Vay tiền xây trường để… bỏ hoang

Ngọc Văn |

Huế hiện còn không ít cơ sở giáo dục phổ thông “khát” vốn đầu tư sửa chữa, xây mới, do phòng ốc xuống cấp, dột nát, có nguy cơ sập đổ nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng tại tỉnh này, có những nơi trường lớp đầu tư tốn kém ngân sách, vốn vay nhưng vừa xây xong lại không biết sử dụng vào mục đích gì.

Cuối năm 2009, từ nguồn hỗ trợ của Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em vùng khó khăn (thuộc Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế thông qua chính quyền huyện Phú Lộc đầu tư xây mới một điểm trường tiểu học tại thôn Phước Trạch, xã Lộc An. Trường mới được đầu tư từ nguồn ngân sách, vốn vay.

Đầu năm 2010, công trình hoàn thành, nhưng sau đó lại đóng cửa triền miên, do không có người học và hiện chưa biết phải sử dụng vào mục đích gì.

Sự lãng phí này khiến không ít người dân địa phương băn khoăn, tiếc rẻ. Chị Hoàng Thị Chua, ngụ thôn Phước Trạch - xã Lộc An, cho biết: “Các anh đừng nhầm trường đang nghỉ hè nên đóng kín cửa như rứa.

Đông hè chi cũng rứa, trường luôn đóng kín cửa quanh năm suốt tháng. Trường đẹp vậy mà lại bỏ không cho cỏ mọc nên ai đi ngang qua cũng xót”.

Theo quan sát của phóng viên, điểm trường này chỉ cách Quốc lộ 1A chừng hơn 1km, gần đó là cơ sở giáo dục tiểu học chính của xã.

Chọn nhầm?

Do không được sử dụng lâu ngày, điểm trường tiểu học này hiện biến thành dãy nhà hoang, hành lang phía trước phủ đầy lá cây, củi gỗ, phân hữu cơ kèm theo mạng nhện, bao bì nilon, rác rưởi…

Sân trường ngập trong cây dại, phân bẩn do gia súc phóng uế vương vãi khắp nơi. Người trong vùng tận dụng khuôn viên trường làm nơi nhốt giữ trâu bò.

Dân địa phương còn phản ánh, thời điểm xây trường mới, thôn Phước Trạch chỉ có hơn 50 nóc nhà, đường sá tuy đi lại có phần khó khăn lầy lội, nhưng không thuộc diện cách sông trở đò, hay nằm xa trung tâm xã.

“Không hiểu vì sao, ngành giáo dục và chính quyền địa phương lại chọn “nhầm” nơi này xây trường, để rồi giờ không biết sử dụng vào mục đích gì”, một người dân thắc mắc.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, việc chọn địa điểm để đầu tư công trình trường lớp cho trẻ em vùng khó như trường hợp ở xã Lộc An (huyện Phú Lộc) là căn cứ vào khảo sát, đề xuất của huyện, xã.

Còn ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã Lộc An, cho rằng, thôn Phước Trạch trước từng là khu dân cư khó khăn, nên được chọn triển khai dự án.

Tuy nhiên, khi công trình hoàn tất, lượng con em trong thôn vừa ít lại không muốn theo học cơ sở lẻ, khu vực này cũng “thoát khó”, đường sá đi lại tốt hơn, nên trường mới đành bỏ không.

Trường mới đóng cửa mấy năm liền, đến nay chưa biết sử dụng vào mục đích gì, nhưng bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc lấp lửng rằng, điểm trường bàn giao cho xã quản lý và không hề có chuyện bị bỏ hoang (?).

Do không được sử dụng lâu ngày, điểm trường tiểu học này hiện biến thành dãy nhà hoang, hành lang phía trước phủ đầy lá cây, củi gỗ, phân hữu cơ kèm theo mạng nhện, bao bì nilon, rác rưởi… Sân trường ngập trong cây dại, phân bẩn do gia súc phóng uế vương vãi khắp nơi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại