Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay hơn 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, trao đổi với PV báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải hiểu rõ bản chất đây là quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc chứ không phải hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Đặc biệt hiện nay Trung Quốc thừa quá nhiều thép và xi măng. Vì thế lời đề nghị này có thể là “mồi”.
TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương
Ông phân tích, mỗi năm Trung Quốc sản xuất 1200 triệu tấn thép nhưng chỉ sử dụng 600 triệu tấn cho nên Trung Quốc đẩy thép ra Liên minh châu Âu, sang Mỹ, sang tất cả các nước và bị chống đối kịch liệt.
Vì thế Trung Quốc dùng cái mồi này (cho vay vốn- PV) để anh nhận cái đó, anh phải nhập toàn bộ thép của tôi, xi măng của tôi, nhận thiết kế của tôi, thi công, công nhân của tôi, nhận giám sát của tôi….vì thế mọi thứ đều quyết định bởi người Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc chào giá rẻ nhưng khi thực hiện lại đội giá lên và trở thành đắt, minh chứng là dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.
“Chúng ta ham vốn rẻ nhưng thực chất đó là cái bẫy, mồi nhử để anh rơi vào đấy. Lúc bấy giờ anh giống như con cá cắn mồi, mắc lưới câu rồi thì quấy mãi không ra, đó là gương tày liếp như các dự án ở Hà Nội này. Đó là cái bẫy chứ không phải thiện chí”, chuyên gia Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Theo ông, ông không phân biệt vốn ODA của ai nhưng Việt Nam có thể tìm đến những nguồn vốn từ các ngân hàng khác, có điều kiện cho vay đỡ khắt khe hơn. Nếu chấp nhận vay vốn với điều kiện thép, xi măng, công nhân, thi công thiết kế…cũng của Trung Quốc là điều không chấp nhận được.
“Vì nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ xuất khẩu Trung Quốc nên tôi đề nghị cần phải xem xét thận trọng, hoàn toàn không nên chấp nhận những điều kiện hết sức áp đặt của Trung Quốc, gây bất lợi cho chúng ta”, ông Doanh kiến nghị.
Bày tỏ quan điểm đây là dự án cần thiết, nằm trong quy hoạch phát triển giao thông, giao thương với Trung Quốc song TS. Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, vốn liếng trong nước khó khăn thì nên lùi lại, chưa cần thiết phải làm ngay.
Khi nền kinh tế tốt hơn thì nên huy động vốn trong nước hoặc nếu có các đối tác khác tốt hơn thì làm.
Ông Hồ lưu ý, đặc biệt khi vay vốn Trung Quốc phải xem xét thận trọng điều kiện vay đi kèm như thế nào về lãi suất, thời gian ân hạn trả nợ, có bị ràng buộc bởi nhà thầu cấp vốn hay không. Sau khi đàm phán xong mới tính xem giao cho ai làm, hình thức BOT hay PPP.
“Làm thế nào phải xem xét nhiều yếu tố: hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng. Đừng có để rơi vào tình trạng như Formosa hay Cát Linh- Hà Đông”, ông Hồ cho hay.
Có thể thấy, đến nay các dự án tại Việt Nam có sử dụng vốn vay, nhà thầu Trung Quốc đều có vấn đề về tính hiệu quả, nhưng ông Hồ cũng cho rằng, nguyên nhân một phần do kỹ năng quản lý, trình độ quản lý của Việt Nam.
“Hiệu quả thấp là tại ta, do chúng ta không có trình độ quản lý chặt chẽ. Không nên trách nhà đầu tư nước ngoài vì họ đến đây kiếm lợi chứ không phải làm từ thiện”, ông Hồ nhấn mạnh.
Chính vì thế ông cho rằng, quan hệ với Trung Quốc là vấn đề cân nhắc cẩn thận nhiều mặt nhưng trước mắt hay lâu dài vẫn phải quan hệ, những bài học kinh nghiệm chúng ta phải rút ra để tránh lặp lại.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn.
Song chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu thay đổi điều kiện cho vay thì phải xem xét điều kiện như thế nào.
“Theo tôi đã là Qũy hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc thì bản chất của nó là đẩy sắt thép, xi măng, công nhân của họ sang”, ông Doanh nhận định.
Mặt khác, theo ông cũng cần phải xem xét vì sao dự án này chỉ có Trung Quốc quan tâm. Ông cho rằng, việc làm dự án này sẽ có lợi cho Trung Quốc. Họ sẽ dùng đường này đưa hàng hóa xuất khẩu của họ ra cảng Vân Đồn, từ đấy đi sang nước khác với chi phí rẻ hơn, còn nếu đi qua Quảng Đông, phải đi đường sắt hơn 1.000 km thì rất đắt.