh mặt dày".

Về Hòn Rớ nghe chuyện câu cá ngừ đại dương - Ảnh 1.

Một góc làng chài Hòn Rớ.

 Gọi biệt danh như vậy, ông Minh chỉ cười, bảo rằng dân biển ai cũng có "nick name", chẳng có gì xấu cả. Câu chuyện của ông về biển cả, về những chuyến hải trình săn "quái vật" biển cứ ầm ầm, xô đẩy cánh sóng.

Ông Minh là đời thứ 4 của dòng họ nối nghiệp nghề biển. Ông theo cha vươn khơi từ năm 15 tuổi, chạy dọc dài vùng biển từ Côn Sơn đến Bạch Long Vĩ. Ngày cha ông đánh cá thì công cụ còn thô sơ, tàu bè cũng nhỏ, nhưng ngày ấy cá nhiều, trận nào ra khơi trở về cũng thắng lớn.

Sau khi chính thức nối nghiệp cha, trở thành Thuyền trưởng chỉ huy đội quân hùng hậu đi biển, ông Minh đã mạnh dạn đầu tư nhiều lưới hiện đại để thích ứng với luồng cá mới.

Tuy nhiên, dùng lưới đơm để bắt cá quá vất vả, mất nhiều sức lực mà rủi ro cao. Có những mẻ lưới kéo lên trắng phau, không có cá.

Trong khi đó cần câu lại dính những chú cá ngừ to vài chục ký, mang lại cảm hứng tích cực cho người đi biển. Từ khi cá ngừ đại dương được xuất khẩu, giá trị kinh tế tăng lên thì ngư dân càng tập trung khai thác loài cá này.

Nắm bắt được tình hình mới, ông Minh quyết tâm chuyển sang câu cá ngừ đại dương. Ông Minh đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng quy luật hoạt động của cá cũng như đặc điểm từng vùng biển. Ông đoán được hướng đi của cá, mùa cá di cư và sở thích ăn mồi của chúng.

Theo kinh nghiệm, vào khoảng cuối năm đến tháng 2 Âm lịch năm sau, cá ngừ đại dương sẽ di chuyển vào vùng biển từ Đà Nẵng trở ra rồi dần dần đi về phía Nam.

Rộ nhất vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch, cá ngừ đại dương tập trung nhiều ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi đến gần Phú Quốc.

Vì thế, những chuyến vươn khơi đuổi theo luồng cá thường phải băng qua mùa Tết. Các thủy thủ sẽ đón giao thừa trên biển.

Về Hòn Rớ nghe chuyện câu cá ngừ đại dương - Ảnh 2.

Ngư dân Huỳnh Phi Minh.

2. Trong đời ngư phủ của mình, ông Minh không thể nào quên khoảnh khắc con cá ngừ khổng lồ mắc câu.

Đó là chuyến ra khơi như bao lần khác, trăng thượng tuần tháng 5 tròn vành trên bầu trời, tỏa ánh sáng mờ ảo xuống nền nước đen thẫm. Những chiếc cần câu đã an vị dưới lòng biển, mồi cá chuồn tươi rói chờ "mục tiêu" lao tới đớp.

Khi anh em đang thả mình nghỉ ngơi chờ "hồi âm", thì nghe tiếng sôi ùng ục dưới tầng sâu khoảng 50 mét. Cột sóng từ từ trào lên, tất cả choàng dậy quan sát. Một thủy thủ hô to: "Cá mắc câu rồi". Nhìn thật lâu vào cột nước đùn lên cùng bọt thở của cá, ông Minh phán đoán ngay con cá này phải trên một tạ.

Cả tàu tập trung hết sức lực quay tời, càng quay thì cá càng quẫy đạp mãnh liệt, kéo giây câu căng cứng, kêu ken két. Mỗi lần cá cựa mình đều tạo ra đợt sóng trào lên mạn tàu.

Sức người không thể chống chọi với sức cá đang gồng hết lực tìm lối thoát, ông Minh lệnh cho thủy thủ thả tời, dùng tay khéo léo dẫn cá quay vòng tròn, để mặc cho nó tự mình vùng vẫy đến khi nào kiệt sức.

Con cá quằn quại, quẫy nước khoảng 7 tiếng thì thấm mệt, thả mình trôi. Nghe tiếng nước êm, thủy thủ tiếp tục quay tời đưa cá vào bờ. Khi tiếp cận với toàn thân con cá, mọi người không tin vào mắt, vì kích cỡ quá lớn và màu sắc rất lạ.

Về Hòn Rớ nghe chuyện câu cá ngừ đại dương - Ảnh 3.

Đây là con cá ngừ vây xanh lớn nhất từ trước đến nay do ngư dân đánh bắt được.

Càng sung sướng hơn khi đó là một chú cá ngừ vây xanh quý hiếm. Loại cá này thường xuất hiện ở vùng nước thuộc Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương hoặc Địa Trung Hải.

Tuổi đời của cá vào khoảng 30 năm và thường ở tầng sâu trên một nghìn mét dưới đáy biển. Ông Minh nhận định, cá đã "đi lạc" theo luồng nước vào vùng biển Việt Nam, do nguyên nhân nào đó mà ông không thể lý giải nổi.

Công đoạn kéo cá lên cũng vô cùng vất vả, cả tàu "hò zô" vang lừng biển đêm. Sức cá quá nặng, dây cước cứa vào tay thủy thủ tứa máu. Họ phải mím chặt môi, nghiến răng bám trên boong tàu làm trụ.

Khi cá được kéo lên, màu xanh lấp lánh trên nền da thịt bóng nhẫy, mượt mà đã choáng hết tâm hồn các thủy thủ, tất cả mệt nhọc, đau đớn đều tan biến. Họ cười reo hạnh phúc khôn cùng. Ông Minh nhớ lại:

"Con cá nằm gần hết trên sàn tàu, không thể chui lọt vào trong khoang ướp lạnh nên chúng tôi phải cắt gỗ, nới rộng cửa ra".

Tàu chạy hết tốc lực về đất liền. Trước đó ông Minh đã báo cho cảng cá biết để chuẩn bị tinh thần đón cá "khủng". Chưa bao giờ cảng Hòn Rớ lại đông vui và nhộn nhịp như hôm ấy. Bà con các làng chài xa gần đổ xô về xem "quái vật" đại dương. Cánh thủy thủ cười lớn trên boong, niềm vui lan tỏa khắp làng chài.

Con cá cân nặng 307kg, bán ngay với giá 55 triệu đồng. Ngay sau đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập "con ngừ vây xanh lớn nhất từng được đánh bắt ở Việt Nam" cho ngư dân Huỳnh Phi Minh.

3. Hơn 30 năm đi biển, sóng gió và những bất trắc của đại dương đã quá quen thuộc với ngư dân Huỳnh Phi Minh. Nhờ tích lũy kinh nghiệm,quen ngư trường xa từ những năm đi hành nghề cá chuồn, nghề vét lưới nên khi chuyển sang câu cá ngừ đại dương, ông Minh gặt hái được những thành công hơn mong đợi.

Lực lượng chính góp sức vào thành công trong mỗi chuyến đi là thủy thủ, thì vợ chồng ông Minh đã làm rất tốt việc này.

Bạn biển không phải góp lưới chài, chi phí, khi ra biển họ cũng không phải tốn công sức để hành nghề, vì đã có công cụ hỗ trợ câu bằng máy móc. Mỗi tháng ngư dân chỉ bám biển 15 đến 20 ngày, có đầy đủ phương tiện liên lạc về đất liền nên không buồn mênh mang như đi biển ngày xưa.

Ông Minh cho biết, mấy năm trước thanh niên xếp hàng xin đi biển, vì lợi nhuận từ cá ngừ đại dương mang về khá cao.

Nhưng năm nay thì thua. Thanh niên đã bỏ biển gần hết để đi làm phụ hồ hoặc vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Trước mỗi chuyến vươn khơi, tìm mỏi mắt cũng không có. Người già thì không còn sức khỏe nên không thể bám biển dài ngày được.

Để "câu kéo" thủy thủ, ông Minh đã phải "nịnh" bằng cách ứng trước tiền. Nhưng cũng chỉ được vài người thực hiện lời hứa xuống tàu, còn lại lặn mất tăm, tiền không đòi được".

Ông Minh buồn rầu: "Bây giờ đi biển khó khăn, thỉnh thoảng mới có chuyến trúng, còn lại huề hoặc lỗ. Người đi biển sẽ ăn chia theo lợi nhuận đánh bắt được. Cứ lỗ là đói, họ nghỉ hết". Khó nguồn nhân lực là vậy nhưng ông Minh quyết không bỏ biển, bởi đã "mang nợ" với nghề rồi.

Đặc thù của nghề câu cá ngừ đại dương là đi xa bờ, tới những vùng biển nước sâu. Tàu ông Minh thường ra ngư trường Hoàng Sa "săn" cá, nơi đây vẫn còn dồi dào hải sản, đặc biệt nhiều loại cá "khủng". Ngay cả con cá ngừ kỷ lục đánh bắt được cũng tại vùng biển Hoàng Sa.

Ông Minh cho biết biển Hoàng Sa mênh mông bao nhiêu thì sâu thẳm bấy nhiêu. Nước tím ngắt, lạnh căm căm.

Ái ngại nhất là gặp bão tố hoặc giông lốc, sóng đánh cao hàng mét khiến những đàn cá ngừ chệch đường bơi, không thể cắn câu được.

Trong cuộc đời đi biển của mình, ông Minh chỉ sợ không câu được nhiều cá chia cho anh em bạn tàu. Còn chuyện gió bão, ông cho đó là điều hiển nhiên mà bất cứ một người đi biển nào cũng phải thấu hiểu để chiến đấu bảo vệ mình.

Ông cho rằng, những vụ tai nạn ngoài biển là do con người một phần. Do sự liều lĩnh không cần thiết mới rơi vào bi kịch.

Ông phân tích: "Bây giờ mỗi tàu trên biển là một chiếc đài, có đầy đủ thông tin qua máy iCom và qua một số kênh khác.

Bất cứ một vấn đề gì xảy ra trên biển đều được thông báo để phòng tránh. Ví dụ như tâm bão cách xa tầm vài trăm hải lý, thì mình có cả hai ba ngày tìm nơi trú tránh. Mình làm chủ được hoàn cảnh thì không có gì phải sợ cả.

Trường hợp tàu hỏng hóc, hư hại bất ngờ thì đã có thợ sửa ngay, ca nào khó thì thông báo cho tàu bạn đến ứng cứu".

Kể về cuộc đời sống trên đại dương, ông Minh thấy cứ nhẹ tênh như người nông dân trồng lúa, tỉa ngô. Nửa đời đi biển, ông chưa gặp phải bất trắc nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại