Vấn nạn buôn bán thuốc ung thư giả trên toàn cầu: Tội ác kiếm lời trên thân xác bệnh nhân

Linh Chi |

"Người bị ung thư thường có cảm giác tuyệt vọng, đây chính là cơ hội cho kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin, buôn bán những sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, nguy hiểm cho sức khỏe".

Mới đây, vụ việc nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa trị ung thư giả về VN của công ty cổ phần VN Pharma đang là vấn đề nóng hổi được dư luận hết sức quan tâm. Đây được xem là vụ hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh mà ngay các cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Lật lại những số liệu bởi WHO về vấn nạn buôn bán thuốc giả trên toàn cầu, trong năm 2009, 20 triệu viên thuốc, chai lọ và túi thuốc giả, thuốc bất hợp pháp đã bị bắt giữ sau một cuộc điều tra kéo dài 5 tháng do Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Intepol) điều phối trên khắp Trung Quốc và 7 nước Đông Nam Á, trong đó 33 người đã bị bắt và 100 cửa hàng thuốc bị đóng cửa.

Cũng trong năm 2009, hàng loạt vụ cướp ở Ai Cập đã phát hiện lô thuốc giả trị giá hàng trăm triệu USD chuẩn bị được tuồn vào thị trường Trung Đông. Tại châu Âu, các quan chức hải quan đã thu giữ 34 triệu viên thuốc giả chỉ trong 2 tháng năm 2009.

Theo thống kê của Viện An ninh Dược phẩm Quốc tế, châu Á là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về thương mại thuốc giả. Mối đe dọa về thuốc giả không phải là mới, các cơ quan chức năng từ lâu đã vận động cuộc chiến chống lại thuốc giả.

Mặc dù, WHO đã tích cực đưa vấn đề này ra bàn luận kể từ Hội nghị Y tế thế gưới thảo luận vào tháng 5/1998, nỗ lực này đã tăng lên đáng kể vào năm 2006 khi Tổ công tác chống giả mạo sản phẩm y tế quốc tế (IMPACT) được thành lập, thu hút các thành viên từ các tổ chức quốc tế, cơ quan thực thi pháp luật và các các tổ chức phi chính phủ.

Theo WHO, hơn 50% các loại thuốc mua qua internet được phát hiện là giả mạo, trong đó phần lớn là thuốc giảm cân và trị cảm cúm.

Vấn nạn buôn bán thuốc ung thư giả trên toàn cầu: Tội ác kiếm lời trên thân xác bệnh nhân - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu được tài trợ bởi hãng dược Pfizer, đây là một trong những cuộc điều tra lớn nhất trên thế giới được thực hiện ở 14 quốc gia châu Âu, ước tính rằng người phương Tây chi hơn 14 tỷ USD mỗi năm cho phần lớn các loại thuốc bất hợp pháp, trong số đó có phần lớn là thuốc giả.

Phanh phui hàng loạt vụ buôn bán thuốc ung thư giả

Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa ra một loạt cảnh báo với 14 công ty có trụ sở tại Mỹ vì buôn bán thuốc ung thư chưa được kiểm duyệt trên mạng. Các sản phẩm bao gồm kem, thuốc, trà, thậm chí là các thiết bị tuyên bố có thể tìm ra các khối u thông qua bức xạ hồng ngoại.

Donald Ashley Giám đốc Văn phòng thực thi của Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Dược phẩm cho biết: "Những người bị chẩn đoán ung thư thường có cảm giác tuyệt vọng, đây chính là cơ hội cho kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin, buôn bán tràn lan những sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, nguy hiểm cho sức khỏe".

Theo ông Vinay Prasad, nhà nghiên cứu ung thư học và phó giáo sư y khoa tại Đại học Y khoa Oregon, sử dụng các loại thuốc giả chưa được kiểm duyệt này có thể khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.

FDA đã đưa ra hơn 90 đơn cảnh cáo đối với các công ty buôn bán thuốc ung thư giả trong vòng 10 năm qua, cơ quan này cho biết, vẫn còn rất nhiều trường hợp mà họ chưa thể xử lý kịp thời.

Trước đó, hồi tháng 2/2012, lô thuốc chữa ung thư giả Avastin trị giá hàng tỷ USD được mua tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi được trung chuyển khắp vùng Trung Đông và châu Âu đến nước Mỹ. Avastin giả không chứa các hoạt chất kéo dài sự sống cho bệnh nhân mà thay vào đó chỉ là muối, tinh bột và nhiều loại hóa chất khác.

