Tết âm lịch (hay còn gọi là Tết Nguyên Đán) là cái Tết quan trọng và được ăn mừng lớn nhất ở Trung Quốc. Và một trong những bước chuẩn bị đón năm mới của người Trung Quốc là chuẩn bị các món ăn hay những bữa tiệc đầy ý nghĩa để đưa tiễn mọi điều xấu xa và rước nhiều lộc, nhiều điều may mắn về nhà.
Sau đây là danh sách các món ăn được tin rằng chứa đựng nhiều may mắn, vạn sự như ý và thường được sử dụng phổ biến vào ngày Tết Nguyên Đán hàng năm ở Trung Quốc. Tất nhiên, không chỉ có vị ngon đạt chuẩn mà các món ăn này còn mang ý nghĩa rất to lớn và thú vị nữa bạn nhé.
Cá
Trong tiếng Trung Quốc, cá (鱼) được đọc là Yú/yoo phát âm giống như từ "dư, thừa" trong tiếng Trung nên đây là món ăn mang ý nghĩa sẽ mang đến tiền tài, phước lộc dư thừa vào năm mới. Tuy nhiên, không giống như những ngày thông thường mà ăn cá vào ngày Tết ở Trung Quốc cũng có vài quy định rất thú vị.
Ví dụ như khi dọn cá ra bàn thì phần đầu cá luôn hướng về người lớn tuổi nhất, người có chức vị cao nhất trong bàn để thể hiện sự tôn trọng.
Đặc biệt, phải chờ cho người đang ngồi trước chiếc đầu cá này ăn trước thì những người trong bàn mới bắt đầu động đũa. Và cuối cùng, hai người ngồi ngay vị trí đầu cá và đuôi cá phải uống với nhau một ly vì điều này sẽ mang lại may mắn cả năm.
Sủi cảo
Với lịch sử hơn 1800 năm, bánh bao là món ăn truyền thống lâu đời của người Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên Đán. Bánh bao vào năm mới sẽ không được làm dạng hình tròn mà được làm thành hình tương tự như nén vàng, nén bạc ngày xưa nên biểu tượng của sủi cảo trong ngày Tết là thể hiện sự giàu có, nhiều tiền, nhiều bạc.
Vào ngày Tết, sủi cảo ở Trung Quốc cũng có rất nhiều loại như sủi cảo nhân thịt lợn, nhân tôm, cá, thịt bò, gà và cả rau. Bánh có thể được hấp, luộc hoặc rán chín đều được.
Tuy nhiên, không hẳn chỉ làm sủi cảo theo cách thông thường mà bánh bao ngày Tết ở Trung Quốc cũng có nhiều biểu tượng thú vị. Ví dụ như bánh phải có các nếp gấp ở đầu chứ không làm bằng phẳng vì một chiếc sủi cảo thẳng tuột lại mang hàm ý tượng trưng cho sự nghèo đói.
Trong lúc làm sủi cảo thì người làm bánh sẽ lén cho sợi chỉ hoặc đồng xu vào trong nhân. Nếu ai ăn trúng bánh có sợi chỉ sẽ tượng trưng cho việc sống trường thọ, còn ai ăn trúng bánh có đồng xu thì năm mới sẽ giàu có, thịnh vượng.
Và sủi cảo khi hấp hoặc lúc được dọn ra đều được xếp theo hình thẳng dọc chứ không xếp theo dạng hình tròn vì người Trung Quốc tin rằng, nếp sắp bánh theo hình tròn thì cuộc đời lòng vòng không phát triển được.
Chả giò
Chả giò được ăn vào năm mới với ý nghĩa mang lại sự giàu có, tiền tài. Bởi những chiếc chả giò tròn được rán vàng ươm nên nhìn rất giống các thỏi vàng xưa của Trung Quốc. Do đó, vào năm mới ở Trung Quốc, có rất nhiều vùng sử dụng chả giò như là món ăn có mặt thường xuyên trong bàn tiệc. Ví dụ như ở Giang Tây, Giang Tô, Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Châu, Thâm Quyến.
Bánh tổ (niên cao)
Bánh tổ được ăn vào ngày Tết ở Trung Quốc với ý nghĩa là "tăng lên hàng năm". Sự tăng lên ở đây có thể là tiền bạc lẫn địa vị, thăng tiến trong công việc. Bánh niên cao thường được làm từ gạo nếp, đường, hạt dẻ, quả chà là, lá sen.
Chè trôi nước
Chè trôi nước là món ăn chính trong lễ hội đèn lồng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài lễ hội đèn lồng thì món chè này còn được sử dụng cho ngày Tết đầu năm. Chè trôi nước trong tiếng Trung được gọi là Tāngyuán. Từ này phát âm tương tự như từ "đoàn viên".
Ngoài ra, chính hình dạng tròn tròn của nhiều viên chè trong bát cũng được hiểu là mang ý nghĩa gia đình sum vầy. Đó là lý do vì sao món chè này được yêu thích vào ngày Tết ở Trung Quốc.
Mì trường thọ
Giống như tên gọi, món mì trường thọ này tượng trưng cho lời chúc về sức khỏe và sống thọ vào đầu năm mới. Điểm đặc biệt của món mì này là sợi mì chưa được cắt ra nên rất dài. Và chính chiều dài của mì mang ý nghĩa tuổi thọ ngày càng tăng.
Nguồn: Chinahighlights