THỬ NGHIỆM VỚI 10.000 ĐỘ C
Sau khi vật liệu Starlite xuất hiện trên chương trình Tomorrow’s World của BBC, hơn 3.000 câu hỏi đã gửi về tràn ngập nhà đài. Cơ sở Vũ khí nguyên tử Anh (AWE) tại Foulness mời Maurice Ward đưa Starlite đến thử nghiệm.
Trong hơn 40 năm trước đó, AWE đã tìm cách phát triển một phương tiện có thể chống chịu được tia hạt nhân nhưng đều thất bại. Ward ban đầu phản đối ý tưởng. Ông sợ nếu thất bại trong cuộc thử nghiệm sẽ xóa nhòa đi thành công mà ông đã tạo ra trong nghiên cứu của riêng mình.
Tuy nhiên, nhà phát minh sau đó thay đổi quan điểm, ông gần như mong đợi những thách thức mới dành cho Starlite.
Sợi dây cáp được bao phủ bởi Starlite phải chịu các nguồn năng lượng ánh sáng ở nhiệt độ 10.000 độ C, được thiết kế để mô phỏng tia hạt nhân trong điều kiện phòng thí nghiệm nghiêm ngặt. Các kỹ thuật viên đã chụp ảnh trước và sau thí nghiệm, kết quả các mẫu dây cáp không bị tổn hại chút nào.
Trong thử nghiệm bổ sung với NATO tại bãi phóng tên lửa White Sands ở New Mexico, những quả trứng bọc Starlite đã chịu đựng được cả tia hạt nhân mô phỏng và một vụ nổ hạt nhân quy mô lớn được mô phỏng. Có vẻ như Starlite đã viết lại các quy tắc nhiệt động lực học mà thế giới từng biết.
Thử nghiệm của NATO với vật liệu Starlite trên trứng, sử dụng các xung hạt nhân (ảnh trái). Trứng vẫn còn sống sau khi thử nghiệm (ảnh phải).
Một rào cản với tia laser
Một bài báo xuất hiện trên Tạp chí Đánh giá Phòng vệ Quốc tế năm 1993 báo cáo rằng các thử nghiệm bổ sung đã được thực hiện tại Trung tâm Radar và Tín hiệu Hoàng gia (RSRE) ở Malvern, Anh. Starlite bị bắn phá bởi các tia laser có khả năng đốt cháy ngay cả những polyme cứng đầu nhất.
Khi thử nghiệm hoàn tất, Starlite cho thấy rất ít dấu hiệu hư hỏng. Có những lỗ nhỏ không rộng hơn đường kính của chùm tia laser trên bề mặt, nhưng không có dấu hiệu nào của sự tan chảy.
Giáo sư Keith Lewis, người chịu trách nhiệm về thử nghiệm mới nhất này, kết luận rằng Starlite có những đặc tính độc đáo dường như hoàn toàn khác so với các rào cản nhiệt khác tồn tại vào thời điểm đó.
Giống như hầu hết các nhà khoa học khác, ông cũng không biết Starlite thực sự hoạt động như thế nào. Dù vậy, ông phán đoán nó đã làm được một trong ba điều: hoặc là đẩy lùi nhiệt, hấp thụ nhiệt, hoặc khuếch tán nhiệt. Lewis thừa nhận rằng đó là một quá trình phức tạp có thể có hàng triệu điều xảy ra cùng một lúc.
Xem video thử nghiệm vật liệu Starlite trong chương trình Tomorrow's World của BBC:
Video thử nghiệm vật liệu Starlite trong chương trình Tomorrow's World của BBC
Giữ bí mật bí mật
Lúc này, vật liệu Starlite đã trở thành thông tin chấn động, điện thoại của Maurice Ward liên tục đổ chuông. Một số lượng lớn các nhà đầu tư tiềm năng tìm đến ông, nhưng Ward quyết tâm giữ bí mật công thức của mình và thậm chí còn từ chối xin cấp bằng sáng chế cho Starlite.
Bất kỳ đề nghị nào xin nhận mẫu vật liệu đều được trả lời bằng một từ "Không". Chỉ duy nhất một lần Ward cho phép đưa một mẫu Starlite ra khỏi tầm nhìn của ông là vào tháng 6/1991 khi vật liệu này được đưa tới căn cứ tên lửa White Sands. Tuy nhiên, hành trình đó diễn ra dưới sự bảo mật chặt chẽ nhất với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm Không quân Anh (SAS).
Ward tuyên bố chỉ chấp nhận liên doanh nếu ông duy trì 51% (hoặc nhiều hơn) quyền kiểm soát đối với bất kỳ dự án nào. Ngoài ra, ông sẽ không cho đối tác cơ hội để đảo ngược sáng tạo của mình bằng cách đơn giản là bàn giao nó. Ward nhấn mạnh rằng một thỏa thuận cần phải được ký trước.
Theo tạp chí The New Scientist, Ward đã đàm phán với một số tổ chức hàng đầu. Hãng máy bay Boeing, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Bộ Quốc phòng Anh đều đã thương lượng với ông.
Có vẻ như nhà phát minh nghiệp dư lo ngại rằng ông không thể tự bảo vệ mình nếu xảy ra một cuộc chiến tranh tụng. Maurice Ward duy trì niềm tin tối thượng nơi Starlite.
Tuy nhiên, việc cố gắng để đạt được một hợp đồng tốt đã trao cho chính Maurice Ward thứ danh tiếng mà ông không mong muốn, cha đẻ của Starlite mang tiếng là một nhà đàm phán không đáng tin cậy. Ward được cho là có hôm ra giá 1 triệu bảng, nhưng bất ngờ tăng gấp 10 lần chỉ ngay ngày hôm sau.
Cả NASA, BAE, và Boeing đều không muốn "nuông chiều" Ward, trong khi vô số các tổ chức và nhà thầu khác cũng chỉ tiến hành các cuộc thương lượng mà không một nơi nào đi đến được thỏa thuận với nhà phát minh.
Dấu chấm hết cho Starlite?
Maurice Ward qua đời vào năm 2011 mà chưa bao giờ xin cấp bằng sáng chế cho vật liệu kỳ diệu của mình. Ward nói rằng một số thành viên trong gia đình ông đã được biết công thức chế tạo, nhưng chưa bao giờ có bất kỳ xác nhận hay từ chối nào về điều này.
Trong chương trình Talk-show của Steven Rinehart khoảng 2 năm trước khi Ward qua đời, nhà phát minh dường như rất thành tâm về ý định công bố vật liệu nhựa bí ẩn của mình vì những lý do chính đáng. Nhưng ông chưa bao giờ có cơ hội đó.
Cho đến nay, trong khi các thành viên gia đình Ward vẫn im lặng về vật liệu cách mạng bí ẩn, thế giới doanh nghiệp vẫn có thể hy vọng Starlite xuất hiện một ngày nào đó.