Vấn nạn buôn bán thuốc ung thư giả trên toàn cầu: Tội ác kiếm lời trên thân xác bệnh nhân - Ảnh 2.

Bao bì thuốc Avastin giả ở Mỹ.

Tháng 4/2012, cơ quan giám sát Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA lại tiếp tục cảnh báo các bác sĩ rằng thuốc Avastin giả không có chất công hiệu dùng để trị ung thư ruột già, phổi, thận và não bộ.

Tại Anh, nhà chức trách cho biết một công ty dược phẩm đã mua phải 120 thùng thuốc giả từ một công ty Thổ Nhĩ Kỳ và công ty Anh đã chở 38 thùng trong số đó vào nước Mỹ. Công ty này bán 82 thùng còn lại cho một công ty bán sỉ khác tại Anh, rồi công ty đó cũng lại bán số hàng nhái đó cho người Mỹ.

Tất cả những ống thuốc đều dán nhãn mang chữ Altuzan, phiên dịch tiếng Thổ của Avastin, là loại thuốc không được chấp thuận sử dụng tại Mỹ. Chưa có cái chết nào được báo cáo về việc sử dụng loại thuốc giả kể trên.

Sau đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã ra cảnh báo đối với 14 công ty có trụ sở tại Mỹ vì buôn bán hàng loạt thuốc ung thư chưa được kiểm duyệt trên mạng.

Hệ lụy khôn lường vì thuốc giả

Theo WHO đã đưa ra cảnh báo trên toàn cầu, thống kê cho thấy, có khoảng 200.000 người chết vì uống phải thuốc giả, đây chỉ là con số thống kê trên giấy tờ. Trong đó, châu lục bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là ở châu Phi, nơi có khoảng 120.000 người chết mỗi năm có liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc chống sốt rét giả mạo không đạt tiêu chuẩn hoặc không có thành phần hoạt chất.

Theo CNN, ngay cả những loại thuốc chưa đạt tiêu chuẩn hoặc có chứa không đầy đủ hoạt chất có thể gây tử vong, dẫn đến kháng thuốc – đây là vấn đề nghiêm trọng đối với các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và bệnh lao.

Vấn nạn buôn bán thuốc ung thư giả trên toàn cầu: Tội ác kiếm lời trên thân xác bệnh nhân - Ảnh 3.

Có khoảng 120.000 người châu Phi chết mỗi năm có liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc chống sốt rét giả. (Ảnh minh họa)

Theo một số ước tính, khoảng 1/3 các loại thuốc chống sốt rét ở vùng cận Sahara châu Phi là giả mạo. Những loại thuốc giả này có thể ngang nhiên được bán ở hiệu thuốc, phòng khám, quầy bán hàng đường phố hoặc trên các trang web trực tuyến mà không được kiểm soát.

Tại Mỹ, chỉ tính riêng trong năm 2008, 81 người đã mất mạng vì dùng thuốc chống đông máu heparin giả được sản xuất ở Trung Quốc. Hồi năm 2006, ít nhất 100 người ở Panama đã tử vong sau khi dùng xiro giảm ho có hóa chất diethylene glycol từ Trung Quốc.

Diethylene Glycol là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong quá trình tạo ra một số loại nhựa, một số loại thuốc nhuộm, dầu phanh, dầu thủy lực, chất ức chế ăn mòn trong các thiết bị nhiệt...

Tại Singapore, trong 5 tháng đầu năm 2008, 150 người đã bị nhập viện và hạ đường huyết nghiêm trọng, 4 trong số này đã chết vì 7 người bị tổn thương não nghiêm trọng vì dùng thuốc giả điều trị chứng rối loạn cương dương, nhưng loại thuốc này lại chứa một lượng lớn glyburide mạnh – được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.

Loại thuốc được làm giả nhiều nhất là thuốc HIV/AIDS, kháng sinh, thuốc giảm cân và thuốc rối loạn cương dương. Trong đó, thuốc chống rối loạn cương dương như Viagra là loại thuốc giả phổ biến nhất thế giới. Tại Anh, trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2015, cơ quan chức năng đã tịch thu hàng loạt lô thuốc Viagra giả với trị giá 3,9 triệu Bảng.

*Theo WHO/CNN/Theweek

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại