"Vẽ bệnh, moi tiền": Khi "cú lừa" đến từ những người được gọi là bác sỹ

Thanh Phượng |

Đủ các chiêu trò "vẽ bệnh, moi tiền" tại các cơ sở y tế tư nhân, nhiều người bệnh không ngờ lại có những “cú lừa” đến từ những người được gọi là bác sỹ.

Cuộc "ngã giá" trên bàn mổ

Với tâm lý mắc bệnh ở bộ phận nhạy cảm, nên anh D. (Hà Nội) quyết định khám ở một cơ sở y tế nhân. Mọi việc diễn ra thuận lợi từ khâu tiếp đón, chẩn đoán bệnh, cho đến khi anh nằm trên bàn phẫu thuật để điều chỉnh dây hãm bao quy đầu.

Vẽ bệnh, moi tiền: Khi cú lừa đến từ những người được gọi là bác sỹ - Ảnh 1.

“Khám bên ngoài bác sỹ không bảo gì cả, lúc lên bàn mổ rồi cho ống nọ ống kia vào trong người rồi thì mới bảo là làm cái này cái kia nhưng mà mình không đồng ý thế là người ta rút ra luôn”, anh D kể lại.

Cuộc “ngã giá” trên bàn mổ không thành, nhưng cá đã vào lưới không thể nào thoát, anh tiếp tục bị dọa dẫm và dẫn dắt đến một loạt các chỉ định.

“Vì là điều trị ở chỗ nhạy cảm nên thường lo lắng, bác sỹ bảo thế nào cũng nghe. Mình khâu dây thắng ở chỗ đó thế mà ngày nào cũng bảo là phải đến khâu, đến chiếu đèn, truyền kháng sinh. Mỗi lần như thế là mất 2 triệu, mà làm liên tục trong vòng 2 tuần giời. Khâu có mấy mũi mà mất gần 50 triệu”, anh D. than trời.

50 triệu mà khỏi bệnh thì thôi cũng đành, nhưng chỉ sau ít hôm bộ phận đó của anh bị bưng mủ, nhiễm trùng. Quá lo sợ, anh vào bệnh viện Việt Đức thăm khám, lúc này anh mới vỡ lẽ là vấn đề của anh “nhỏ như con kiến”, thậm chí còn không gọi là tiểu phẫu vì nó nhẹ hơn cả tiểu phẫu.

Cũng với chiêu bài “vẽ bệnh, moi tiền”, với mồi nhử là tiền khám ban đầu khá nhẹ nhàng chỉ 280 nghìn đồng, anh T cho biết, từ ý định ban đầu đi khám nghi mắc sùi mào gà, anh đã bị dẫn dụ làm hàng loạt dịch vụ khác: từ xét nghiệm, đốt mụn rộp, đến cắt bao quy đầu, rồi cả lời mời ngọt tai: “tiện gây mê thì điều chỉnh luôn hình dáng bộ phận kia cho thẳng”.

“Mình cũng bảo họ là sao không nói ngay từ đầu là làm hết từng này tiền, chứ ai mang theo nhiều tiền thế để đi khám bao giờ. Mà đúng là trong người lúc đó chỉ mang có 4-5 triệu. Thế là không đủ, phải gọi điện nhờ bạn thân chuyển khoản hộ”, anh T. chia sẻ.

Sau 3 ngày bị “vét sạch túi” thì anh T. cũng bắt đầu nhận ra điều gì đó sai sai. Anh dừng toàn bộ việc điều trị dù mọi thức đang dang dở.

“May mình dừng lại kịp thời, mất hơn chục triệu chứ nhiều người còn mất nhiều tiền nữa”, anh T. than thở.

Anh T. sau đó đến khám tại chuyên khoa Nam học của Bệnh viện Việt Đức và tại đây bác sỹ nhận định, anh không phải dùng thuốc hay điều trị bất kỳ cái gì nữa, chỉ cần vệ sinh sạch "chỗ đó" sẽ là khỏi.

Anh D., anh T. đều là những người làm ăn kinh doanh, đủ trải nghiệm để biết những mánh khóe nhưng có lẽ họ không ngờ lại có những “cú lừa” đến từ những người được gọi là bác sỹ.

