Bông và xơ xợi là 2 loại nguyên liệu chủ đạo đối với ngành dệt may của Việt Nam. Hiện nước ta là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Bên cạnh nguồn cung trong nước, nước ta cũng chi một số tiền lớn mỗi năm để nhập khẩu loại nguyên liệu này. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông về Việt Nam trong tháng 7 đạt 110.667 tấn với trị giá hơn 219 triệu USD, tăng 26,5% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 7 tháng đầu năm sản lượng nhập khẩu cán mốc hơn 858 nghìn tấn, trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, trong 7 tháng đầu năm Brazil là nhà cung cấp bông lớn nhất của Việt Nam với hơn 297 nghìn tấn, trị giá hơn 609 triệu USD, tăng 174% về lượng và tăng 133% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Mỹ với hơn 229 nghìn tấn, trị giá hơn 486 triệu USD, giảm 32% về lượng và giảm 4,13% về trị giá so với 7T/2023.
Úc là nhà cung cấp lớn thứ 3 với hơn 128 nghìn tấn, trị giá hơn 271 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh 3 thị trường chủ đạo trên, Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu bông từ Pakistan với mức tăng trưởng 4 chữ số. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 5.333 tấn bông từ Pakistan với trị giá đạt hơn 9,2 triệu USD, tăng 2.997% về lượng và tăng 3.573% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.728 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên sản lượng nhập khẩu từ thị trường này chỉ chiếm rất nhỏ, chưa đến 1% tổng sản lượng nhập khẩu của Việt Nam.
Ngành dệt may là một trong những ngành sinh lợi nhất tại Pakistan, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nổi tiếng với bông thô và các sản phẩm dệt thành phẩm, Pakistan có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế với sự trợ giúp của ngành dệt may.
Sản xuất bông là một phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế của Pakistan. Bông được trồng như một loại cây công nghiệp trên 15% diện tích đất của quốc gia trong những tháng gió mùa từ tháng 4 đến tháng 5, được gọi là thời kỳ Kharif, và được trồng ở quy mô nhỏ hơn từ tháng 2 đến tháng 4.
Tính đến năm 2023, Pakistan là nước sản xuất bông lớn thứ năm trên thế giới , với sản lượng khoảng 6,22 triệu kiện vào năm 2022/23. Đây là mức tăng 3,7% so với năm trước đó. Bông được trồng trên diện tích đất canh tác của cả nước, chiếm khoảng 15% diện tích đất canh tác của Pakistan, tương đương 2,95 triệu ha.
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, ngành bông toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy mức giảm lớn trong dự báo về sản lượng bông toàn cầu mùa vụ 2023-2024 và giảm 4,2 triệu kiện so với mùa vụ trước. Sản lượng giảm ở các khu vực như Tây Phi, Mỹ, Hy Lạp, Mexico và Ấn Độ đã làm lu mờ sự gia tăng sản lượng ở Brazil.