Thông tin trên báo VTC News, theo mô tả của NASA, vật thể này rơi xuống từ không gian và hạ cánh xuống sa mạc Utah, Mỹ cách đây 14 năm. Nó bị radar theo dõi nhất cử nhất động nên nhanh chóng bị trực thăng truy dấu khi hạ cánh xuống sa mạc.
Tuy nhiên, vật thể này không phải đĩa bay của người ngoài hành tinh như nhiều người ban đầu phỏng đoán. Đây thực chất là một module của Genesis dược NASA phóng vào vũ trụ vào năm 2001.
Vật thể được NASA ghi lại sau khi rơi xuống sa mạc
Genesis được NASA phóng vào không gian với nhiệm vụ mang các mẫu vật từ không gian về Trái đất để phân tích. Tuy nhiên, sau hơn 29 tháng thu thập các hạt Mặt trời, con tàu bất ngờ ngưng hoạt động và rơi ngược trở lại xuống Trái đất. Nguyên nhân là bởi phần mìn trên tàu không nổ khiến chiếc dù bên trong không bung ra.
"Vụ việc xảy ra năm 2004 gần đỉnh Granite ở bang Utah và không liên quan tới người ngoài hành tinh. Không có cấu trúc xây dựng nào hay con người ở gần khu vực con tàu hạ cánh", NASA cho biết.
Cũng theo NASA, cuộc "đổ bộ" của Genesis xuống sa mạc là ngoài dự tính, nhưng không gây ảnh hưởng tới các nghiên cứu khoa học.
"Các mẫu vật con tàu thu được vẫn ở trong trạng thái tốt để phân tích", NASA cho biết.
Liên quan tới việc chinh phục Mặt trời, mới đây vào ngày 12/8 phi thuyền nhanh nhất lịch sử nhân loại Parker của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã được phóng thành công, chính thức khởi động sứ mệnh "chạm vào Mặt Trời", đây sẽ là cuộc thám hiểm vũ trụ "nóng nhất" từ trước tới nay.
Theo đó, vào lúc 3h 31 phút ngày 12 (khoảng 14 giờ 31 phút ngày 12 theo giờ Hà Nội ), tên lửa "Delta 4" được phóng khỏi căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ, mang theo tàu thăm dò Parker của NASA trị giá 1,5 tỷ USD có trọng lượng khoảng 635kg bay vào vũ trụ.
Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA cho biết "Parker" sẽ bay quanh Mặt trời 24 vòng trong 7 năm và tận dụng lực hấp dẫn từ sao Kim để điều chỉnh quỹ đạo tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách 6,16 triệu km.
Trước đó, cuộc thám hiểm vũ trụ gần với Mặt trời nhất được thực hiện vào năm 1976 bởi tàu thăm dò do Mỹ và Đức hợp tác chế tạo "Thần Mặt trời 2" với khoảng cách 43 triệu km.
Theo kế hoạch, tàu thăm dò của NASA lần này sẽ đến điểm gần nhất vào tháng 11 năm nay và sẽ bắt đầu thu thập các số liệu từ tháng 12.