Ga Đà Lạt (đường Quang Trung, phường 9), cách trung tâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 5 km, đây được xem là nhà ga tàu hỏa cổ, đẹp nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương.
Nhà ga được người Pháp xây dựng từ năm 1932-1938, đây là điểm kết nối giữa tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt, có chiều dài 84 km.
Được xây dựng cách đây gần 100 năm, ga Đà Lạt lâu nay là một trong những điểm du lịch thu hút khách tham quan khi đến "thành phố ngàn thông".
Đây là công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Người thi công công trình là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng thời điểm đó là 200.000 franc.
Cửa chính vào bên trong sảnh nhà ga.
Sảnh chính nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, với ba mái hình chóp, cách điệu ba đỉnh núi Langbiang, nhà rông Tây Nguyên; chiều dài 66,5 m, ngang 11,4 m và cao 11 m. Chóp trung tâm vẽ mặt đồng hồ to ghi lại thời gian bác sĩ Yersin phát hiện ra Đà Lạt.
Nhà ga được thiết kế mang đậm nét kiến trúc phương Tây, với các phần chính như sảnh chính nơi đặt phòng bán vé, khu nhà dành cho nhân viên, sân ga với 3 đường ray có mái che toả ra hai bên.
Đầu máy hơi nước có tuổi thọ hơn 100 năm, hiện vẫn được trưng bày, đây là nơi check-in ưa thích của nhiều bạn trẻ. Ga Đà Lạt là nhà ga duy nhất có đầu tàu chạy bằng hơi nước kiểu Pháp ở Việt Nam.
Từ năm 1968, tuyến đường sắt này ngừng hoạt động, đến năm 1975 được khai thác lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì tiếp tục bị dừng.
Hiện ở đây có 3 đường ray, đường ray bên phải nhà ga đã ngừng hoạt động; hai đường ray bên trái đang phục vụ cho tuyến tàu du lịch.
Đây là điểm check-in được nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm đến khi tới Đà Lạt.
Gà Đà Lạt gần như được lưu giữ nguyên vẹn về phần kiến trúc, các thiết bị đầu máy, toa tàu cổ, tạo nên một không gian cổ kính hiếm có ở Đà Lạt.
Vào những ngày lễ, cuối tuần... khách tham quan ghé nơi đây rất đông.
Mỗi ngày đều có 5 lượt tàu khách đi và về từ Ga Đà Lạt xuống Trại Mát, giá vé khứ hồi từ 108.000-150.000 đồng/người. Hiện đoàn tàu gồm 4 toa, vận chuyển tối thiểu 15 khách và tối đa 164 khách.
Sau khi lên tàu, du khách sẽ được vãn cảnh dọc đường trên chặng đường dài 7 km, tới thăm một số điểm du lịch khác tại điểm dừng ở Trại Mát.
Theo thông báo của UBND tỉnh Lâm Đồng (tháng 1/2019), sau buổi làm việc với đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhà đầu tư, các đơn vị liên quan trong buổi nghe báo cáo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Điểm đầu của dự án từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và điểm cuối là ga Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, tổng chiều dài 84 km, với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây. Dự án có quy mô quốc gia với kinh phí trên 10.000 tỷ đồng.
Ga tàu hoả cổ kính gần 100 tuổi ở Đà Lạt. Clip: Hải Long.