Vợ Chí Trung: 'Cái thằng đấy có gì đâu mà xúm ghê thế...'

T.N |

(Soha.vn) - Đó là câu nói vui của Trấn Thành sau khi được nghe chuyện tình của Chí Trung trong chương trình Rubic Chat tuần vừa rồi.

Trấn Thành: Chào anh Chí Trung. Không khéo anh mặc cái áo này ra đường người ta nói anh trẻ hơn em...

Chí Trung: Trẻ thật á? Ngày xưa hồi còn trẻ anh thích được khen như thế lắm! Nhưng giờ già anh vô cảm với những lời khen như thế. (Cười)

Thiệt. Ít ai có tuổi mà dám mặc màu đỏ như anh.

Ngày xưa anh nghĩ anh trẻ thật. Nhưng bây giờ con gái 27 tuổi, con trai 22 tuổi thì bỗng nhiên anh thấy áo màu nó cũng bạc phếch rồi.

Anh có phải người phóng khoáng không? Anh có xài tiền nhiều không?

Không, mình tiết kiệm lắm! Thứ nhất vì xuất thân nghèo. Bố mẹ đều là nghệ sĩ, mình cũng rất nghèo nên không phóng khoáng đâu. Bây giờ cuộc sống cũng có đôi chút dư giả, và cũng đi đến 5/6 cuộc đời rồi nên cũng cảm thấy mình phải sống tốt hơn.

Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đi du lịch. Vì tôi thấy mình đi nhiều lắm rồi! Đi diễn cũng là đi du lịch rồi.

Sau đó biến cố là ngày 21/12/2012. Mình rất sợ tận thế. Tôi hứa với bản thân là nếu qua được tận thế này, tôi sẽ tiêu pha khá hơn, ăn mặc tốt hơn, mua sắm đầy đủ hơn. Tôi hứa với vợ là: Nếu không có tận thế sẽ đi du lịch tất cả chỗ nào em yêu cầu. Cuối cùng là không tận thế, thế là đành phải giải quyết! (Cười lớn)

	NSUT Chí Trung.

NSUT Chí Trung.

Ngày xưa anh chị đến với nhau như thế nào?

Chắc Thành con trẻ quá nên Thành không biết. Những người đồng lứa với mình đều biết là ngày xưa vợ chồng mình không thích nhau. Ngày xưa tôi cũng là hot boy, cũng nhiều cô gái trong đoàn thích mình.

Vợ mình không xinh lắm, nhưng rất duyên. Mới đây trên báo thấy vợ chia sẻ rằng hồi đó cô ấy nghĩ: “Cái thằng đấy có gì đâu mà xúm ghê thế nhỉ!”, còn mình thì cứ nhìn qua đầu mấy cô xúm vào mình để nhìn 1 cô không hề nhìn mình. Bản năng chinh phạt của 1 người đàn ông nổi lên.

Một chút sĩ diện mà cưới được vợ nha! Bây giờ giới trẻ lại sĩ diện bằng cách thể hiện rằng tôi có đẳng cấp, tôi chi xài thoải mái…

Mỗi thời kỳ 1 tiêu chí. Không nên lấy ngày xưa để áp dụng vào bây giờ. Bây giờ đi ăn đi chơi mà đến lúc thanh toán cứ đi vào nhà vệ sinh rồi né né thì cái loại đó không sống được. Vấn đề là phải làm chủ được chi tiêu, tiêu được thì kiếm được tiền.

Đôi khi con người chỉ vì 1 lời khích là phải làm cho bằng được. Theo anh, sĩ diện có nên hay không?

Gốc của sĩ diện là tự tôn đấy! Nhưng tự tôn quá độ lên, lúc nào cũng muốn đặt mình cao hơn chính bản thể của mình thì thành sĩ diện.

Hiện nay đa số người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng tự đặt mình ở vị trí cao hơn con cái để giáo dục chứ không phải là vị trí gần gũi với con hơn để chia sẻ và cảm thông. Anh nghĩ sao về điều này?

Cái đó nó cũng có cái lễ nghĩa rất tốt, nó tạo cho con người ta cách hành xử có trên có dưới. Nhưng nó cũng đặt con người ta vào tình huống bế quan tỏa cảng về sự thăng hoa. Không chỉ con cái mà cả bố mẹ cũng đóng khung, nói vui là gia trưởng. Nó là 1 nếp suy nghĩ chung: Bố mẹ là pháp lệnh, dù sai dù đúng con không được bàn cãi.

Thế hệ chúng tôi ngày xưa có thể chịu được. Nhưng thế hệ bây giờ thì không nghe. Bởi vì chúng đã hấp thụ lối suy nghĩ dân chủ.

Đây không phải là bố mang cho con hay con mang cho bố, mà là dân chủ giữa 2 thực thể. Cho dù 1 thực thể 8-10 tuổi, 1 thực thể 50 tuổi. 2 thực thể đó được bảo vệ từ khi bé đến lớn. Còn xã hội chúng ta thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Lối suy nghĩ đó bây giờ vẫn còn, ở 1 góc độ nào đó thì nó vẫn đúng. Nhưng vấn đề là chúng ta phải hiểu suy nghĩ của các con, phải đặt mình vào vị trí của chúng để dung hòa và môi trường gia đình luôn luôn phát triển.

Tôi không nói rằng gia đình tôi hay hơn gia đình các bạn. Nhưng tôi luôn tôn trọng con cái.

	Gia đình hạnh phúc của NSUT Chí Trung.

Gia đình hạnh phúc của NSUT Chí Trung.

Ở các nước phát triển hiện nay giáo dục bằng cách cho phép con được biện luận ngay cả khi nó sai. Sau khi nó nói, chúng ta mới đưa ra lý luận của chúng ta. Và lý luận nào hợp lý hơn sẽ thắng. Còn ở Châu Á và Việt Nam vẫn áp đặt, gia trưởng. Chúng ta trở nên dữ dằn, chửi bới, đánh đập khi con sai, khiến con sợ hãi, giận, ghét…

Chúng đóng cửa tâm hồn trước mắt mình.

Hiện nay cha mẹ dạy con nói xin lỗi mọi người nhưng lại không dám mở miệng nói xin lỗi con.

Không chỉ xin lỗi con, mà xin lỗi cả cấp dưới của mình cũng là điều chúng ta nên học. Tôi ủng hộ điều đó. Khi chúng ta xin lỗi, chúng ta là người nhận được nhiều hơn người được xin lỗi.

Có bao giờ anh xin lỗi đồng nghiệp và con?

Có chứ. Với con thì ít vì mình ít khi ép nó đến mức phải xin lỗi nó. Còn đồng nghiệp thì nếu tôi có lỗi tôi sẽ xin lỗi. Kể cả khi đồng nghiệp đó rất nhỏ tuổi.

Bây giờ con cái có suy nghĩ, có chính kiến riêng và nó sẽ cãi lại bố mẹ. Có nhiều khi bố mẹ không cãi lại được con. Cách đối nhân xử thế tốt nhất là cho nhau cơ hội để thể hiện chính kiến riêng, tạo nên sự bình đẳng. Chứ không nên áp đặt để tạo ra sự ức chế...

Tôi nghĩ là văn hóa xin lỗi, văn hóa phục thiện là điều nên có trong cuộc sống. Hãy tôn trọng chính mình bằng cách tôn trọng cảm xúc của người khác. Khi bạn nóng nảy, khi bạn sai thì người mệt nhất là chính bạn.

Xin lỗi là bạn giải tỏa với chính bạn và nhận được sự cảm thông từ người đối diện. Bố mẹ cũng cần học hỏi chứ đừng nghĩ là mình luôn đúng. Khi bạn đưa hoa cho đời thì đời mới đưa lại cho bạn 1 bông hoa. Xin lỗi làm cho mình đáng sống hơn.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng xin lỗi là 1 cách để hoàn thiện bản thân mình. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình lần sau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại