VĐV khuyết tật phải mở quán ăn mưu sinh sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử

Lê Phong - Wind Lê |

Sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử cho điền kinh nước nhà và thi đấu thành công tại Para Games, mới đây VĐV điền kinh khuyết tật Cao Ngọc Hùng tất bật khai trương quán lẩu để trang trải cuộc sống gia đình.

Quán lẩu của những người khuyết tật

Gặp anh Hùng tại quán lẩu bò mang tên chính anh tại đường Chấn Hưng (Quận Tân Bình, TP.HCM), chàng VĐV điền kinh người khuyết tật từng giành huy chương Paralympic lịch sử cho thể thao Việt Nam đang tất bật dưới bếp chuẩn bị món ăn cho khách. Những ngày qua, anh tươi cười nhận nhiều lời chúc mừng từ bạn bè. Trong nụ cười ấy, có không ít tâm sự.

Video Cao Ngọc Hùng tâm sự chuyện mở quán.

“Những VĐV khuyết tật như tôi thường thì chỉ khi nào tập trung đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế, hay đến giải toàn quốc thì mới có lương, chế độ. Hồi trước một thân một mình còn gắng dành dụm từ tiền huy chương, tiền thưởng thành tích mà sống. Giờ có gia đình, con nhỏ thì phải kiếm đường kinh doanh mới sống được”, anh Cao Ngọc Hùng tâm sự.

VĐV khuyết tật phải mở quán ăn mưu sinh sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử - Ảnh 1.

Chàng VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng giờ còn là một đầu bếp lành nghề.

Vừa Tâm sự về quán lẩu mới khai trương, anh Hùng tiết lộ bản thân phải vay mượn khắp nơi từ ngân hàng cho đến bạn bè. Hỏi anh tiền đâu trả lại, anh cười gượng cho hay:

“Chắc đợi chừng nào có tiền thưởng Para Games về rồi trả. Tôi có ông anh đang làm đầu bếp. Anh ấy nghe hoàn cảnh của gia đình mình thì thương rồi truyền nghề cho. Dạy mà không lấy tiền, còn hỗ trợ tiền ăn, tiền xăng. Chứ mà tự bỏ tiền đi học thì chắc cũng đào không ra”, VĐV của TP.HCM tâm sự.

VĐV khuyết tật phải mở quán ăn mưu sinh sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử - Ảnh 2.

Điều đặc biệt, nhân viên trong quán của anh Hùng có người là VĐV khuyết tật ở đội tuyển. Thấu hiểu sự khó khăn của những con người khuyết tật đam mê thể thao, anh Hùng tạo điều kiện, mời những người anh em trong đội về phụ quán, vừa giúp họ có thêm thu nhập.

“Tôi mở quán không chỉ vì muốn có cái ăn cho bản thân mình mà còn hy vọng giúp đỡ cho những người đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Đủ ăn thì mới có điều kiện cháy cho đam mê thể thao được”, anh Hùng tâm sự.

Dành cả thanh xuân cho thể thao - Không muốn con cái thiệt thòi như mình

Anh Hùng và chị Hải đều đã có hơn 10 năm gắng bó với thể thao người khuyết tật. Cái tình, cái tâm, cái nhọc với với thể thao thiệt không sao kể hết.

VĐV khuyết tật phải mở quán ăn mưu sinh sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử - Ảnh 3.

“Đam mê thể thao từ năm 13 tuổi. Giờ cũng được 15 năm qua rồi. Nào là khó khăn, tập luyện không lương cho đến những vinh quang đều đã trải. Vì vậy đam mê là rất lớn. Nhưng đam mê lớn mà không nuôi được vợ con thì làm gì. Tôi không muốn con cái lớn lên phải thiệt thòi giống mình”, anh Hùng nói.

Thậm chí anh Hùng còn chia sẻ có lúc bị chấn thương, bản thân không ngại đi bán giày lề đường, phụ quán ăn để kiếm tiền chữa trị: “Lúc đó vợ mới sinh con, tôi cắn răng đưa vợ về quê cho mẹ chăm sóc, còn mình ở TP.HCM chuyên tâm tập luyện. Hồi năm 2012 khi bị chấn thương, tôi phải tự bỏ kinh phí chữa trị. Thời gian đó, tôi đi phụ quán ăn, bán giày lề đường để kiếm tiền”.

VĐV khuyết tật phải mở quán ăn mưu sinh sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử - Ảnh 4.

Nỗi lo cuộc sống gia đình canh cánh trên đôi vai của VĐV đã làm nên lịch sử cho thể thao nước nhà.

Hỏi đôi vợ chồng về con đường thể thao trong thời gian tới. Anh Hùng - chị Hải cùng chung một ý: “Vợ chồng tôi vẫn đam mê thể thao lắm. Nhưng giờ lo miếng ăn cái đã. Có dịp thì đến hẹn lại lên thôi. Tôi chỉ tiếc là tập luyện nửa vời như vậy, vô địch quốc gia thì còn có thể chứ tranh chấp với thế giới thì coi như dừng lại rồi”.

VĐV khuyết tật phải mở quán ăn mưu sinh sau khi giành huy chương Paralympic lịch sử - Ảnh 5.

Những ngày qua tất bật công việc của quán, không ngày nào anh Hùng về nhà trước nửa đêm. Với tôi, “hot-boy” Hùng có nụ cười tươi nhất các VĐV thể thao người khuyết tật. Nhưng sao giờ cũng nụ cười ấy, tôi lại thấy trong đó thấp thoáng những nỗi buồn và tâm sự.


Đôi vợ chồng “vàng” của điền kinh người khuyết tật (NKT) Việt Nam

Nhắc đến điền kinh người khuyết tật, không ai không nghĩ đến đôi vợ chồng Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải - bộ đôi đã mang về vô số huy chương danh giá tại đấu trường khu vực và châu lục về cho nước nhà.

Chẳng nói đâu xa, tại Para Games 2017 vào tháng 9 vừa qua, Nguyễn Thị Hải xuất sắc lập hat-trick huy chương vàng ở 3 nội dung đăng ký gồm: Ném lao, đẩy tạ và ném đĩa. Chị Hải là gương mặt vàng thường xuyên tại các giải đấu khu vực. Thậm chí thành tích ném lao của chị từng vượt qua cả kỷ lục thể giới.

Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải tại Para Games 2017. Ảnh Internet.

Với ông chồng Cao Ngọc Hùng thậm chí còn “dữ dội” hơn. Anh chính là người đã mang về tấm huy chương lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại đấu trường Paralympic. Tại Para Games vừa qua, anh tiếp tục gặt vàng về cho đoàn thể thao NKT Việt Nam.

Nhắc đến bộ đôi vàng này, mọi người vẫn thường cảm phục trước chuyện tình yêu “chị em”, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, theo đuổi đam mê của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại