Vàng không phải là mặt hàng duy nhất tăng giá mạnh

Vũ Ngọc Diệp |

Các nhà phân tích đang vò đầu bứt tai cố gắng tìm ra lý do thực sự giải thích tại sao vàng lại tăng giá mạnh mẽ như hiện nay.

Vàng không phải là mặt hàng duy nhất tăng giá mạnh- Ảnh 1.

Giá vàng đã đạt kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử, vượt qua hầu hết mọi dự đoán, với hợp đồng giao ngay đạt 2.365,09 USD/ounce, trong khi hợp đồng kỳ hạn tham chiếu (tháng 6/2024) đạt 2.362,4 USD/ounce, trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát và biên bản kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tháng 3, những căn cứ để các nhà đầu tư có cơ sở nhận định về đường hướng điều chỉnh lãi suất của Fed trong năm nay.

Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn, là hàng rào chống lạm phát và là nơi các nhà đầu tư tìm đến trong thời điểm có rủi ro địa chính trị. Ngoài ra, khi lãi suất giảm, vàng thường tăng.

Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ lý giải tại sao vàng tăng giá như vậy vào thời điểm này.

Căng thẳng địa chính trị đã diễn ra trong nhiều tháng và đến nay thì thời điểm Fed sẽ cắt giảm lãi suất dường như còn u ám hơn chỉ vài tháng trước.

Có một vấn đề mà hầu như chưa ai nhắc tới, đó là vàng đã ‘tỏa sáng rực rỡ’ trong bối cảnh nhiều mặt hàng khác cũng vậy.

Chỉ số hàng hóa, bao gồm rổ một số mặt hàng, năm 2024 này đang vượt xa chỉ số S&P 500. Điều đó được thúc đẩy bởi giá đồng tăng vọt, tăng hơn 11%; vàng tăng khoảng 14%; và dầu, tăng khoảng 18%.

Vàng không phải là mặt hàng duy nhất tăng giá mạnh- Ảnh 2.

Giá hàng hóa năm 2024 tăng vượt trội so với cổ phiếu.


Trên cơ sở phân tích chỉ số S&P GSCI - theo dõi hàng hóa, Tạp chí Phố Wall lưu ý rằng nguyên liệu thô nói chung đang vượt trội so với chỉ số chứng khoán S&P 500. GSCI tăng 12% trong khi S&P 500 tăng 8%. Phần lớn điều đó là do giá dầu - vốn đã gia tăng trong cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và sản lượng dầu thô của Mỹ sụt giảm. Một số kim loại như vàng (tăng 13%) và đồng (tăng 10%) cũng ngày càng đắt hơn.

Nói cách khác, những thứ được sử dụng để làm ra đồ đạc của chúng ta ngày càng trở nên đắt đỏ hơn và rất có khả năng là các vấn đề của các doanh nghiệp (chi phí sản xuất) có thể chuyển thành vấn đề của mọi người tiêu dùng.

Đôi khi, như trong ngành chocolate, chi phí của một mặt hàng tăng vọt - giá ca cao tăng 131% trong năm nay - vượt xa khả năng của một công ty trong việc phòng ngừa biến động thông qua thị trường kỳ hạn (mua hàng kỳ hạn xa để đảm bảo giá ổn định).

Martin Hug, CFO của Lindt và công ty mẹ Ghirardelli Lindt & Sprüngli cho biết: “Từ quan điểm giá hạt ca cao cho thấy đây là một đợt tăng giá chưa từng có”.

Giá đồng tăng mạnh cho thấy nền kinh tế đang tiến triển theo hướng lành mạnh, một phần vì kim loại này được sử dụng rộng rãi trong các ngành xây dựng và điện tử. Nhu cầu đồng tăng thường có nghĩa là kinh tế tăng trưởng mạnh lên, nhưng điều đó cũng có nghĩa là khi giá cả tăng thì tăng trưởng kinh tế trở nên ‘đắt đỏ’ hơn.

Một số vấn đề trên thế giới có thể tác động đến giá dầu, như các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga hoặc giá tăng theo mùa (trong mùa hè). Triển vọng kinh tế toàn cầu lạc quan hơn chỉ đang thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ. Nhưng người Mỹ biết giá dầu tăng là một trong những dấu hiệu họ cảm thấy lạm phát rõ ràng nhất và ngay lập tức nhất.

Vậy mà các dự báo mới đây đều nâng quan điểm về triển vọng giá dầu. Theo đó, Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trong quý 3 năm nay thêm 4 USD/thùng lên 94 USD, với lý do rủi ro địa chính trị. Tương tự, Russell Hardy, giám đốc điều hành của công ty kinh doanh năng lượng lớn nhất thế giới Vitol, trong một hội nghị tuần này nói rằng giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng 80-100 USD/thùng bởi nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng tăng dự báo giá dầu trong nước và toàn cầu, theo đó giá dầu Brent sẽ trung bình 88,55 USD/thùng trong năm nay, tăng so với dự báo trước đó là 87 USD, trong khi giá dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ sẽ đạt trung bình 83,78 USD/thùng vào năm 2024, cao hơn mức 82,15 USD/thùng dự báo hồi tháng 3.

Dĩ nhiên, không phải mặt hàng nào cũng tăng giá mạnh. Ví dụ giá ngô, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong GSCI, giảm 7% trong năm nay. Khí đốt tự nhiên, một nguyên liệu đầu vào quan trọng khác của lĩnh vực công nghiệp, giảm gần 28% vào năm 2024. Chỉ số giá sản xuất hàng hóa của Mỹ, thước đo lượng đầu vào của các nhà sản xuất và các công ty khác, đã ở mức âm trong gần một năm.

Vàng không phải là mặt hàng duy nhất tăng giá mạnh- Ảnh 4.

Chỉ số giá hàng hóa sản xuất của Mỹ.

Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 03 lần trong năm 2024, nhưng khi nền kinh tế và hàng hóa tiếp tục tăng trưởng, cuộc chiến chống lạm phát có vẻ khó khăn hơn và các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi liệu lãi suất có duy trì ở mức cao lâu hơn dự kiến ban đầu hay không?

Sau khi dữ liệu lạm phát tháng 3 được công bố ( thứ Tư, 10/4), các nhà giao dịch đã lùi thời điểm dự đoán Fed bắt đầu hạ lãi suất đầu tiên xuống tháng Chín (chậm 3 tháng so với dự đoán trước đây là tháng Sáu) và giảm dự đoán số lần Fed giảm trong năm nay từ 3 lần xuống 2 lần.

Còn nhớ, tại cuộc họp báo vào tháng 1 sau một quyết định khác nhằm giữ nguyên lãi suất, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ông đang trông cậy vào những yếu tố khiến tài sản của bạn trở nên rẻ hơn.

Ông Powell cho biết: “Chúng tôi có sáu tháng chỉ số lạm phát ở mức yên tâm”. “Nhưng bạn có thể nhìn vào những con số đó và bạn có thể thấy rằng phần lớn trong số đó đến từ lạm phát hàng hóa đang ở mức âm đáng kể.”

Ông cho biết ông kỳ vọng lạm phát hàng hóa cuối cùng sẽ đạt 0% sau khi giảm ổn định, nhưng nếu vượt quá mức đó thì có thể gây ra vấn đề.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại