Vương Tiểu Trì (Trung Quốc) mới đi làm tại một công ty về công nghệ. Vì mới ra trường nên cô khá rụt rè, lúng túng. Trước ngày đi làm, cô có nhận được một số tin nhắn từ ban trị sự bàn giao công việc, phổ biến quy định công ty cũng như giờ giấc làm việc.
Ngày hôm sau Tiểu Trì đi làm trong sự thấp thỏm, lo lắng. Cô đang ngồi suy nghĩ thì một giọng nói cất lên: "Xin chào, tôi là Triệu Lập Đông, cô là người mới đến à?". Vương Tiểu Trì nhanh chóng gật đầu.
Cô có vẻ hơi xúc động kèm chút bối rối. Sau đó, Triệu Lập Đông - trưởng phòng nhân sự sắp xếp chỗ ngồi, giới thiệu cô với mọi người. Ngay buổi đầu tiên, cô phải tham gia đào tạo nội bộ và buổi giới thiệu sản phẩm của công ty. Kết thúc buổi đào tạo, Vương Tiểu Trì được phân công vào một nhóm và yêu cầu làm việc với các đồng nghiệp để hoàn thành dự án của công ty.
Trưởng nhóm của Vương Tiểu Trì nói với cô rằng công việc trong thời gian tới chủ yếu là sắp xếp và phân tích dữ liệu công ty, từ đó để đưa ra những quyết định đúng đắn. Tuy nhiên trưởng nhóm cho rằng công việc này đòi hỏi kiến thức rộng lớn về toán học thống kê, cũng như tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận. Và nó không phù hợp với một người như cô.
Nghe vậy, Vương Tiểu Trì rất buồn, tự ti vào bản thân. Sau 3 ngày đi làm, cô vẫn chưa được phân công làm việc gì cụ thể. Mọi người cũng không trò chuyện nhiều với cô, chỉ tập trung vào công việc. Cả ngày dài đằng đẵng trôi thật lâu khiến cô thấy tẻ nhạt.
Vương Tiểu Trì chán nản trong những ngày đầu đi làm
Tuy nhiên không nản chí, Vương Tiểu Trì bắt đầu chủ động trao đổi với đồng nghiệp để hiểu nội dung công việc và những yêu cầu của sếp. Cô cố gắng hoàn thành một số nhiệm vụ đơn giản để chứng minh năng lực bản thân.
Trong vài ngày sau đó, Vương Tiểu Trì dần thích nghi với môi trường làm việc và bắt đầu hòa nhập với tập thể. Cô bắt đầu làm việc nhóm với đồng nghiệp, cũng như hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Cô cảm thấy cuộc sống bắt đầu có ý nghĩa hơn. Cô vui vẻ khi được bận rộn mỗi ngày. Giờ đây, Vương Tiểu Trì không còn cảm thấy mình là người ngoài cuộc nữa. Cô cũng bắt đầu đóng góp công sức vào các mục tiêu cho công ty. Mọi người thay đổi cách nhìn và đánh giá về Vương Tiểu Trì. Sếp cũng ghi nhận sự nỗ lực của cô.
Sau 1 năm làm việc, Vương Tiểu Trì không chỉ đạt được mục tiêu nghề nghiệp ban đầu mà còn trở thành một thành viên không thể thiếu của công ty. Các đồng nghiệp tôn trọng và hỗ trợ cô nhiều hơn.
Vương Tiểu Trì nhận ra một chân lý sâu sắc: Cho đi mới nhận lại được. Chỉ bằng cách làm việc chăm chỉ, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu của mình.
Từ câu chuyện của Vương Tiểu Trì, đây là những cách giúp nhân viên mới sớm hòa nhập với mọi người.
1. Tuân thủ nội quy chung ngay từ những ngày đầu tiên
Khi mới đi làm, hãy cố gắng tuân thủ những nội quy cơ bản của công ty như: Đi làm đúng giờ, trang phục phù hợp, đồ đạc, thiết bị sắp xếp gọn gàng,… Những hành động tưởng chừng nhỏ này sẽ giúp nhân viên mới xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt những người đồng nghiệp và giúp bạn tạo thiện cảm ban đầu. Từ đó bạn sẽ dễ dàng hòa nhập hơn với mọi người.
2. Làm việc cẩn thận và hoàn thành công việc
Điều quan trọng nhất khi đi làm chính là hiệu quả công việc, do đó nhân viên mới nên tập trung vào công việc, hoàn thành đúng deadline và luôn cẩn thận. Ngoài chủ động tìm hiểu công việc thì cũng nên thường xuyên trao đổi với người quản lý để hạn chế tối đa những sai sót khi làm việc.
3. Giữ thái độ khiêm tốn
Ngay cả khi bạn hoàn thành công việc một cách xuất sắc và được khen thưởng, hãy giữ thái độ khiêm tốn, tích cực và cầu tiến khi mới đi làm. Điều này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với mọi người xung quanh.
4. Tham gia các hoạt động tập thể của công ty
Cách nhanh nhất để một nhân viên mới có thể hòa nhập với công ty đó chính là tham gia các hoạt động tập thể như: Chào mừng nhân viên mới, team building, các khóa đào tạo nội bộ, hoạt động thể thao tập thể,… Những hoạt động này vừa giúp giải tỏa căng thẳng sau giờ làm lại vừa là cơ hội quý báu giúp bạn tìm hiểu văn hóa công ty và những người đồng nghiệp.
5. Chủ động đề xuất, đặt câu hỏi
Nhiều nhân viên mới sợ bị đánh giá, hoặc do ngại nên thường thụ động trong các buổi họp, hoặc khi được hỏi ý kiến về một vấn đề nào đó. Bạn nên mạnh dạn đề xuất ý kiến, đặt những câu hỏi có tính xây dựng trong các cuộc họp để đóng góp ý tưởng cho công việc.
6. Thân thiện với đồng nghiệp
Ngay cả khi bạn là một người hướng nội vẫn có nhiều cách để bạn thể hiện sự thân thiện của mình với đồng nghiệp. Thân thiện không có nghĩa là nói chuyện phiếm thật nhiều trong giờ làm việc, hay phải cố tỏ ra hòa đồng. Vậy nhân viên mới nên làm gì để nhanh chóng hòa nhập? Bạn có thể đi ăn cơm trưa chung, gọi cà phê trong lúc nghỉ ngơi giữa giờ, hay những câu trò chuyện ngoài giờ làm vui vẻ cũng là cách để bày tỏ thiện ý với đồng nghiệp.