1. Tính cách bao năm qua của Mourinho vẫn thế. Ông luôn muốn mình phải là trung tâm. Ông luôn đảm bảo các phóng viên có tít hay cho mỗi bài báo. Khi Mourinho thắng, ta thấy nụ cười của ông trên những trang báo và các website. Khi ông thất bại, ta nhìn thấy sự giận dữ và nghe những lời đổ lỗi.
Danh sách những nạn nhân để Mourinho đổ lỗi từ khi sang Man United đến nay đã khá dài: trọng tài, chấn thương, những HLV khác, Luke Shaw, lịch thi đấu, vận may… Nếu đối phương chơi hay và không còn gì để đổ thừa, Mourinho chọn… sự vĩ đại của bản thân. Ông bảo vì mình đã quá thành công trong quá khứ, nên không bao giờ còn được đánh giá một cách công bằng được nữa.
Sau trận hòa Burnley 2-2 mới đây, Mourinho đã tìm ra một đối tượng mới: chính sách chuyển nhượng của CLB. Bởi vì ông quả thực không còn biết vin vào đâu nữa cả. Mourinho có đầy đủ đội hình mạnh nhất, với sự trở lại của Paul Pogba và cặp Romelu Lukaku - Zlatan Ibrahimovic lần đầu sát cánh trên hàng công.
Trong khi đó Burnley lại mất James Tarkowski, Chris Wood, Robbie Brady, Stephen Ward và Tom Heaton, tức gần phân nửa đội hình chính. Nếu Man City giành 3 điểm trong trận đấu muộn (một điều gần như… chắc chắn), khoảng cách giữa Man United và đội đầu bảng sẽ là 15 điểm, con số khủng khiếp.
Mùa trước, dù cho nhiều người đặt Man United vào danh sách các ứng viên vô địch, Mourinho lại có một chiến lược khác. Ông tuyến bố nhũn nhặn và tự gạch tên đội bóng của mình ra khỏi danh sách. Nhưng một mùa hè với những hai sự tăng cường chất lượng nơi Lukaku và Nemanja Matic, Mourinho chính thức hô hào quyết tâm vô địch. Và quyết tâm ấy thành bong bóng xì hơi ngay trước kỳ Giáng sinh.
Mới Lukaku và Matic, Mourinho từng khiến cổ động viên Man United vững lòng với tuyên bố quyết tâm vô địch.
2. Và giờ thì Mourinho nói gì? Ông nói đội hình Man United vẫn chưa đủ chiều sâu và vẫn cần phải mua thêm cầu thủ. Như vậy, Mourinho đã chính thức giở "tuyệt chiêu cuối". Nếu Man United không tăng cường lực lượng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông tới đây, chắc chắn họ sẽ còn chịu đựng cái điệp khúc "thiếu người" của Mourinho sau mỗi trận đấu.
Nếu Man United tăng cường và Mourinho giúp Quỷ đỏ cập bến an toàn (vô địch một cúp quốc nội hoặc tiến thật xa ở Champions League), họ sẽ lại phải lao vào mua sắm trong mùa Hè sang năm, đồng nghĩa với rất nhiều tiền nữa được chi ra.
Dẫu biết Mourinho là bậc thầy về đổ lỗi, nhưng nhận định của ông không hoàn toàn vô lý. Pep Guardiola đang giúp Man City chơi thứ bóng đá như đến từ hành tinh khác, nhưng đừng quên ông đã dùng hơn 480 triệu bảng Anh tiền chuyển nhượng của CLB. Cùng thời gian với Pep, Mourinho vẫn còn chi ít hơn… 100 triệu bảng.
Man City vẫn "ăn đứt" Man United về số lượng những cầu thủ ở đẳng cấp thế giới.
Điều quan trọng hơn: đội hình Man Xanh vốn đã có những cầu thủ đẳng cấp thế giới ở đó từ trước khi Pep đến. Họ đã có David Silva, Kevin de Bruyne, Kun Aguero và cả tài năng trẻ Raheem Sterling.
Trong khi đó, không dễ để tìm những cầu thủ đẳng cấp thế giới trong đội hình của Quỷ đỏ. David de Gea là cái tên sáng giá nhất. Paul Pogba vẫn chỉ ở tiềm năng đẳng cấp, chứ chưa thể gọi là một cái tên có thể thay đổi cục diện. Anthony Martial và Marcus Rashford vẫn chưa tìm được sự ổn định cần thiết.
Romelu Lukaku bao năm qua vẫn chỉ là hung thần của những đội bóng nhỏ. Cầu thủ thường xuyên cứu Man United thời gian gần đây lại là Jesse Lingard, một cái tên tự đào tạo. Lingard là một cầu thủ thuộc nhóm "giỏi" hoặc "rất giỏi", nhưng đẳng cấp thế giới thì rõ ràng còn xa.
Dù đang "cứu rỗi" Quỷ đỏ, song Lingard còn lâu mới vươn đến đẳng cấp thế giới.
Khi Sir Alex Ferguson rời Man United, ông quả đã để lại một đội hình khá xoàng. Đội hình ấy vẫn vận hành tốt dưới tay ông, nhưng không phải ai cũng là Alex Ferguson.
Man United cần phải cố giật cho được Alexis Sanchez trước khi anh này sang Man City. Mourinho cũng đang tìm mọi cách để kéo cậu học trò cũ Mesut Oezil về với mình. Mourinho đã dùng "tuyệt chiêu cuối". Và giờ ông sẽ cầu nguyện để CLB mua về những siêu sao giúp ông có thêm một cơ hội nữa, thay vì làm quà cho một HLV mới đến.