Chị Trương, một người phụ nữ sống tại Kim Hoa, Phố Giang (Chiết Giang), Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề đau đầu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Sau khi đóng suốt 10 năm với tổng số tiền hơn 23 vạn tệ (khoảng 800 triệu đồng), chị bàng hoàng phát hiện mình sẽ phải chờ đến năm 2084 mới có thể rút tiền. Khi liên hệ với nhân viên bán bảo hiểm để làm rõ, câu chuyện còn trở nên phức tạp hơn.
Lời mời mua bảo hiểm
Trong một buổi gặp mặt thân mật, chị Trương quen biết một nhân viên bán bảo hiểm. Người này giới thiệu gói bảo hiểm chia lãi với lời khẳng định rằng đây là lựa chọn tối ưu, rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm tài chính khác. Họ cam kết mỗi năm sẽ có lãi chia lại và khi con cái chị cần tiền để vào đại học, chị có thể rút toàn bộ cả vốn lẫn lãi.
Tin tưởng vào lời giới thiệu, năm 2011, chị Trương quyết định mua một gói bảo hiểm “Hằng Phúc Thông lưỡng toàn (loại chia lãi)” cho con gái lớn. Sau đó, theo lời khuyên của nhân viên rằng “các con cần được đối xử công bằng,” chị tiếp tục mua thêm một gói cho con trai. Mỗi năm, tổng cộng chị phải đóng 23.500 tệ (khoảng 81 triệu đồng).
Khó lòng rút tiền
Sau 10 năm, chị Trương đã đóng tổng cộng hơn 23 vạn tệ, và nhận được khoảng 7 vạn tệ tiền chia lãi. Hiện tại, gia đình chị cần gấp một khoản tiền lớn để lo học phí cho con trai vào đại học, nhưng khi yêu cầu rút tiền bảo hiểm, công ty từ chối với lý do hợp đồng chưa đến hạn. Thay vào đó, họ chỉ đề nghị hỗ trợ một khoản “ứng trước tiền mặt.”
Khi kiểm tra lại hợp đồng, chị phát hiện thời hạn rút tiền là 73 năm, tức đến năm 2084. Điều này đồng nghĩa với việc khi đến hạn, cả con trai lẫn con gái chị đều đã ngoài 80 tuổi. Chị nghi ngờ rằng hợp đồng đã bị thay đổi sau khi ký kết, bởi tài liệu này chỉ được giao cho chị sau 3 năm mua bảo hiểm.
Số tiền đóng bảo hiểm phần lớn là khoản vay từ em trai. Hiện nay, em trai chị mắc bệnh ung thư và rất cần tiền để chữa trị, khiến chị càng thêm áp lực. Công ty bảo hiểm đồng ý hoàn trả 15,6 vạn tệ (khoảng 540 triệu đồng), cộng thêm 7 vạn tệ tiền chia lãi (khoảng gần 240 triệu đồng), tổng cộng là 22 vạn tệ (khoảng 780 triệu đồng). Tuy nhiên, số tiền này vẫn thấp hơn số tiền chị đã đóng.
Khi liên hệ nhân viên bán bảo hiểm để tìm hướng giải quyết, chị nhận được thông báo từ chồng của nhân viên rằng cô ấy đã bị tai biến và trở thành người thực vật trong suốt 5-6 năm qua, khiến mọi thông tin không thể làm rõ.
Công ty bảo hiểm nói gì?
Khi làm việc với công ty bảo hiểm, họ cho rằng hợp đồng đã có hiệu lực từ lâu, nên việc kiểm chứng lời tư vấn của nhân viên là không khả thi. Họ từ chối hoàn trả toàn bộ số tiền và chỉ đề xuất thương lượng thêm.
Câu chuyện của chị Trương sau khi được chia sẻ đã gây xôn xao dư luận. Hợp đồng bảo hiểm thường rất dài và điều khoản khó hiểu. Người mua bảo hiểm cần tự bản thân tìm hiểu, nghiên cứu và nắm rõ các điều khiển trong hợp đồng để tránh các thiệt hại cho bản thân. Một số người kể lại những trường hợp tương tự, khi gia đình họ bị từ chối quyền lợi hoặc chỉ nhận được số tiền ít hơn đáng kể so với kỳ vọng.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng bảo hiểm là công cụ giúp quản lý rủi ro, nhưng cần minh bạch về điều khoản và quy trình. Người tiêu dùng nên đọc kỹ hợp đồng, đặt câu hỏi khi cần thiết, và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quyết định.
Chị Trương hiện vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm công bằng. Chị cũng hy vọng câu chuyện của mình sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác khi đưa ra quyết định mua bất kỳ loại bảo hiểm nào
Theo Baidu