"Vành đai, con đường" và ngoại giao bẫy nợ, TQ đang "nuốt" các cảng biển từ Á sang Âu

Tất Đạt |

"Vành đai, Con đường" là dự án tuy đem lại nguồn lợi khổng lồ cho Trung Quốc, nhưng khiến các nước nhỏ phải trả giá đắt về tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ.

"Vành đai, Con đường" hay bẫy nợ khổng lồ?

Sri Lanka đã không thể trả khoản nợ hợp đồng với Trung Quốc và buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược Hambantota trong 99 năm. Đây là "chiến lợi phẩm" lớn trong Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) - mà Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là "dự án thế kỉ" - và là bằng chứng cho thấy bẫy nợ ngoại giao của nước này hiệu quả tới mức nào.

Không như cách thức cho vay của các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), những tài sản thế chấp cho khoản vay của Trung Quốc là các tài sản quan trọng mang tính chiến lược và có giá trị lâu dài (kể cả đôi khi không đem lại lợi ích về mặt ngắn hạn). 

Ví dụ, cảng Hambantota nằm giữa tuyến đường giao thương giữa Ấn Độ Dương, kết nối châu Âu, châu Phi, Trung Đông tới châu Á. Để đổi lại khoản tiền giúp hỗ trợ tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng mà các nước nghèo cần, Trung Quốc yêu cầu được tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ khoáng sản tới cảng biển.

Hơn thế nữa, nếu lấy Sri Lanka làm ví dụ, có thể thấy chiến lược Trung Quốc đủ sức để "còng tay" các quốc gia đối tác. Thay vì cung cấp các khoản trợ cấp hoặc các khoản vay ưu đãi, Trung Quốc hỗ trợ các khoản vay liên quan đến dự án lớn với lãi suất thị trường, không minh bạch, ít đánh giá tác động tới môi trường và xã hội. 

Vành đai, con đường và ngoại giao bẫy nợ, TQ đang nuốt các cảng biển từ Á sang Âu - Ảnh 1.

Cảng Hambantota. Ảnh: APP

Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã từng nói, Bắc Kinh đang hướng mục tiêu tới việc "tự tạo luật lệ và quy tắc" trong khu vực.

Để củng cố vai trò của mình, Trung Quốc đã khuyến khích các công ty đấu thầu để mua lại chính thức các cảng biển chiến lược, nếu có thể. Cảng Piraeus ở Địa Trung Hải - tài sản Trung Quốc thu lại từ khoản nợ 436 triệu USD của Hy Lạp hồi năm 2016 - sẽ đóng vai trò là "đầu tàu" của kế hoạch "Vành đai, Con đường" tại châu Âu.

"Nhất cử lưỡng tiện"

Bằng việc tận dụng tầm ảnh hưởng tài chính, Trung Quốc đã đạt được hai mục đích cùng lúc. 

Thứ nhất, nước này giải quyết tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước bằng việc thúc đẩy xuất khẩu. 

Thứ hai, Bắc Kinh muốn đạt được các lợi ích chiến lược, bao gồm mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao, đảm bảo tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích thế giới sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn và đạt được lợi thế trước các cường quốc khác trên thế giới.

Trong mối quan hệ với các quốc gia nhỏ như Sri Lanka, Trung Quốc đang lặp lại cách thức nước ngoài sử dụng để đối đầu Trung Quốc trong thời kì thuộc địa châu Âu, bắt đầu với Chiến tranh Nha phiến hồi năm 1839-1860 và kết thúc vào năm 1949 khi đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền.

Trung Quốc gọi việc thu hồi chủ quyền đối với Hồng Kông năm 1997 - sau hơn một thế kỉ người Anh quản lí - là để sữa chữa bất công lịch sử. Tuy nhiên, cảng Hambantota hiện tại cho thấy, Trung Quốc đang tự tạo một phiên bản Hồng Kông thứ hai. Rõ ràng, lời cam kết "chấn hưng Trung Quốc" của ông Tập đang hướng tới chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn.

Vành đai, con đường và ngoại giao bẫy nợ, TQ đang nuốt các cảng biển từ Á sang Âu - Ảnh 2.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti - một trong những quốc gia không thể trả nợ. Ảnh: AP

Cũng như các cường quốc Châu Âu từng sử dụng tàu chiến để mở các thị trường mới và tiền đồn thuộc địa, Trung Quốc đã dùng nợ chủ quyền để buộc các nước khác phải làm theo ý mình mà không phải bắn một viên đạn. 

Giống như thuốc phiện mà Anh từng xuất khẩu tới Trung Quốc, những khoản nợ dễ vay của Bắc Kinh rất hấp dẫn. Và bởi vì Trung Quốc chọn các dự án theo giá trị chiến lược lâu dài, những quốc gia nhỏ khó có thể thu đủ lợi để trả nợ cho Trung Quốc trong thời gian ngắn. 

Điều này cho phép Trung Quốc buộc quốc gia nợ phải hoán đổi nợ cho vốn chủ sở hữu, nhờ đó mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các bẫy nợ trên khắp thế giới.

Ngay cả các điều khoản trong hợp đồng thuê cảng Hambantota 99 năm cũng lặp lại những điều được sử dụng để buộc Trung Quốc cho các cường quốc thuộc địa phương Tây thuê các cảng riêng của họ. 

Nước Anh thuê Tân Giới từ Trung Quốc trong 99 năm vào năm 1898, khiến đất Hồng Kông mở rộng thêm 90%. Tuy nhiên, thời hạn 99 năm chỉ là hình thức giúp triều đại nhà Thanh đỡ "mất mặt". Trên thực tế, các bên đều ngầm hiểu lãnh thổ sẽ được "cho thuê" mãi mãi.

Hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược cho thuê 99 năm với vùng lãnh thổ ở xa. Thỏa thuận thuê Hambantota có lời đảm bảo từ phía Trung Quốc rằng sẽ trừ 1,1 tỉ USD tiền nợ cho Sri Lanka. Năm 2015, Trung Quốc thuê cảng nước sâu Darwin của Australia, cũng với thời hạn 99 năm và khoản tiền 388 triệu USD.

Tương tự như vậy, sau khi cho vay hàng tỉ USD cho Djibouti, Trung Quốc đã triển khai căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại quốc gia nhỏ nhưng chiến lược này, chỉ cách một căn cứ Mỹ vài km. 

Ngập trong khủng hoảng nợ, Djibouti không có lựa chọn nào khác ngoài cho Trung Quốc thuê cảng với giá 20 triệu USD một năm. Trung Quốc lặp lại chiến lược với Turkmenistan để đảm bảo đường ống khí ga tự nhiên hoạt động theo quy định của Bắc Kinh.

Một vài quốc gia khác, từ Argentina, Namibia tới Lào đều "kẹt" trong bẫy nợ Trung Quốc, buộc phải lựa chọn giải pháp cho Trung Quốc thuê tài sản để xóa nợ. Khoản nợ khổng lồ của Kenya có nguy cơ buộc nước này biến cảng Mombasa - cửa ngõ Đông Phi - thành một cảng Hambantota thứ hai.

Những trường hợp nói trên cho thấy "Vành đai, Con đường" là dự án tuy đem lại nguồn lợi khổng lồ cho Trung Quốc, nhưng khiến các nước nhỏ phải trả giá đắt về tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại