Thứ trưởng Ngoại giao: Hoa hậu nhầm tên nước là sỉ nhục

TS Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ ngoại giao lên tiếng nhắc nhở ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Vừa qua, sau khi sự việc treo nhầm ảnh Lạc Sơn Đại Phật - Trung Quốc chưa lắng xuống, Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đại diện cho đất nước đi tham dự cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới 2013 tại Trung Quốc đã đeo băng ghi sai tên nước, cầm cờ ngược, những hình ảnh này gây ảnh hưởng không ít đến quốc gia. Quan điểm của ông ra sao trước sự việc này?

Hoa hậu quý bà đeo dải băng in sai tên nước, cầm cờ Tổ quốc ngược, làm gì mà không tạo ra sự phẫn nộ cho xã hội, cứ trách bản thân Hoa hậu nhưng không trách những người tham mưu, cố vấn, phải chuẩn bị trước.

Chúng ta tham gia bao nhiêu kỳ thi của các Hoa hậu trên thế giới, tại sao lại để xảy ra những sai sót như vậy, nhưng sai sót này lại ảnh hưởng đến quốc gia vì nó đại diện cho quốc gia, mà không phải 1 tỉnh, 2 tỉnh hay một nhóm người xem chương trình này mà cả thế giới nhìn thấy trong đó có cả những nhà nghiên cứu Việt Nam học, những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, những chính trị gia, học giả, nhà khoa học, họ sẽ buồn cho chúng ta, người ta sẽ đánh giá thế nào về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Mà tôi cho rằng, hoạt động lớn gặp sai sót toàn rơi vào ngành văn hóa, du lịch. Được biết, Hoa hậu nào cũng được trau dồi kiến thức bài bản, từ lời nói, bước đi trước khi đi dự thi.

Sự việc này tôi thấy rất buồn cười mà dùng từ buồn cười còn nhẹ, không biết quảng cáo cho nem rán Việt Nam hay là hãng Nem quần áo, nhưng hãng quần áo họ cũng không ghi như vậy. Nhưng đúng là nem rán Việt Nam được ưa chuộng thật, nem Việt Nam cũng là một món ăn đem lại giá trị ẩm thực rất lớn cho văn hóa Việt.

Thế nhưng sao lại đeo "Viet Nem" trên người Hoa hậu, tôi cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của Hoa hậu mà còn cả Ban Tổ chức của Việt Nam.

Bản thân Hoa hậu cần rút kinh nghiệm, vẻ đẹp bên ngoài không nói lên điều gì nếu bên trong rỗng tuếch, bên trong chứa đựng nội dung sâu thẳm, hoàn chỉnh, có một tri thức tốt còn hơn sắc đẹp đơn điệu, vẻ đẹp bên ngoài chỉ nói lên một nội dung đơn sơ, nội dung bên trong con người đó đầy hay vơi, ít hay nhiều, đây mới là điều quan trọng, con người đánh giá bằng trí tuệ, bằng tâm đức, không phải sắc đẹp.

Thực sự chúng ta có thể tự hào vì trí tuệ Việt, nhiều lĩnh vực chúng ta có cá nhân trẻ tuổi rất giỏi, với đầy đủ ý nghĩa của chữ "giỏi".

Lãnh đạo Bộ văn hóa đã lên tiếng nói đây là lỗi vô tình chứ không cố ý nên dư luận hãy bỏ qua, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng đây chỉ là sự ngụy biện, khi sự việc xảy ra rồi người ta thường tìm mọi cách tránh khuyết điểm hoặc đổ lỗi, mà không chấp nhận sự thật, dũng cảm nhất nhìn thẳng khuyết điểm và nhận, tôi cho rằng không những BTC lên tiếng xin lỗi, xin lỗi ở đây không phải xin lỗi ngành văn hóa, du lịch mà xin lỗi nhân dân cả nước, công chúng, bạn bè quốc tế đã cổ vũ cho chúng ta.

Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo băng ghi sai tên nước

Vì đây là sự sỉ nhục chứ không phải là một lỗi nhỏ khuyết điểm. Và đây không phải cuộc thi Hoa hậu phường, Hoa hậu xã nên không thể rút kinh nghiệm ở phường, ở xã hoặc cử đi là xong.

Từ sự kiện này nhìn rộng ra việc quảng bá du lịch Việt Nam dễ thấy, chúng ta mới chỉ nỗ lực quảng bá những giá trị thiên nhiên sẵn có, và cũng không làm việc đó một cách chuyên nghiệp (quảng bá nhầm du lịch Trung Quốc), còn bỏ quên hoàn toàn những giá trị văn hóa khác biệt, như sự kiện Đại thi hào Nguyễn Du vừa được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Có thể lý giải thế nào về thực trạng này: do tư duy những người làm văn hóa du lịch, do cẩu thả tắc trách hay còn lý do nào khác?

Cái chúng ta cần khai thác để quảng bá cho hình ảnh đất nước con người VN ra bạn bè thế giới là khai thác những cái chúng ta đã có.

Một trong những thế mạnh của chúng ta, một trong những truyền thống của chúng ta là truyền thống văn hóa dân tộc, hai là sức mạnh tiềm tàng của chúng ta trong đời sống tinh thần người dân VN thông qua tác phẩm, những di sản văn hóa được TG vinh danh, chúng ta phải quảng bá cho cái đó, mà việc Unesco cũng ra Nghị quyết kêu gọi các nước tham gia kỷ niệm và vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta là một ví dụ.

Hiện nay, chúng ta quảng bá cho vịnh Hạ Long là đương nhiên, chúng ta phải quảng bá cho các khu dự trữ sinh quyển đã được công nhận, quảng bá rất mạnh cho các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo ra những sản phẩm du lịch thực sự chất lượng, hấp dẫn thì mới thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

Tôi cho rằng những khiếm khuyết của ngành du lịch vừa qua một phần là do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chính là ngành du lịch phải vạch ra một đường đi đúng, phải dũng cảm nhìn nhận vào những thiếu sót để có đường đi chính xác, đừng để những sự cố xảy ra rồi xin lỗi, toàn sự cố lớn mang tầm quốc gia, hãy nhận trách nhiệm và đừng đổ lỗi cho ai.

Việc quảng bá văn hóa du lịch ngày càng nhiều sai sót, thưa ông phải làm thế nào để khắc phục điều đó?

Theo tôi ngành du lịch còn những khuyết điểm, tôi nói từ đầu năm trở lại đây chưa rút ra kinh nghiệm xương máu mà vẫn cứ tiếp tục, thậm chí những lỗi sau nặng hơn lỗi trước, có nghĩa không có sự biến chuyển tiến bộ, khách du lịch vẫn kêu rất nhiều, chặt chém vẫn có, tổ chức những đoàn lữ hành chưa đảm bảo chất lượng, đeo bám khách vẫn có, về chất lượng các sản phẩm du lịch, khách du lịch còn phản ánh rất nhiều.

Là một người làm trong ngành ngoại giao, rất hiểu về vấn đề quảng bá hình ảnh đất nước, ông có nhắn nhủ gì với lãnh đạo ngành văn hóa du lịch trong cách du lịch của Việt Nam hiện nay?

Ngành du lịch có quá nhiều thiếu sót mà không có sự khắc phục, mà tôi cho rằng là không chịu tìm tòi, khắc phục, cứ nói rồi lại thôi. Sau đó lại xảy ra sự cố toàn sự cố chết người cả, xong lại xin lỗi, rút kinh nghiệm, không hiểu xin lỗi, rút kinh nghiệm đến bao giờ.

Đã đến lúc ngành văn hóa, du lịch nói chung, phải có một bước chuyển đổi cơ bản, trước hết đánh giá lại đội ngũ lãnh đạo, năng lực nguồn nhân lực đã đáp ứng được các yêu cầu hiện nay hay chưa. Tôi cho rằng chúng ta có nhiều thế mạnh, nhưng chúng ta không biết làm, chưa biết khai thác thế mạnh của văn hóa dân tộc, truyền thống dân tộc thông qua các di sản văn hóa đã được công nhận để quảng bá, áp dụng đưa vào sản phẩm trong nước, không thể làm du lịch chộp giật được.

Với một quốc gia nhiều di sản, một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời có nhiều cảnh quan tuyệt mỹ, việc du khách chỉ đến 1 lần và không trở lại chúng ta phải đặt câu hỏi lớn cho ngành du lịch chứ, nguyên nhân ở đâu, chúng ta thiếu chính sách, chúng ta thiếu bước đi cụ thể, căn cơ, tất cả mọi việc thiếu những con người làm du lịch có nghề, không những phải có chính sách, bước đi và quan trọng phải dám nhìn thẳng vào sự thật có giải pháp đột phá để thay đổi.

Phải có chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy tổ chức bộ máy ngành du lịch, trong nhân sự con người làm công tác du lịch. Những sự việc vừa qua lại một lần nữa đánh lên hồi chuông báo động cho ngành du lịch thức tỉnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại