Theo Live Science, "vật thể lạ" đó là một chùm đá siêu nóng khổng lồ hình nấm, mọc lên từ khu vực gần lõi Trái Đất. "Cây nấm" này đã lớn đến nỗi làm biến dạng bề mặt Trái Đất, trong tương lai sẽ xé đôi châu Phi theo một đường dài từ Biển Đỏ đến Mozambique.
Kết quả trên đến từ nghiên cứu của nhà địa vật lý D.Sarah Stamps từ Virginia Tech (Mỹ) và các cộng sự, thông qua các cuộc kiểm tra Thung lũng Tách giãn lớn Đông Phi (Great Rift) trong 12 năm.
Một phần của Thung lũng Tách giãn lớn Đông Phi, trải rộng trên địa phận nhiều quốc gia - Ảnh: LIVE SCIENCE
Thung lũng này từ lâu đã được biết đến là một vết nứt khổng lồ của Trái Đất, nơi mà lục địa khổng lồ này sẽ tách làm đôi trong tương lai. Nhưng động lực nào thúc đẩy vết nứt này vẫn chỉ là những suy đoán.
Trong cuộc nghiên cứu mới, các tác giả đã phát hiện ngoài sự biến dạng vuông góc di chuyển về phía Đông và phía Tây như đã biết, còn tồn tại sự biến dạng song song với vết nứt, di chuyển về phía Bắc. Các chuyển động bề mặt này là bất thường và chưa từng được quan sát thấy ở nơi nào khác.
Điều dị thường này đã dẫn đường đến một cấu trúc ẩn bên trong - là "cây nấm" khổng lồ và chết chóc - đang nổi lên trên lớp phủ của Trái Đất (lớp ngay bên dưới vỏ hành tinh).
"Cây nấm" đó là một dạng chùm manti khổng lồ, trước đây thường được liên kết với một loại các hoạt động địa chất "nhỏ" hơn, như núi lửa.
Phát hiện mới này cho thấy các chùm manti còn đóng góp quan trọng vào sự "biến hình" của các lục địa Trái Đất, một quá trình chủ yếu gây ra bởi hoạt động kiến tạo mảng. Kiến tạo mảng là khi các mảnh vỏ của hành tinh di chuyển, trượt lên nhau và cõng các lục địa, đại dương bên trên nó chuyển dịch theo.