Vàng trong nước: Lịch sử tháng 7/2016, điều chỉnh giá 64 lần trong ngày có lặp lại?
Thống kê của SJC, ngày 20/6/2019, giá vàng được công ty này niêm yết ở mức 38.180 – 38.430 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Nguồn: SJC, webgia.com
Thống kê thị trường cũng cho thấy, nửa đầu năm 2019 có những thời điểm giá vàng trong nước được điều chỉnh khá trùng hợp với giá thế giới. Liệu giá kim loại quý này năm 2019 có giống với diễn biến năm 2016 khi lên đỉnh vào tháng 7 rồi điều chỉnh giảm vào cuối năm?
Cụ thể, vào ngày 06/7/2016, SJC đã phải điều chỉnh giá vàng tới 64 lần, đưa từ mức 37.150 - 37.750 triệu đồng/lượng lên 38.700 - 39.700 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), với mức điều chỉnh hơn 2 triệu đồng chỉ trong ngày, tương ứng giá vàng ở mức 1.357 USD /oz. Ở mức đỉnh này, giá vàng trong nước đã tăng 20% so với đầu năm 2016.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, giá vàng lại được điều chỉnh giảm về mức 36,5 triệu đồng/lượng, tương ứng với giá thế giới ở mức 1.158 USD/oz. Do đó, kết thúc năm 2016, giá thế giới tăng 9%, giá trong nước tăng 11%.
Trong khi đó, so sánh sự thay đổi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới năm 2017 lại ngược chiều hoàn toàn.
Giá vàng trong nước năm 2017 kết thúc năm với mức giảm 0,003%, từ đầu năm là 36,5 triệu đồng/lượng, cuối năm còn 36,4 triệu đồng/lượng. Ngược lại, giá vàng thế giới năm 2018 lại tăng 14%, từ mức 1.158 USD/oz đầu năm lên mức 1.318 USD/oz.
Nguồn: SJC, webgia.com
Năm 2018, giá vàng trong nước vẫn có sự thay đổi ngược chiều thế giới khi tăng vỏn vẹn 140.000 đồng (0,004%) từ mức 36,4 triệu đồng/lượng lên mức 36,58 triệu đồng/lượng so với đầu năm; còn giá vàng thế giới giảm 3%, về mức 1.283 USD/oz so với đầu năm là 1.318 USD/oz.
Trở lại kịch bản giá vàng trong nước năm 2019, liệu có tăng tiếp lên mốc 40 triệu đồng/lượng hay không?
Đến thời điểm 13/7/2019, giá vàng trong nước đang thay đổi cùng chiều với giá vàng thế giới khi tăng được 7,4% từ đầu năm đến nay và đang xoanh quanh 39 triệu đồng/lượng.
Cùng với đó, giá vàng thế giới đến thời điểm này cũng đã tăng được 10% và cán mốc 1.415 USD/oz. Cao nhất trong hơn 3 năm qua.
Giá vàng thế giới: Dự báo 1.500 USD/oz?
Có thể nói, những ai đã mua vàng trong vòng hơn ba năm trở lại đây đến thời điểm này đã có lời nếu bán ra. Tuy nhiên, giá vàng trong nước từ năm 2017 tới thời điểm này không còn tăng sốc so với thời điểm ngày 6/7/2016.
Thời điểm đó do ảnh hưởng từ sự kiện Brexit (trưng cầu dân ý nước Anh rời khỏi khối Liên minh Châu Âu – EU, ngày 23/6/2016), giá vàng thế giới biến động tăng 9 USD/oz từ 1.366 - 1.375 USD/oz trong ngày, nhưng giá vàng trong nước tăng tới hơn 2 triệu đồng/lượng – mức tăng cao tới hàng chục lần so với mức tăng của thế giới. Vàng SJC được cho là đã làm giá.
Vậy, thị trường vàng trong nước còn tăng sốc theo cơn địa chấn giá vàng thế giới nào không?
Ngay như năm 2018 khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, đúng 0h00 phút ngày 6/7 theo giờ Washington, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế "ăn miếng trả miếng" nhằm vào 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2018 bắt đầu tháng 6 đã không có sự biến động mạnh, chỉ xoay quanh mốc 1.200 - 1.295 USD/oz. Giá vàng trong nước thời gian này cũng không có cơn sóng nào. Thị trường vàng trong nước không còn bị tác động nhiều bởi tâm lý.
Cuối năm 2019, giá vàng thế giới đang được dự báo tiếp tục tăng lên 1.500 USD/oz, theo dự báo đầu năm trên Kitco của Giám đốc Công ty Metalla Royalty & Streaming E.B. Tucker.
Một động thái giúp cho tâm lý giá vàng tăng là thông tin từ biên bản cuộc họp tháng 6/2019 của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố cho thấy nhiều quan chức Fed cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ sớm cần đến các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mới.
Theo hãng tin Reuters, thị trường đang đặt cược khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 30-31/7 ở mức 30%. Vàng vừa là một tài sản không mang lãi suất, lại được định giá bằng USD, nên vàng thường tăng giá khi lãi suất giảm và đồng USD xuống giá.
Còn theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tính đến tháng 5, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã báo cáo các khoản mua ròng khoảng 247 tấn, tương đương 10 tỷ USD và tiếp tục mở rộng nắm giữ vàng như một phần của dự trữ ngoại hối.