Thời gian gần đây, giá cau tại Việt Nam tăng cao kỷ lục tại nhiều địa phương như Nam Định, Đắk Lắk, Quảng Nam… Đặc biệt ở xã Hải Đường, tỉnh Nam Định, giá cau có thời điểm lên tới 90.000 đồng/kg. Mức giá này dành cho những buồng cau cắt đúng độ, sai quả, quả đồng đều, đúng kích cỡ...
Quảng Ngãi cũng đang trở thành điểm nóng thu hút thương lái mua cau tươi với mức giá dao động 55.000 – 65.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 80.000 đồng/kg. Nông dân Trần Văn Nam tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành vui mừng cho biết, mỗi cây cau trưởng thành của gia đình ông có thể cho thu nhập 700.000 đồng từ 4 buồng cau, với giá hiện tại 60.000 đồng/kg. Đây được coi là mức thu lãi cao cho người nông dân tại địa phương này.
Tại Duy Xuyên, Quảng Nam, giá cau cũng ghi nhận mức tăng vọt từ 60.000 - 65.000 đồng/kg và hiện khá ổn định. Mức này đã tăng 2-3 lần so với trước đây.
Trong những năm qua, cây cau trở thành cây trồng cho thu nhập khá cao ở nhiều địa phương trong cả nước, chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc, Ấn Độ. Quảng Ngãi là vựa cau nổi tiếng với diện tích trồng cau rộng lớn với hơn 2.000ha cau. Trong đó, hai huyện có diện tích lớn là huyện Sơn Tây có hơn 1.000ha và huyện Nghĩa Hành khoảng 750ha. Quảng Nam cũng đạt 1.000ha trồng cau, tập trung chủ yếu tại huyện Tiên Phước và Bắc Trà My. Sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 8.000 tấn.
Trước việc giá cau tăng đột biến, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), đã tìm hiểu một số đầu mối tiêu thụ tại Trung Quốc và được biết họ đang tăng mua cau từ Việt Nam khi các nguồn cung khác như Thái Lan, Philippines và nguồn cung nội địa là đảo Hải Nam bị hụt.
Trước đó, xuất khẩu cau của Việt Nam cũng đã có mức tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo tổng hợp của VINAFRUIT, trong tháng 8, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng hơn 120 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam trong 8 tháng qua, xếp trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm.
Theo chia sẻ của các hộ nông dân, so với nhiều loại cây trồng hoa màu khác, thì cây cau dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, thời gian cho trái lâu, có khi kéo dài trên 50 năm. Mặc dù cau thương phẩm bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ nhưng để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, người nông dân cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về điều kiện thổ nhưỡng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc phát triển loại cây trồng này.
"Tôi cho rằng không nên vì giá cau cao như hiện nay mà nông dân phát triển vùng trồng chuyên canh bởi đầu ra rất hẹp", ông Nguyễn Văn Mười khuyến cáo. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện cau chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mà buôn bán bằng hình thức trao đổi cư dân biên giới nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đầu năm ngoái, khi hiện tượng giá tăng và thương lái Trung Quốc thu gom ồ ạt xảy ra, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cũng đã khuyến cáo người dân không nên ham giá tốt mà trồng ồ ạt, vì điều này có thể dẫn đến khủng hoảng thừa.
Khi đó, vị lãnh đạo này nhận định: “Cây cau không phải là cây trồng chính, nông sản chủ lực. Việt Nam không có quy hoạch trồng cau nên cơ quan chức năng rất khó quản lý. Do vậy, người dân cần cân nhắc, tính toán kỹ trước khi trồng loại cây này, bởi đây cũng là loại cây có thời gian phát triển kéo dài từ 3 - 5 năm mới có thể cho thu hoạch...”.