Video: Rừng cây treo rác tại Đa Lộc, lời tố cáo hành vi bức tử mẹ thiên nhiên
Rác vắt trên cây
Rác chất thành đống
Đó là những hình ảnh khiến ai cũng phải sốc khi tới bãi biển Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Theo những người dân địa phương kể lại, trước đây bãi biển Đa Lộc khá đẹp với rừng thông và bãi cát vàng uốn cong. Kể từ khi có rừng sú vẹt phòng hộ, nơi đây lúc nào cũng ngập rác.
Cả một rừng cây xanh mướt chắn nạn xâm thực của biển phất phơ túi bóng bẩn, áo mưa rách một cách khổ sở. Chất mặn mòi của biển cả được thay bằng mùi sú uế của rác thải.
Trên bãi cát vàng uốn cong của biển Đa Lộc ngoài rác nilon còn có đủ loại rác khác từ giường tủ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... Có những nơi rác chất thành gò tầng tầng lớp lớp.
Rác khắp mọi nơi
Bãi biển Đa Lộc - nơi nào cũng thấy rác.
Vì sao rừng cây bị treo rác?
Đem vấn đề này tới UBND xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, chúng tôi nhanh chóng nhận được câu trả lời:
"Do thủy triều lên xuống, rác từ cửa sông, từ biển khơi trôi dạt vào và bị mắc lại. Từ khi có rừng phòng hộ, người dân Đa Lộc phải sống cùng vấn nạn này.
Xã đã thu phí môi trường và giao cho một công ty đảm nhận nhiệm vụ thu gom rác mang đi tiêu hủy. Tôi khẳng định vấn nạn này chủ yếu là do thủy triều mang rác vào chứ không phải do ai ném rác xuống biển cả", ông Trần Văn Sơn, cán bộ văn phòng UBND xã Đa Lộc, Hậu Lộc Thanh Hóa nói.
Ông Trần Văn Sơn, cán bộ văn phòng UBND xã Đa Lộc, Hậu Lộc Thanh Hóa
Câu trả lời của cán bộ xã khiến chúng tôi khá bất ngờ, vì trong buổi thực địa trước đó rất nhiều người dân khi trao đổi với chúng tôi đã bức xúc tố cáo nạn đổ rác trộm tại bờ biển Đa Lộc.
"Chúng tôi khổ lắm rồi. Hãy giúp chúng tôi. Dân cứ đổ rác xuống biển thì rác nó chất thành đống ở đây thôi.
Đủ thứ rác được đang xả trộm xuống bãi biển Đa Lộc. Ở đây không thiếu bất kỳ một loại rác gì rác sinh hoạt cho đến những đồ dùng của người chết tại bãi tha ma gần đó. Có thề nhìn thấy rõ ràng rác chất cả đống là do người ta vứt xuống, nếu do thủy triều mang vào thì phải bạc trắng như bọt biển chứ không có màu tươi mới như thế này .
Cứ cái gì là rác họ mang ra bãi biển Đa Lộc vứt hết. Chúng tôi bức xúc lắm, kêu cũng chẳng ai giúp, chúng tôi phải tự canh để chống nạn rác.
Chúng tôi canh ban ngày thì họ đổ trộm ban đêm. Mà không chỉ riêng rác ở Đa Lộc , ở đây còn có cả xe ba gác chở rác từ 2 xã lân cận là Ngư Lộc và Hải Lộc đến đổ trộm.
Trước không có rừng phòng hộ rác sẽ bị cuốn xuống biển, khi có rừng phòng hộ rác mắc lại và tố cáo hành vi đổ rác của một số người.
Cũng là rừng phòng hộ, nhưng tại xã Hải Lộc cách đây 2km rác ít hơn rất nhiều, các chú không tin cứ qua đó mà xem", bà Lê Thị H và Trần N. bày tỏ.
"Chúng tôi khổ lắm rồi. Hãy giúp chúng tôi. Đủ thứ rác được đang xả trộm xuống bãi biển Đa Lộc" - một người dân khẩn cầu.
Rác sinh hoạt
Người dân còn cho biết, có rác từ quần áo người chết ở bãi tha ma gần đó được dân vứt sang.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi theo triền đê bao biền tại Hậu Lộc để tới rừng phòng hộ Hải Lộc cách Đa Lộc 2km. Tại đây cũng có rác mắc trên cây nhưng ít hơn rất nhiều, trên bờ đê số lượng rác cũng ít hơn hẳn so với Đa Lộc.
Theo lời kể của người xe ôm tên N sống tại Đa Lộc: "Bên Hải Lộc ít rác hơn là đương nhiên vì ở đây ít người vứt rác xuống biển hơn, bên Hải Lộc và Ngư Lộc nếu vứt rác xuống biển sẽ bị phạt tới 150.000 đồng"
Ở rừng phòng hộ Hải Lộc cách Đa Lộc 2km, rác chỉ bằng 1/50 nếu so sánh với Đa Lộc.
Rừng cây treo rác tại Đa Lộc.
Đem câu chuyện thực địa kể lại với vị cán bộ xã, ngay tức thì chúng tôi nhận được lời phân bua khác với lời khẳng định ban đầu: "Rác là do thủy triều cuốn vào".
"Rác ở đây có do thủy triều cuốn vào, nhưng cũng có thể do người dân xã khác ném sang, rồi rác do ngư dân chợ cá tại Ngư Lộc mang đến đổ trộm.
Xã cũng đã vận động người dân đi dọn dẹp nhưng không xuể vì thiếu kinh phí, lực lượng xử lý của xã còn mỏng. Cứ dọn được rác được mấy hôm lại đâu vào đấy.
Cả xã chỉ có một công ty môi trường và chỉ thu phí rác theo khẩu với mức 7000 đồng/khẩu/tháng tuy nhiên công ty này chỉ có trách nhiệm thu rác tại từng hộ dân 2-3 lần /tuần.
Đa Lộc là vùng giáp ranh , lại gần cảng cá Ngư Lộc nên người dân nhiều xã khác qua đây đổ trộm...", ông Trần Văn Sơn, cán bộ văn phòng UBND xã Đa Lộc nêu lý do.
Rác được đổ thẳng xuống biển.
Và mắc lại trên cây để tố cáo tội ác của con người với mẹ thiên nhiên