Thu Minh hát ca khúc "đả kích ngành đường sắt Việt Nam"

Tường Vy |

(Soha.vn) - Ca khúc “Tàu anh qua núi” do Thu Minh trình bày trong chương trình Giai điệu tự hào đã làm dấy lên 1 cuộc tranh luận về thực trạng ngành đường sắt Việt Nam.

Bước ra từ mô hình đoàn tàu Thống Nhất, Thu Minh đã khiến cả khán phòng sôi động với màn trình diễn sôi động của mình. Có thể coi đây là một trong những điểm sáng nhất về âm nhạc trong số phát sóng thứ hai của Giai điệu Tự hào.

Thu Minh máu lửa với Tàu anh qua núi.

Thu Minh máu lửa với Tàu anh qua núi.

Tuy nhiên, không khí vui tươi của phần biểu diễn không kéo dài được lâu, khi bắt đầu phần bình luận của mình Thạc sĩ – Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đã lắc đầu ngao ngán và dùng chữ “buồn” để nói về thực trạng ngành đường sắt trong nước.

“Con tàu đầu tiên nối liền hai miền Nam Bắc cách đây gần 40 năm rồi nhưng cho tới tận bây giờ chúng ta vẫn thấy rõ ngành đường sắt là một trong những ngành phát triển kém nhất. Đường ray nước ta nâng cấp mãi cũng chỉ giữ khổ 0,8m, tôi không biết đến bao giờ chúng ta mới có hệ thống đường ray 1m45. Tôi chỉ dùng được một từ “buồn!”.

Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Nam Anh, Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương cho rằng: “Quốc Trung đã cố tình chọn cho bản phối mới một nhịp điệu nhanh, mạnh tương phản hoàn toàn với thực trạng của ngành đường sắt.”

Chỉ duy nhất Anh hùng quân đội Minh Quang, người đầu tiên được bước chân lên chuyến tàu lịch sử năm 1976 đã lên tiếng thanh minh: “Người ta nhận xét dịch vụ giao thông vận tải theo 3 tiêu chí: Tốc độ, dịch vụ và an toàn. Xin thưa với quý vị khán giả, trong tất cả các loại phương tiện hiện có ở Việt Nam thì vận tải đường sắt là loại hình vận tải an toàn nhất!”.

Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ kỷ niệm khó quên về dịch vụ của ngành đường sắt.

Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ kỷ niệm khó quên về dịch vụ của ngành đường sắt.

Ý kiến này ngay lập tức đã nhận được sự phản bác của Phó giáo sư Văn Như Cương. Ông kể, có lần ông đi công tác bằng tàu hỏa, ông bị đám trẻ hai bên đường ném đá trúng đầu, chảy rất nhiều máu. Cả khoang tàu không có bất cứ một nhân viên y tế nào đến giúp đỡ cả. Như vậy vấn đề an toàn và dịch vụ của ngành đường sắt tốt là điều không phải. Còn với tiêu chí vận tốc thì tàu hỏa Việt Nam chạy chậm như rùa.

Cuộc đối thoại nảy lửa của hai hội đồng khách mời của chương trình có chút nào giảm nhiệt hơn nhờ phần bình luận hài hước của Giáo sư Cù Trọng Xoay: “Năm tôi 4 tuổi, có lần cả gia đình tôi đi tàu vào Nam thăm bố đóng quân. Suốt 3 ngày 3 đêm trên tàu, bằng trí nhớ ít ỏi của mình, tôi vẫn nhớ lúc đó còn rất nhiều xác xe tăng, máy bay hai bên đường.

MC Cù Trọng Xoay cũng có những kỷ niệm khó quên về những chuyến tàu hỏa.

MC Cù Trọng Xoay cũng có những kỷ niệm khó quên về những chuyến tàu hỏa.

Tất nhiên là khi ấy đội ngũ đồng nát chưa phát triển như bây giờ! Tôi nhớ như in cảnh người ta bán nước rửa tay, đồ ăn ở mỗi ga tàu dừng lại. Rồi mẹ tôi phải thức trắng đêm để canh những người móc túi trên tàu còn anh em tôi chỉ mải móc trộm chôm chôm của mẹ.

Rồi cả tiếng cộc cộc cộc của bánh tàu chạm vào đường ray. Nghe bản phối của NSND Thanh Hoa tôi có cảm giác mình được quay trở về đúng con tàu tôi đã đi ngày ấy. Còn với bản phối mới của nhạc sĩ Quốc Trung này thì tôi lại liên tưởng tới tàu con thoi nối liền giữa các hành tinh trong truyện tranh Doremon”.

Có thể thấy, mỗi tác âm nhạc xuất hiện trong chương trình Giai điệu Tự hào không đơn thuần chỉ là một tiết mục giải trí. Mỗi tác phẩm đều được gắn với hoàn cảnh ra đời và quy chiếu dưới góc nhìn hiện đại.

Cũng trong phạm vi chương trình “Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình” hai ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” qua phần thể hiện của ca nương Kiều Anh là ca khúc có tỷ lệ bình chọn tổng hợp cao nhất với 75,06% . Tác phẩm “Tôi là người thợ lò” qua tiếng hát của NSND Quang Thọ có tỷ lệ bình chọn tổng hợp cao thứ nhì với 68,06%. Hai ca khúc này sẽ là hai đại diện đầu tiên bước vào Gala vinh danh cuối năm của Giai điệu Tự hào, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu năm 2015.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại