Nhiều năm trở lại đây, cái tên Trần Văn Đức là vận động viên điền kinh khuyết tật khiến đối thủ "mất ăn mất ngủ" khi tham gia các nội dung 500m, 800m và 1500m. Đằng sau những tấm huy chương danh giá là cả một câu chuyện dài về nghị lực và ý chí vươn lên không biết mỏi mệt của chàng trai 29 tuổi khiến bao người nể phục.
Không bao giờ bỏ cuộc
Trần Văn Đức được sinh ra và lớn lên lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng tai nạn bất ngờ ập đến với chàng trai trẻ vào Tết năm 2010 đã vĩnh viễn lấy đi cánh tay phải của anh, khi đó Đức mới 19 tuổi. Ngày ấy, để giúp gia đình có một cái Tết ấm cúng hơn, ngoài công việc phụ bố sửa xe tại nhà, chàng trai Trần Văn Đức đã lựa chọn công việc làm nhựa. Không may trong một lần sơ ý, cả cánh tay phải của Đức bị cuốn vào chiếc máy làm nhựa. Từ đó Trần Văn Đức trở thành người khuyết tật khi cánh tay phải của anh phải cắt bỏ gần đến vai.
"Lúc đầu khi mới tập luyện mình không dám bỏ áo ngoài, toàn mặc áo khoác để che đi khiếm khuyết của bản thân".
Bao ước mơ hoài bão của chàng trai trẻ gần như bị đóng lại tại thời điểm đó. Nhưng như một cái duyên, trong khoảng thời gian suy sụp nhất của đời mình, Đức đã được gợi ý tham gia thể thao người khuyết tật, anh dần gỡ bỏ mặc cảm và gắn bó với điền kinh khuyết tật từ tháng 5 năm 2010 đến ngày hôm nay.
"Lúc đầu khi mới tập luyện mình không dám bỏ áo ngoài, toàn mặc áo khoác để che đi khiếm khuyết của bản thân nhưng chính HLV trưởng Ngô Anh Tuấn (người thầy gắn bó với Trần Văn Đức từ đầu tiên đến năm 2015) đã giúp mình rất nhiều trong quá trình ổn định tâm lí, thoái mái hơn khi tập luyện. Dần dần khi ra đường Đức không còn ngại nữa, có thể cởi bỏ áo để lộ ra khiếm khuyết của bản thân cho mọi người biết đến, đây là quá trình rèn luyện cố gắng nhất của mình" – Trần Văn Đức kể về quá trình vượt qua mặc cảm của bản thân khi lựa chọn gắn bó với thể thao.
Không chỉ nhận được sự chỉ dạy tận tình của HLV mà đằng sau Trần Văn Đức luôn có gia đình nhỏ tạo động lực to lớn giúp anh vượt qua tất cả. Nhắc về gia đình nhỏ của mình, Đức cười rất tươi: "Mình lập gia đình từ năm 21 tuổi, hiện tại cũng có 1 bé trai năm nay học lớp 3, con tạo động lực cho mình rất nhiều. Khi trở về có con chơi cùng, chào hỏi mình rất vui, quên hết mệt mỏi".
Điền kinh là bộ môn cần thể lực dẻo dai và chế độ luyện tập nghiêm ngặt, VĐV Trần Văn Đức đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, có cả nước mắt, nụ cười, có cả những lần đổ máu trên sân tập để giành được thành tích như ngày hôm nay. Kể về những ngày đầu đến với điền kinh, anh Đức tâm sự:
"Những ngày đầu tập luyện do chưa biết đường và không có phương tiện đi lại, mình gặp cũng gặp khá nhiều khó khăn. Ngày nào cũng vậy, mình phải dậy từ 4h sáng đi bộ ra điểm xe bus cách nhà khoảng hơn 2km để bắt xe ra sân Hàng Đẫy. Giờ đó còn tối và khá lạnh nên cũng gặp những khó khăn nhất định".
Đặc biệt, trong những ngày thời tiết Hà Nội trở lạnh, vết thương của Đức lại đau buốt, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện. Những ngày này anh buộc phải khởi động kĩ hơn, nếu không chuẩn bị kỹ thì các cơ không đủ nóng sẽ rất dễ gây chấn thương.
Cứ như vậy ngày mưa cũng như ngày nắng, 10 năm nay Trần Văn Đức luôn có mặt ở sân vận động Hàng Đẫy cách nhà 15 km vào lúc 5 giờ 30 phút sáng để bắt đầu tập luyện. Sau đó, anh quay trở về trung tâm tại số 1B Lê Hồng Phong lúc 9 giờ để tập thêm thể lực và phục hồi các nhóm cơ. Với ý chí phi thường, Trần Văn Đức đã gặt hái nhiều thành công và truyền cảm hứng rất lớn cho tất cả mọi người.
Gặt hái thành công
Từng là chàng trai 19 tuổi suy sụp khi mất gần hết cánh tay phải nhưng ngày hôm nay trước mắt mọi người VĐV Trần Văn Đức tràn đầy tự tin, gặt hái nhiều huy chương danh giá cho thể thao nước nhà. Anh gần như không có đối thủ trong các cuộc thi điền kinh khuyết tật trong nước thuộc hạng thương tật T46.
Nhiều năm Trần Văn Đức chưa có đối thủ ở những nội dung mà cậu ấy tham gia.
Với thành tích 4 phút 22 giây 99 ở cự ly 1.500m tại Giải toàn quốc 2020 diễn ra ở TP HCM, vận động viên Trần Văn Đức đã phá kỷ lục cũ được thiết lập bởi VĐV Muhamad Ashraf tại ASEAN Para Games 2017 (4 phút 24 giây 73).
HLV Đặng Trần Quân (người trực tiếp huấn luyện Trần Văn Đức tại đoàn điền kinh khuyết tật Hà Nội) cho biết Đức là một trong những vận động viên "cốt cán" của đoàn điền kinh khuyết tật Hà Nội. Tuy bị mất một tay nhưng trong cuộc sống Đức rất tự tin.
"Nhiều năm Trần Văn Đức chưa có đối thủ ở những nội dung mà cậu ấy tham gia. Nói về mục tiêu tại Para Games 2021 sắp tới được đăng cai tại Việt Nam, VĐV Trần Văn Đức chia sẻ anh đã đặt kế hoạch từ năm 2019 và tự đề ra giáo án cho riêng mình để chuẩn bị cho giải đấu này. Với kinh nghiệm thi đấu nhiều năm ở trong nước và quốc tế, anh mong rằng trong giải tới có thể giành huy chương cao nhất về cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam" - HLV Đặng Trần Quân nói.