Vận mệnh Nhật Bản thay đổi nhờ chip bán dẫn: 'Đảo Silicon' hút loạt 'đại bàng đến làm tổ', là cửa ngõ không thể thiếu để vào thị trường quốc tế tỷ USD

Vũ Anh |

Hợp tác sẽ tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa các công ty Đài Loan muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản bị thu hút bởi công nghệ tiên tiến và kênh bán hàng từ Đài Loan.

 - Ảnh 1.

Đối với các nhà cung cấp thuộc ngành công nghiệp chip Đài Loan (Trung Quốc), Kyushu đã trở thành cửa ngõ phát triển kinh doanh khi lĩnh vực bán dẫn Nhật Bản trên đà phục hồi. Greenfiltec, công ty sản xuất bộ lọc không khí cho các nhà máy bán dẫn, đã chọn nơi đây sau TSMC - gã khổng lồ sản xuất chip theo hợp đồng nổi tiếng nhất thế giới.

Chia sẻ với Nikkei Asia, nhà cung cấp đang cân nhắc hòn đảo phía bắc Hokkaido, nơi Rapidus của Nhật Bản muốn sản xuất hàng loạt chip tiên tiến. Giám đốc tài chính của Greenfiltec, Leo Ruan, gọi Nhật Bản là thị trường khổng lồ.

Bộ lọc không khí ngăn bụi xâm nhập các nhà máy chế tạo chip, vậy nên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Được thành lập vào năm 2014 bởi cựu kỹ sư TSMC, Greenfiltec tiếp tục mở rộng vào năm 2023 thông qua nhà máy mới xây tại Đài Loan - trung tâm sản xuất của TSMC.

Trong một hội thảo về công nghệ tại thành phố Kumamoto vào tháng 7, ông Ruan cho biết Greenfiltec mong muốn tìm kiếm các đối tác Nhật Bản, tìm hiểu văn hóa cũng như phong tục kinh doanh.

Đây không phải là nhà cung cấp Đài Loan duy nhất chuyển đến Kyushu, hay còn được biết đến với cái tên đầy tham vọng là “Đảo Silicon”. Higo Bank, một tổ chức tài chính địa phương, cho biết ít nhất 72 công ty nước ngoài đã mở rộng hoạt động tại tỉnh Kumamoto và phần lớn trong số đó là các công ty Đài Loan.

Nhà sản xuất thiết bị Hermes-Epitek mở một cơ sở bảo trì tại thị trấn Ozu, Kumamoto vào tháng 4. Hermes Testing Solution, công ty tập đoàn xử lý thẻ thăm dò, chọn nơi đây làm nơi đặt trụ sở, trong khi công ty con của Topco Scientific, công ty thương mại hợp tác với TSMC, chính thức vào Kumamoto vào tháng 8/2023.

Tổng giám đốc điều hành cấp cao của Topco Dennis Chen cho biết công ty muốn tăng cường kinh doanh với các nhà sản xuất chip Nhật Bản. Công ty cũng có thể giúp kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản với TSMC.

Động thái kể trên sẽ tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa các công ty Đài Loan muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản bị thu hút bởi công nghệ tiên tiến và kênh bán hàng từ Đài Loan. Trong khi các nhà sản xuất chip Đài Loan ghi nhận nhiều bước tiến nhanh chóng trong việc tích hợp sức mạnh tính toán vào chip, nhiều nhà cung cấp và công ty bảo trì thiết bị tại Kyushu đang dần nâng cao trình độ công nghệ để đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, một số nhà cung cấp Đài Loan cũng coi Nhật Bản là bàn đạp để tiến vào các thị trường quốc tế khác. Chou Ku-Hua, tổng giám đốc của Rayzher Industrial, cho biết công ty mình muốn phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản và tuyển dụng lao động tại đây để xây dựng các nhà máy bán dẫn.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty bao gồm thiết kế, xây dựng và bảo trì thiết bị đường ống dẫn khí đặc biệt cho các nhà máy sản xuất chip. Nhu cầu bùng nổ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động ở Đài Loan và vì vậy, ông Rayzher hy vọng sẽ có thể thu hút được nhân tài người Nhật. Những nỗ lực trong tương lai có thể giúp họ dấn thân sâu hơn vào các thị trường quốc tế tiềm năng.

Kiyomi Suzuki, chủ tịch ủy ban kế hoạch một tập đoàn công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Oita, Kyushu, cho biết: “Nếu các công ty Kyushu muốn mở rộng ra toàn cầu, họ cần phải hợp tác với các công ty Đài Loan”.

Theo Nikkei, đầu tư của TSMC vào Nhật Bản đang có đà, thậm chí vượt xa dự án đang triển khai ở Mỹ. Nhà máy Kumamoto được công bố vào cuối năm 2021 và bắt đầu xây dựng vào năm 2022, có nhiệm vụ sản xuất các con chip đặc biệt cho ô tô và ứng dụng công nghiệp. Kế hoạch sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu ngay sau đó.

Đầu tháng này, TSMC còn công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai ở Kyushu để triển khai công nghệ sản xuất 7 nanomet và 6 nanomet. Tập đoàn cũng xem xét xây dựng nhà máy thứ ba để hiện thực hóa tham vọng sản xuất chip 3nm tiên tiến hơn.

“Đảo Silicon” là biệt danh mà Kyushu có được sau khi các gã khổng lồ sản xuất như Mitsubishi, Sony và Toshiba lựa chọn là nơi đặt nhà máy lớn vào những năm 1960. Những con chip tiên tiến sẽ trở thành nền tảng cho hàng chục công nghệ quan trọng, bao gồm trí tuệ nhân tạo, hệ thống vũ khí và xe điện.

Được biết trong vòng chưa đầy 3 năm, Nhật Bản đã dành khoảng 4 nghìn tỷ Yên (26,7 tỷ USD) để khôi phục sức mạnh sản xuất chất bán dẫn. Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính cho ngành này để cuối cùng đạt mục tiêu 10 nghìn tỷ Yên với sự hỗ trợ của tư nhân. Doanh số bán chip sản xuất trong nước dự kiến phải tăng gấp 3 lần lên hơn 15 nghìn tỷ Yên vào năm 2030.

Chiến lược chip mới của Nhật Bản có 2 điểm đáng chú ý.

Đầu tiên, quốc gia này đang tìm cách tự định vị mình như một địa điểm đắc địa để sản xuất chip truyền thống thông qua việc thu hút các tên tuổi nước ngoài. Điểm thứ hai, tham vọng hơn, là dự án Rapidus ở Hokkaido nhằm khôi phục vị thế đi đầu trong lĩnh vực chip silicon.

Tokyo đã đạt được một số thành tựu nhất định, trong đó có việc thu hút Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan tới sản xuất ở Kumamoto, miền nam Nhật Bản. Gã khổng lồ này đã nhanh chóng nhận ra các dự án chip do Tokyo tài trợ một phần có thể khởi động nhanh hơn nhiều so với ở Mỹ hoặc các nước khác.

“Nhật Bản lần này đã thực hiện cách tiếp cận táo bạo và đưa ra quyết định rất nhanh chóng. Nếu nhìn lại 20 hoặc 15 năm trước đây, tôi nghĩ có nhiều chính sách khép kín hơn, đặc biệt là từ chính phủ”, Giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu vi điện tử Imec có trụ sở tại Bỉ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại