Vay tiền, nhượng bộ nhà thầu TQ, cho thuê đất: Bẫy nợ của Bắc Kinh đang bóp nghẹt Sri Lanka

Đ.H |

Chiến lược của Trung Quốc không đơn thuần chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng để đổi lấy ảnh hưởng, mà ẩn sau đó là một cái bẫy vô cùng nguy hiểm, tác giả Brahma Chellaney phân tích.

Nếu phải chỉ ra một điểm mạnh thực sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thì đó là khả năng tận dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chiến lược. Thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường trị giá 1.000 tỉ USD, Trung Quốc đang hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại những quốc gia đang phát triển có vị trí chiến lược quan trọng bằng các khoản vay khổng lồ cho chính phủ những nước này.

Hệ quả là những quốc gia này bị trói vào một cái "bẫy nợ", từ đó không cách nào khác phải sống dưới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đương nhiên, việc cho nước khác vay để thi công dự án cơ sở hạ tầng về mặt bản chất thì không có vấn đề gì. Nhưng những dự án mà Trung Quốc đổ tiền vào thường không nhằm mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế nước sở tại, mà thực chất để mở đường cho Trung Quốc có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây, hoặc để mở thị trường cho hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém của Trung Quốc thâm nhập.

Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn huy động công nhân nước mình tới thi công dự án, qua đó tối thiểu hóa số lượng công ăn việc làm tạo ra cho người dân nước sở tại.

Bên cạnh đó, một số dự án hoàn thành nhờ vốn Trung Quốc nay lại đang chịu cảnh "chảy máu tiền". Ví dụ như sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa ở Sri Lanka, khánh thành vào năm 2013, nay trở thành sân bay vắng vẻ nhất thế giới. Tương tự, cảng Magampura Mahinda Rajapaksa cũng tại Sri Lanka và cảng Gwadar tại Pakistan đều chẳng có mấy thuyền bè qua lại.

Vay tiền, nhượng bộ nhà thầu TQ, cho thuê đất: Bẫy nợ của Bắc Kinh đang bóp nghẹt Sri Lanka - Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa ở Sri Lanka luôn trong tình trạng "vườn không nhà trống". Ảnh: Forbes

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, điều này hoàn toàn đúng với những gì họ cần. Tàu ngầm tấn công Trung Quốc đã hai lần cập cảng Sri Lanka, và hai tàu chiến Trung Quốc mới đây cũng đã được điều động tới cảng Gwadar để đảm bảo an ninh.

Ở một góc độ nhất định, những dự án thất bại đúng ra còn tốt hơn cho Trung Quốc. Bởi các nước nhỏ gánh nợ càng nặng thì lợi thế đòn bẩy trong tay Trung Quốc càng lớn.

Hơn nữa, do không gánh nổi khoản nợ quá lớn, một số nước đã buộc phải bán lại cổ phần các dự án do Trung Quốc đầu tư cho Trung Quốc, hay thậm chí nhường lại quyền điều hành cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Tại các nước có rủi ro cao về tài chính, Trung Quốc đòi phải được sở hữu đa số cổ phần trước khi đầu tư. Một ví dụ cụ thể là năm ngoái, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Nepal để xây một đập nước, trong đó tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc nắm tới 75% cổ phần.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn gài thêm nhiều cái bẫy khác để khiến các nước vay không tài nào chạy khỏi vòng vây nợ nần. Để đổi lấy việc cơ cấu lại các khoản vay, Trung Quốc ép các nước phải để Trung Quốc thắng thầu trong các dự án khác, tạo ra một vòng luẩn quẩn vay nợ không có hồi kết.

Một vài nước đang phát triển đã tỏ ra hối hận vì trước đây từng nhận vay vốn của Trung Quốc. Hàng loạt các cuộc biểu tình bùng phát vì tình cảnh thất nghiệp lan rộng, phần nhiều bởi hàng hóa Trung Quốc tràn lan khiến ngành sản xuất tại nước sở tại bị đình trệ. Việc Trung Quốc mang theo người lao động nước mình sang nước khác thi công dự án cũng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Vay tiền, nhượng bộ nhà thầu TQ, cho thuê đất: Bẫy nợ của Bắc Kinh đang bóp nghẹt Sri Lanka - Ảnh 2.

Công nhân Trung Quốc ở một công trường xây dựng tại Sri Lanka. Ảnh: Báo Sunday Times (Sri Lanka)

Vì đâu lại rơi vào bẫy?

Những "cái bẫy" của Trung Quốc thoạt nhìn có vẻ khá lộ liễu. Nhưng cũng dễ hiểu khi nhiều nước phát triển vẫn chấp nhận vay Trung Quốc. Chính phủ các nước này có nhiều nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng chưa được đáp ứng, nhưng thường xuyên bị các nhà đầu tư tổ chức ngó lơ.

Do đó, khi Trung Quốc xuất hiện với những hứa hẹn đầu tư với mục đích tốt và tín dụng thông thoáng, họ đồng ý ngay. Chỉ sau này họ mới nhận ra mục đích thực sự của Trung Quốc là thâm nhập thương mại và mở rộng ảnh hưởng, đến lúc đó thì đã quá muộn, và họ bị cuốn vào một vòng xoáy bẫy nợ luẩn quẩn.

Ví dụ điển hình là Sri Lanka. Dù chỉ là một nước nhỏ, song Sri Lanka có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa các cảng biển phía đông Trung Quốc và Địa Trung Hải. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Sri Lanka là một mắt xích không thể thiếu nếu muốn hoàn thành Con đường Tơ lụa trên biển.

Trung Quốc bắt đầu tăng cường đầu tư quy mô lớn vào Sri Lanka trong 9 năm cầm quyền của Tổng thống Mahinda Rajapaksa. đồng thời bảo vệ chính quyền Rajapaksa khỏi những cáo buộc tội ác chiến tranh tại LHQ. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, và là bạn hàng lớn thứ hai, qua đó tạo lợi thế đòn bẩy ngoại giao rất lớn cho Bắc Kinh.

Mọi chuyện diễn ra thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc cho đến đầu năm 2015, khi Rajapaksa bất ngờ thất bại trước Maithripala Sirisena trong cuộc bầu cử Tổng thống. Ông Sirisena tranh cử với thông điệp cam kết sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Và đúng như đã hứa, ông lập tức chấm dứt hoạt động các dự án lớn do Trung Quốc đầu tư.

Nhưng đã quá muộn, chính phủ Sri Lanka khi đó đã đứng sát bờ vực phá sản. Và, như lời của một tờ báo đảng Trung Quốc đã viết, Sri Lanka không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "quay đầu lại và bám lấy Trung Quốc".

Cần thêm thời gian để trả các khoản nợ cũ, Sirisena buộc phải chấp nhận một loạt các yêu sách của Trung Quốc, trong đó có việc tái khởi động các dự án trước đây, trong đó có dự án thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỉ USD, đồng thời cho Trung Quốc thắng thầu các dự án khác.

Vay tiền, nhượng bộ nhà thầu TQ, cho thuê đất: Bẫy nợ của Bắc Kinh đang bóp nghẹt Sri Lanka - Ảnh 3.

Nợ quá lớn, Sri Lanka lại phải "quay đầu và bám lấy" Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Sirisena sau đó cũng chấp nhận bán 80% cổ phần dự án cảng Hambantota cho Trung Quốc để đổi lấy 1,1 tỉ USD. (Cuối năm ngoái, Sri Lanka nhượng bộ thêm một bước nữa khi đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng này trong thời hạn 99 năm). Giờ thì chính Rajapaksa lại đang cáo buộc Sirisena nhượng bộ Trung Quốc quá đáng.

Như vậy, với việc phối hợp các chính sách ngoại giao, kinh tế, và an ninh, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu thiết lập vị thế bá chủ về thương mại, thông tin, giao thông, và an ninh trong khu vực ảnh hưởng. Nếu các nước nhỏ tiếp tục bị bó buộc bởi các khoản nợ khồng lồ, họ sẽ tiếp tay cho mưu đồ "thực dân kiểu mới" (neo-colonial) của Trung Quốc.

Những nước còn chưa dính phải "bẫy nợ" của Trung Quốc hãy lưu ý, và áp dụng mọi biện pháp có thể để tránh khỏi cái bẫy này.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Brahma Chellaney, giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi (Ấn Độ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại