Vắng mặt giám định viên, hoãn xử vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh

Bảo Minh |

Do vắng mặt giám định viên và nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vụ án sà lan tông sập cầu Ghềnh lại tiếp tục bị hoãn.

Ngày 28/2, TAND TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử các bị cáo Phan Thế Thượng (63 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng, chủ tàu kéo đâm sập cầu Ghềnh) và Trần Văn Giang (37 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu, lái tàu đâm sập cầu Ghềnh). 

Những người này bị ghép tội tội: "Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy", "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn".

Tại phiên tòa, nguyên đơn vụ án là 5 công ty con thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam đều vắng mặt. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và bên giám định, thẩm định trong vụ án cũng không đến tòa.

Vắng mặt giám định viên, hoãn xử vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh - Ảnh 1.

Hai bị cáo Phan Thế Thượng và Trần Văn Giang tại phiên tòa

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Thượng cho rằng việc vắng mặt của nguyên đơn dân sự và bên giám định, thẩm định ảnh hưởng đến vệc yêu cầu bồi thường. Theo đó, kết luận giám định đóng vai trò rất quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại về mặt dân sự.

Trong vụ án này, tòa đã từng trả hồ sơ để làm rõ vấn đề liên quan đến thiệt hại, Viện kiểm sát cũng từng đề nghị triệu tập giám định viên để tranh luận về kết quả giám định nhưng Toà án lại không triệu tập người giám định để giải thích kết luận giám định là thiếu sót quan trọng, làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.

Ngoài ra, các luật sư yêu cầu xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý, duy tu, sữa chữa cầu Ghềnh vì đã không tuân thủ theo tình trạng kỹ thuật ban đầu. Theo đó, các tài liệu thể hiện cầu Ghềnh từng có trụ chống va đập trước năm 1975, nhưng thời điểm trước khi bị sập thì những trụ chống này không còn. Từ đó, các luật sư đề nghị hoãn phiên toà, trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vụ án.

Các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Thượng và Giang cũng xin HĐXX xem xét cho 2 bị cáo này được tại ngoại vì vụ án đã kéo dài và quá thời hạn tạm giam (hơn 2 năm).

Còn đại diện Viện kiểm sát cho rằng việc xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý cầu Ghềnh không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, còn đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập người giám định của luật sư là có cơ sở chấp nhận.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa, chờ triệu tập các bên liên quan để xét xử lại.

Theo điều tra, ông Thượng là chủ tàu kéo số hiệu SG-37745 đã giao cho Giang điều khiển tàu này kéo theo sà lan số hiệu SG-5984, chở hơn 800 tấn cát đi từ miền Tây lên Đồng Nai.

Trưa 20-3-2016, khi đến đến đoạn Km 37+720, ngay chân cầu Ghềnh (sông Đồng Nai), do gặp phải dòng nước xoáy, Giang không điều khiển được tàu đã để cho đầu kéo và sà lan đâm vào trụ cầu, gây sập cầu Ghềnh.

Giang không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và tàu kéo sà lan được xác định là đã hết hạn kiểm định.

Cầu Ghềnh được xây dựng hơn 100 năm bị sập khiến cho hệ thống đường sắt Bắc- Nam tê liệt thời gian dài, gây hậu quả nặng nề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại