Từ bờ biển thanh bình đến thảo nguyên bao la, từ phố thị ồn ào đến những khu ổ chuột xơ xác, Kenya khoác lên mình cả sự quyến rũ lẫn mâu thuẫn của tạo hóa.
Để tăng cường sức mạnh kinh tế, Kenya trở thành một trong những nước tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và hiện đang nhận khoản vay trị giá hàng tỷ USD từ Bắc Kinh, phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước tới nay của đất nước Đông Phi: Hệ thống đường sắt tiêu chuẩn SGR.
Ngày 31/5/2017, giai đoạn đầu của dự án SGR - tuyến đường sắt từ Mombasa tới thủ đô Nairobi đã được thông xe. Tuy nhiên, dự án quy mô lớn này vừa mang đến sự thuận tiện trong giao thông nhưng đồng thời cũng gây ra sự hỗn loạn xã hội ở đây.
Theo VOA (Mỹ), không phải tất cả người dân Kenya đều tỏ ra lạc quan trước sự xuất hiện của con đường này.
Xáo trộn xã hội
Mariakani là thị trấn nhỏ gần cảng Mombasa, phía Đông Kenya, cũng là một trong những địa phương thi công đầu tiên tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi.
Một trường học tại đây đã bị phá dỡ khi dự án được tiến hành cùng cam kết một trường học mới, khang trang hơn sẽ được dựng lên từ doanh nghiệp đường sắt nhà nước Kenya nhưng đến hiện nay, công trình vẫn bị trì hoãn.
Sau bốn năm, học sinh vẫn phải học ở trong những lớp học được dựng tạm.
Công ty đường sắt Kenya cam kết sẽ trả tiền bồi thường cho các hộ gia đình có tài sản đất đai mà tuyến đường sắt chạy qua. Một người bản địa thường được gọi là KTU cho biết, tuyến đường sắt cắt ngang nghĩa trang gia đình ông.
"Gia đình tôi sở hữu mảnh đất này, tôi được tiếp quản nó sau khi cha tôi qua đời", KTU nói.
Ông này cho biết, khi nghe tin tuyến đường sắt mới chạy qua Mariakani, chúng tôi đã rất vui mừng. "Họ nói do đường sắt sẽ chạy qua khu nghĩa trang gia đình tôi nên chúng tôi sẽ được đền bù 500 USD/phần mộ. Họ cũng cho chúng tôi thời gian để di dời phần mộ tới địa điểm mới".
Tuy nhiên, KTU cho hay, các khoản bồi thường không được trao trả đúng thời hạn, hơn nữa công trình thi công gây nhiều tiếng ồn ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân bản địa.
Grace Kimani - người dân khác chia sẻ: "Bây giờ là 7 giờ tối Chủ nhật nhưng các công nhân vẫn chưa nghỉ tay. Tôi rất muốn hỏi rằng, người dân chúng tôi đến khi nào mới có thể hưởng thụ một ngày yên bình. Tất cả những công việc này khi nào mới kết thúc?".
Grace Kimani sống ở một thị trấn nhỏ mang tên Oloosirkon, phía tây nam của Vườn Quốc gia Nairobi. Đây là nơi đang thi công giai đoạn hai của dự án đường sắt Nairobi-Malaba. Nhà thầu thường xuyên dùng thuốc nổ để phục vụ công tác thi công và điều này đã gây ra những trận động đất cho khu vực.
Cũng theo đó, do ảnh hưởng của các vụ động đất, tường nhà Kimani đã xuất hiện những vết nứt dẫn đến sự lo lắng cho gia đình cô.
"Nhà chúng tôi gần như sắp sập vậy. Vết nứt kia là kết quả của một vụ nổ lớn vào thứ 6 tuần trước. Còn vết này đã tách đôi tường nhà, từ bên ngoài nhìn vào có thể nhìn thấy nhà bếp... Cánh công nhân dự án nói với tôi rằng, các vụ nổ là cần thiết và họ không có cách nào khác", Kimani nói.
David Kadengge mua một mảnh đất dựng nhà cách đây 18 năm về trước, ỏ Oloosirkon có thể phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng là công viên quốc gia Nairobi và thành phố lân cận nhưng do dự án đường sắt, toàn bộ cảnh quan khu vực đã thay đổi.
Anh này nói: "Oloosirkon là một trong những nơi thuận lợi nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Nairobi nhưng khung cảnh này giờ không còn nữa.
Trước đây, chúng tôi có thể nhìn thấy đường chân trời phía thành phố nhưng hiện nay một gò đất cao đã chặn đứng tầm nhìn. Tôi nghe nói, tuyến đường sắt mới cao khoảng 30-40m nên cảnh quan xưa kia có thể sẽ biến thành một bức tường xi măng".
Ngong - thị trấn nhỏ cách thủ đô Nairobo 30km về phía Tây Nam từng là nơi sinh sống của tộc người du mục Maasai. Người Maasai có lịch sử lâu dài gắn liền với vùng đất này.
Tuyến đường sắt Nairobi-Malaba kéo dài tới tận biên giới Uganda đã cắt ngang vùng đất của người Maasai khiến bộ tộc dấy lên sự bất mãn đối với dự án.
Ông Baba - một cao niên tộc Maasai chia sẻ, lịch sử của bộ tộc của ông dài hơn rất nhiều so với sự xuất hiện của tuyến đường sắt và tuy diện tích đất đai không quá lớn nhưng họ đã mất 4ha đất để phục vụ tuyến đường sắt.
Ông này cho hay, họ không được bồi thường, không được ký hợp đồng: "Họ nói chúng tôi phải đợi chính phủ, chúng tôi đã đợi chính phủ suốt từ đó đến nay, đã 1 năm 4 tháng trôi qua nhưng chưa nhận được đồng nào.
Chúng tôi cũng không biết số tiền bồi thường là bao nhiêu. Hàng đêm chúng tôi đều bị đánh thức bởi những tiếng nổ lớn".
Người Maasai cho biết, nhà thầu Trung Quốc cam kết họ sẽ tạo cơ hội việc làm cho người bản địa nhưng sau đó, công nhân tham gia dự án phần lớn lại là người Trung Quốc và người Kenya từ địa phương khác.
Đặc biệt, theo người dân bản địa, họ sở dĩ đồng ý bàn giao đất vì công ty Trung Quốc hứa hẹn sẽ xây dựng những tuyến đường bộ, bệnh viện và hệ thống nước sạch mới cũng như tuyển dụng công nhân là người dân Kenya.
Để đấu tranh cho công ăn việc làm, người địa phương đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, thậm chí có những cuộc xung đột dẫn tới đổ máu. Nổi bật nhất là cuộc đối đầu giữa 200 thanh niên địa phương và các công nhân Trung Quốc.
Theo VOA, tuyến đường sắt tiêu chuẩn SGR mang lại sự thuận tiện và tương lai phát triển cho Kenya nhưng cũng chính nó đã mang lại sự xáo trộn trong cuộc sống người dân bản địa.