Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt 11.054 tấn với trị giá hơn 18,9 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 13,9% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu chè đã thu về hơn 140 triệu USD với 81.979 tấn hàng xuất khẩu, giảm 14,2% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về cơ cấu thị trường, Pakistan, Đài Loan (TQ) và Nga là 3 thị trường tiêu thụ chè Việt Nam lớn nhất trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể xuất khẩu chè sang Pakistan trong 9 tháng đầu năm đạt 33.406 tấn với trị giá hơn 64 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 1.931 USD/tấn, tăng nhẹ 2,6%.
Thị trường xếp thứ 2 của chè Việt là Đài Loan (TQ), trong 9 tháng, xuất khẩu sang thị trường này thu về hơn 17,8 triệu USD với 10.727 tấn chè, giảm 8,3% về lượng và giảm 10,24% về trị giá – giá xuất khẩu đạt 1.688 USD/tấn, giảm 2,06%.
Nga đứng thứ 3 với sản lượng nhập khẩu 5.048 tấn tính đến hết tháng 9 tương đương giá trị hơn 8,3 triệu USD, giảm mạnh 32,65% về lượng và giảm 35% về trị giá với giá xuất khẩu đạt 1.656 USD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ.
Trong khi giá xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo ghi nhận xu hướng giảm mạnh hoặc chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ, giá chè xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng vọt trong 9T đầu năm với mức tăng đến 30% so với cùng kỳ. Hết tháng 9, nước ta xuất sang Trung Quốc 3.030 tấn chè và thu về hơn 7 triệu USD. Giá xuất khẩu đạt 2.361 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ. Tháng 9 cũng là tháng ghi nhận giá cao nhất trong 5 tháng gần đây với 2.687 USD/tấn.
Lịch sử uống trà của Trung Quốc đã tồn tại hơn 4.000 năm và là một trong 7 thói quen không thể thiếu của người dân nơi đây. Có thể phân trà thành 5 loại lớn đó là: Trà hoa, trà xanh, trà đỏ, trà ô long và trà khẩn áp.
Trong đó, Trung Quốc có 3 loại trà phổ biến nhất đó là Trà Phổ Nhĩ của Vân Nam, trà Long Tỉnh của Hàng Châu và Thiết Quan Âm của Phúc Kiến. Những vùng đất trồng trà nổi tiếng của Trung Quốc phải kể đến như tỉnh Giang Tô, An Huy, Hồ Nam, Triết Giang, Hà Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Phúc Kiến, Quảng Đông, Vân Nam, Thiểm Tây…với hơn 2.000.000 ha đất trồng chè. Trung Quốc cũng chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ.
Mặc dù diện tích trồng cây chè tai đây là rất lớn tuy nhiên do các yếu tố như thời tiết, đất đai,...năng suất thu hoạch không cao trong khi nhu cầu từ thị trường nội địa lại là lớn. Bởi vậy quốc gia này vẫn phải tăng cường nhập khẩu chè từ các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam. Trong năm 2022, Trung Quốc chi 17.997.785 USD để nhập khẩu chè từ Việt Nam với 10.354 tấn, tăng 15,58% về lượng và 27% về trị giá so với năm 2021.
Còn tại Việt Nam, cả nước hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Trong khi tổng sản lượng chè của Việt Nam chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lại lớn hơn gấp hai, ba lần. Như vậy để so sánh, diện tích trồng của Trung Quốc đang lớn gấp 14 lần so với Việt Nam.
Việt Nam có 3 vùng trồng chè nổi tiếng là Tây Bắc, Thái Nguyên và Lâm Đồng. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, Thái Nguyên từ lâu đã nổi tiếng với những vùng chè bạt ngàn xanh, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác, số lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chè. Tại khu vực Tây Bắc, chè Shan tuyết đặc biệt là những cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là những “báu vật” đối với người trồng chè ở Hà Giang.
Đặc biệt, ngành chè Việt Nam có niềm tự hào lớn khi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao quyết định công nhân 1.324 cây chè Shan tuyết của 5 huyện Bắc Quang, Hoàng Shu Phì, Vị Xuyên và Xín Mần là Cây Di sản Việt Nam. Trước đó, 305 cây chè Shan tuyết cũng đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nâng tổng số cây được công nhận tại tỉnh Hà Giang lên 1.629 cây.