Năm 2002, chúng tôi tham gia Cúp Thế giới tại Dresden, Đức. Năm đó vì ngân sách hạn chế nên chỉ có vài VĐV được đi thi đấu theo ngân sách thành phố. Trong khi đang loay hoay tìm kiếm tiền để cho thêm VĐV đi thi đấu thì có đơn vị đề xuất chi tiền cho 2 VĐV và 4 quan chức tham gia giải.
Đến ngày lên đường, sang tới nơi thì họp đội. Sau khi BHL phổ biến các nội quy để đảm bảo tập luyện và thi đấu với các VĐV xong, đại diện các "Quan" phát biểu động viên các thầy trò cố gắng thi đấu, chốt hạ là đừng VĐV nào trốn ở lại để ảnh hưởng tới Đoàn.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy để đi tập thì cũng là lúc người nhà các quan chức tới đón họ đi chơi hoặc họ chủ động đi theo các hướng khác và thống nhất hẹn ngày có mặt. Năm đó, lần đầu đi thi đấu châu Âu nên cả thầy và trò đều bỡ ngỡ.
Mọi chi phí vật giá đều khác xa so với dự trù nên lâm vào cảnh nếu tiết kiệm chỗ ở xa thì lại tốn tiền taxi. Vậy là giật gấu vá vai bằng "Mỳ Tôm siêu phẩm" là chính.
Bùi Việt Bằng là một trong những võ sĩ nổi bật nhất của Karate Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Do tiền di chuyển tốn kém quá nên chúng tôi thường cố gắng ra đi vào buổi sáng và trở về vào buổi tối. Cũng may mắn năm đó có các cô chú Việt kiều nghe có Đoàn võ thuật Việt Nam sang thi đấu, kể lể với nhau là Đoàn đang khó khăn quá.
Họ, những Việt kiều tại Dresden đã chung tay lại, người tổ chức đưa đón, người lo thổi xôi, làm thịt gà, người làm salad và hò hẹn nhau tới cổ vũ chúng tôi thi đấu. Thật sự rất xúc động và tôi vẫn luôn ghi nhớ tình cảm và biết ơn tới các cô chú Việt Kiều tại đây.
Mặc dù không có điều kiện liên lạc lại, nhưng tôi mong họ luôn mạnh khoẻ và thành công!
Nói về khó khăn năm đó, các thầy trò được hơn 10USD/ngày gọi là tiền tiêu vặt. Mà giá cả ở Đức mọi thứ đều rất cao nên với số tiền đó chỉ đủ uống ly cafe và ăn bánh mỳ. Vì vậy, lúc đó nhờ sự cưu mang của Việt kiều tại đây, mấy thầy trò được ăn uống tươm tất hơn, thậm chí được ăn cả phở Việt Nam.
Sự vất vả dường như càng nhiều hơn khi BTC đổi nhà thi đấu ra xa trung tâm vì giải lớn quá, lúc đó thầy trò chúng tôi chưa biết phải đi đến đó như thế nào thì có chú Việt kiều dùng xe tải chở đi.
Bên đó xe tải cấm chở người nên chúng tôi được sắp xếp ngồi trong thùng và bịt kít như bưng, đường sóc và mất hơn 2 giờ đồng đồ chịu đựng mới tới nơi. Tôi vẫn nhớ cô em đi cùng lúc đó thấy tủi thân và khổ quá nên khóc như trẻ con.
Tới nơi, kiều bào ta nhìn thấy các VĐV thì thương quá, động viên hết lời mang đồ ăn hoa quả ra cho. Sau khi nghe kể của mấy chú đi đón, họ vô cùng bức xúc và bực bội vì không thấy quan chức đâu? Họ là người từng trải, làm ăn ở trời tây qua bao khổ cực.
Thành công có, thất bại có nên họ rất ghét như vậy. Sau này khi hội ngộ Đoàn với cộng đồng Việt kiều bên đó, các quan chức không được họ đoái hoài hỏi han lấy một câu, nếu không muốn nói các cô chú kiều bào còn tỏ thái độ coi thường ra mặt.
Năm đó, Đoàn chúng tôi thi đấu tưng bừng, có thành tích tốt và quan trọng là thi đấu sòng phẳng với đối thủ phương tây trước sự chứng kiến của cộng đồng Việt kiều. Họ bảo với chúng tôi là rất tự hào với tinh thần và thể hiện của thầy trò.
Họ rất vui còn chúng tôi cũng rất trân trọng tình cảm của các cô chú đã giúp đỡ và chăm sóc chúng tôi tới khi trở về Việt nam.
Tôi giờ cũng mong có dịp được gặp lại các cô chú hoặc biết thông tin về họ để nói lời tri ân, để thấy cô chú vẫn mạnh khoẻ và thấy những thanh niên cô chú giúp ngày nào nay đã trưởng thành đàng hoàng hơn, nhưng chỉ còn là kỉ niệm vì xa cách.
Câu chuyện của chúng tôi là một câu chuyện đẹp đẽ về tình cảm của kiều bào Việt Nam. Dù đi đâu trên quả đất này, thì người Việt vẫn luôn là người Việt.
Tôi không muốn nói tới những bất cập của đất nước mà trong câu chuyện tôi cố gắng chỉ nhắc đến như một lý do mà chúng tôi có thể gặp gỡ và chứng kiến kiều bào Việt ở Đức.
Hãy cùng nhau nhìn về phía trước, nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống và để mỗi người có trách nhiệm với cộng đồng mình sống, dân tộc và xã hội Việt Nam.
Bùi Việt Bằng sinh năm 1983, là quán quân của 3 kỳ SEA Games liên tiếp (22, 23, 24) và từng giành HCB ở giải châu Á tại hạng cân 70kg.
Là một trong những VĐV ưu tú nhất của karate VN ở giai đoạn đầu và giữa những năm 2000, nhưng Việt Bằng lại giã từ sự nghiệp thi đấu khá sớm khi mới 25 tuổi. Hiện tại anh vẫn theo nghiệp Karate, cùng với máu kinh doanh anh sáng lập CLB Karate Việt Nhật Club và thu hút đông đảo học viên theo học.