Trong phiên giao dịch ngày 28/7, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống còn 2.733,01 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,3% xuống còn 2.745,5 USD. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục là 2.758,37 USD hồi tuần trước do nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn vì bất ổn địa chính trị.
Chỉ số USD (.DXY) tăng 0,2%, đang trên đà tốt nhất kể từ tháng 4/2022. Đồng USD mạnh hơn khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tim Waterer - chuyên gia phân tích thị trường tại KCM Trade - cho biết: "Đồng USD vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt sau cuộc bầu cử ở Nhật Bản, điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng".
Theo chuyên gia, vàng vẫn có triển vọng tăng lên mức 2.800 USD, nhưng trước tiên giá vàng phải chịu tác động từ một loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng trong tuần này, có thể ảnh hưởng đến lãi suất của Fed.
Dữ liệu trong tuần bao gồm báo cáo việc làm của Mỹ, số lượng việc làm và dữ liệu cốt lõi về Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Đây là những thông tin quan trọng để đánh giá sức khỏe của thị trường lao động và xu hướng lạm phát.
Theo FedWatch của CME, các nhà giao dịch đánh giá có đến 95% khả năng Fed sẽ cắt giảm 0,25 điểm cơ bản vào tháng 11. Lãi suất thấp làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi không sinh lời.
Giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống còn 33,39 USD/ounce và giá bạch kim giảm 0,1 xuống còn 1.022,20 USD. Giá palladium giảm 0,3% xuống còn 1.189,27 USD sau khi đạt mức cao nhất trong 10 tháng trong phiên trước.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent tương lai giảm 4,2% và giao dịch ở mức giá rẻ chỉ 71,99 USD/thùng sau khi Israel tập trung tấn công vào các nhà máy tên lửa và các địa điểm khác gần Tehran chứ không phải làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.