Để xử lý được tận gốc thực trạng "vẽ bệnh, moi tiền"

Thực trạng “vẽ bệnh, moi tiền” đã xảy ra trong thời gian dài, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng vì sao vẫn không loại bỏ được tận gốc vấn đề. Chuyên gia y tế Trần Văn Phúc cho rằng, nếu vẫn vận hành y tế tư nhân theo quy luật kinh tế thị trường thì tình trạng này vẫn sẽ diễn ra.

“Nếu coi người bệnh là hàng hóa, coi căn bệnh là mặt hàng thì việc các cơ sở y tế tư nhân khai thác triệt để là điều không tránh khỏi”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, chế tài xử phạt hiện nay được cho là còn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như trường hợp vi phạm tại Phòng khám đa khoa Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM). Sau khi bị tố cáo “vẽ bệnh moi tiền”, dọa dẫm, ép bệnh nhân sử dụng gói dịch vụ cao gấp 3 lần so với ban đầu ngay trên bàn thủ thuật, phòng khám này đã bị Thanh tra Sở y tế TPHCM xử phạt xử phạt 4,7 triệu đồng vì lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định và không đeo biển tên. Điều dưỡng Đoàn Thị Kim Tiền thuộc phòng khám này bị phạt 7,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong 2 tháng vì chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh vì vụ lợi.

Đây cũng là lý do vì sao trước đó cơ sở này liên tục sai phạm, liên tục bị xử phạt nhưng vẫn cứ tái phạm.

“Trong lĩnh vực y tế, ranh giới giữa đúng và sai nhiều khi khó. Đó là chưa kể có những tác động qua lại mà đôi khi xử phạt có sự du di. Vi phạm về hành chính đa số là xuề xòa với nhau, không đủ sức mạnh răn đe”, ông Trần Văn Phúc nhìn nhận.

Theo ông Phúc, việc phát triển quá nóng y tế tư nhân khiến cho việc nắn chỉnh để đi đúng “dòng chảy” cần nhiều thời gian.

Trước tiên là cần giải quyết vấn đề chuyên môn. Hiện chúng ta đang vận hành theo kiểu hành nghề vĩnh viễn, tức là làm ở bệnh viện công lập nếu ra tư nhân thì không xin được trở lại công lập nữa, cũng như ngược lại, đang làm cơ sở y tế tư nhân mà xin vào bệnh viên công rất khó khăn. Điều này không nâng cao được chất lượng của hệ thống tư nhân. Bởi chúng ta hình dung rằng, nếu ra tư nhân, sau 5 năm mà người ta không được trau dồi tay nghề, không có đủ ca bệnh khó, đủ số lượng bệnh nhân thì chuyên môn giảm đi.

Vì thế bác sỹ Phúc đề xuất: “Thay vì đóng đinh nhân viên y tế ở một nơi thì có thể quy định, nếu bác sỹ không phải là lãnh đạo, quản lý tại bệnh viện thì chỉ cần ký hợp đồng dài hạn, sau 5 năm có thể ra hệ thống y tế nhân và 5 năm sau, người đó bắt buộc phải trở lại bệnh viện công lập”.

Khi một cơ sở y tế tư nhân có chuyên môn tốt sẽ có nguồn bệnh nhân, có tương tác xã hội, thì ngay lập tức sẽ thu hút bệnh nhân, thay vì cho chuyện hiện nay người ta cứ nhăm nhăm các chiêu trò để “vẽ bệnh, moi tiền”.

Vấn đề thứ 2, theo ông Phúc cũng cần phải giải quyết đó là cơ chế quản lý bệnh viện nói chung. Nếu áp dụng theo quy luật kinh tế thị trường thì sẽ không thay đổi được bản chất vấn đề mà cần quản lý lĩnh vực này theo quy luật kinh tế y tế.

Để làm được điều này thì cần thiết phải có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao cử đi học tập, nghiên cứu các mô hình quản lý kinh tế y tế nước ngoài.

Bên cạnh đó, vấn đề hành lang pháp lý cũng cần liên tục sửa đổi để khi áp dụng tạo ra cơ chế khuyến khích hệ thống y tế với các loại hình khác nhau có thể phát triển lành mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại