Nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn
Theo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng hấp dẫn.
Tính đến gần cuối tháng 10/2020, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6,15% so với cuối năm 2019. Chỉ trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm hơn 1 điểm %, tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước cho thấy tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng hấp dẫn. Ảnh minh họa
Hệ thống cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng hiện khá đa dạng, các ngân hàng đồng loạt giới thiệu các chương trình hợp tác với các DN bán lẻ, siêu thị, đại lý... để đưa ra dịch vụ cho vay tiêu dùng hấp dẫn, khuyến khích kích cầu mua sắm, đặc biệt là trong dịp Tết.
Tại Vietcombank, lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô được áp dụng từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Thậm chí, có nhiều gói vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,7%/năm.
Hay như đối với Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đến hết ngày 31/1/2021. Nếu chọn vay thời gian cố định lãi suất 3 tháng hoặc 6 tháng đầu, lãi suất có thể áp dụng thấp, chỉ từ 2,99%/năm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh các gói tiêu dùng, phục vụ nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm. Cùng với việc nới "van" tín dụng, lãi suất hợp lý, thủ tục theo hướng đơn giản cũng được đơn vị chỉ đạo các NHTM áp dụng.
VPBank đang cho vay mua ô tô đối với DN nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 5,9% trong 3 tháng, 6,9%/năm trong 6 tháng và 8,3%/năm trong thời gian 12 tháng. Khách hàng cá nhân vay mua ô tô 24 tháng cũng chỉ phải trả lãi suất 8,5%/năm.
Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định, động lực tăng trưởng của các NH giai đoạn này là tín dụng cá nhân và tín dụng DN nhỏ và vừa. Từ đầu quý IV/2020, VPBank đẩy mạnh tăng trưởng phân khúc này. Dự kiến, tổng dư nợ cho vay cá nhân và DN nhỏ và vừa năm 2020 tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
BIDV thiết kế rất nhiều gói vay phù hợp với nhu cầu và mục đích vay của khách hàng cá nhân, lãi suất chỉ từ 6%/năm. Trong khi đó, ACB triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi giảm 0,5 -1,5% so với năm 2019. MSB cũng đã công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân…
Ngân hàng kích cầu tiêu dùng, NHNN nói chưa quan ngại
Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay kích cầu tiêu dùng, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính - ngân hàng, là động thái hợp lý; nhất là cho vay tiêu dùng cho vay mua nhà thế chấp bằng sổ tiết kiệm rủi ro rất thấp nên các ngân hàng mạnh dạn cho vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, ông Hiếu vẫn khuyến nghị các ngân hàng vẫn nên thận trọng khi cho vay tiêu dùng.
"Các ngân hàng nên chọn lựa đối tượng, phân khúc khách hàng rủi ro thấp, chứ không nên chạy theo lợi nhuận để cố gắng cho vay bằng mọi cách. Bởi tín dụng tiêu dùng vẫn khá rủi ro vì công việc người lao động vẫn bấp bênh, thu nhập giảm do ảnh hưởng dịch, dự trữ tiền mặt cũng mỏng hơn.
Nên nếu vay vốn không sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào kênh đầu tư nóng nguy cơ thua lỗ cao, người vay mất khả năng trả nợ, tạo gánh nặng cho ngân hàng", TS. Hiếu lưu ý thêm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì cho rằng, NHNN không hạn chế các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thậm chí khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất kích cầu cho vay. Bởi vì thúc đẩy tiêu dùng là một trong những ưu tiên của Chính phủ.
"Việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được khuyến khích và hiện không đáng lo ngại vì tất cả các khoản cho vay tiêu dùng núp dưới cho vay đầu cơ, đầu tư BĐS đều đang được NHNN kiểm soát rất chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu ngân hàng nào vi phạm", ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.