Nobuyuki Tsujii: Tôi nghe được cảm xúc từ khán giả

25 tuổi, Nobuyuki Tsujii hiện đang là pianist lừng danh của Nhật Bản và đầy tiềm năng trên trường quốc tế, tiếng đàn trong sáng và mạnh mẽ như thể mang tới "sự hiện diện của Chúa trời" (lời của Van Cliburn). Anh sẽ trình diễn tại Việt Nam vào tối 19 & 21/06 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Nobuyuki Tsujii đoạt giải nhất tại cuộc thi Van Cliburn năm 2009 đã xuất hiện rất nhiều bài báo cũng như lời bàn tán về anh. Một số người cho rằng không chỉ bị mù, Tsujii còn có thể mắc chứng tự kỉ, hội chứng Down hay là một "idiot savant" (kẻ ngốc thiên tài - chỉ một người có vấn đề về thần kinh và rất giỏi ở một lĩnh vực đặc biệt nào đó). Bởi Tsujii có phong thái lạ, thường hay lắc đầu không ngớt. Đặc biệt, bài báo của tác giả Michael Johnson trên trang Facts And Arts còn tuyên bố, Tsujii có vấn đề về thần kinh (“mentally handicapped”).

Bài báo đã gây phẫn nộ trong cộng đồng người hâm mộ. Tim Harris - giáo viên của Tsujii tại Ueno Gakuen, Nhật Bản bình luận: "Tôi kinh hoàng trước những mô tả thiếu trách nhiệm của anh về cậu ấy. Tsujii là một chàng trai trẻ thông minh. Tôi nghĩ anh nên rút lại điều mình nói và xin lỗi."

Nobuyuki sinh ra đã không thể nhìn thấy, cậu ấy không bao giờ có cơ hội quan sát để biết cái mà chúng ta gọi là "hành động bình thường". Cậu ấy có tài năng phi thường về âm nhạc và chỉ tình yêu với âm nhạc, và có thể sẽ không bao giờ nhận thức về những vấn đề thường nhật như anh và tôi phải đối mặt. Điều này, tôi nghĩ, đã đem lại sự trong sáng, ngây thơ mà những người hâm mộ đều yêu quý. Nó không có nghĩa rằng cậu ấy sống trong một thế giới khác với chúng ta.

Khi phóng viên VietNamNet gặp Nobuyuki Tsujii tại khán phòng Học viện âm nhạc quốc gia VN chiều 18/06, có thể thấy đó là một chàng trai thông minh, hay cười, trông vô cùng giản dị với cặp chéo và đồ mùa hè - dù hành động lắc đầu không ngớt có thể gây thắc mắc cho một vài người không có các thông tin trước.

Nobuyuki Tsujii rất thoải mái với ekip 4 người của mình, anh cười to và nói đùa với họ bằng tiếng Nhật (Tsujii không nói tiếng Anh). Cái cách Tsujii trả lời phỏng vấn đài truyền hình Việt Nam cũng rất tự tin và ung dung, không cần nhờ ai trợ giúp.

Anh bắt đầu chơi đàn như thế nào, Nobuyuki Tsujii? 

- Mẹ tôi mua cho tôi một cây đàn đồ chơi khi tôi khoảng chừng 1 tuổi, và tôi chơi suốt cả ngày, bắt chước tiếng mẹ hát và ứng biến. Khi 4 tuổi, tôi bắt đầu học với giáo viên chuyên nghiệp. Cô luôn khuyến khích tôi chơi bất cứ thứ gì tôi muốn.

Nobuyuki Tsujii, Việt Nam, Nhật Bản, nghệ sĩ mù, Van Cliburn
Nobuyuki nói rằng, anh thích được coi là một nghệ sĩ piano hơn là một nghệ sĩ mù

Anh học một bản nhạc mới như thế nào? Anh thích tự nghe những bản thu âm hay có ai đó sẽ nghiên cứu bản nhạc cho anh?

- Tôi học qua hệ thống chữ nổi Baille (không có nhiều bản nhạc được viết cho hệ thống này), và một phương pháp khác của giáo viên. Tôi nhờ trợ giảng ghi âm lại bản nhạc trên băng cassette, mỗi tay riêng biệt. Họ sẽ chơi phần tay phải riêng và ghi lại nó, sau đó chơi tiếp phần tay trái. Cần phải ghi âm 2 bản như vậy bởi vì mỗi tay lại chơi một quãng âm khác nhau.

Sau khi đã ghi âm xong, trợ giảng sẽ chia nhỏ bản nhạc thành các phần và chú thích mục đích của tác giả. Để hiểu được bản nhạc một cách rõ ràng và chính xác nhất có thể, tôi yêu cầu họ đừng trình diễn theo phong cách riêng. Sau khi nhớ các bản ghi này, tôi cố gắng kết hợp âm thanh của mỗi tay và đồng thời cũng tách biệt chúng với nhau. Đây là cách tôi tạo ra lối chơi của riêng mình.

Khả năng nghe của anh rất tinh nhạy. Anh có thể biết khi nào khán giả đặc biệt xúc động hoặc hào hứng?

- Có, tôi có thể "bắt được" tín hiệu khi khán giả xúc động, ngạc nhiên hoặc hờ hững với những giai điệu của cây đàn. Nếu tôi nhận thấy những phản hồi tích cực từ khán giả, nó sẽ động viên tôi rất nhiều.

Khi đến một thành phố mới để trình diễn, điều đầu tiên mà anh chú ý là gì?

- Để có được cảm quan về thành phố, tôi thường dạo bộ và lắng nghe âm thanh của nó. Tôi cố gắng để cảm thấy những cơn gió nhẹ và cả hương thơm.

Ví dụ, anh có thể mô tả âm thanh của thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ? (Tsujii lưu diễn tại đây tháng 11/2011)

- Tôi có thể nói rằng thành phố có âm thanh hỗn tạp.

Ngoài chơi đàn ra anh còn thích những hoạt động nào?

- Tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi khi chơi piano, tôi không thể tưởng tượng mình sẽ không chơi đàn. Nhưng tôi thích bơi để cảm thấy mình khỏe lại. Khi có thời gian, tôi cũng thích rời khỏi thành phố để lắng nghe bài ca của lũ chim, tiếng rì rào của dòng sông, cách những ngọn gió thổi. Tất cả những điều này đều tạo cảm hứng để tôi sáng tác những tác phẩm nhỏ.

Anh có dùng iPod không? Và anh nghe nhạc gì trên iPod? 

- Có, tôi có một chiếc iPod cho mình. Nó đủ các thể loại nhạc, nhưng nhiều nhất vẫn là nhạc cổ điển  – Chopin, Debussy.

Nobuyuki Tsujii, Việt Nam, Nhật Bản, nghệ sĩ mù, Van Cliburn
Nobuyuki Tsujii biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng BBC

Nghệ sĩ mà anh yêu thích? 

- Tôi thích Kissin, Cortot, Lipatti và Horowitz... Một số các bản như Barcarolle của Chopin thì tôi thích nghe Artur Rubinstein chơi. Concerto số 1 của Chopin do Krystian Zimerman (một nghệ sĩ Ba Lan) chơi.

Buổi trình diễn đầu tiên của anh đã diễn ra như thế nào, Tsujii?

- Đó là một mùa hè nóng nực, tôi ước rằng mình có thể đến bể bơi để thỏa sức vẫy vùng. Tôi đã căng thẳng trong khoảng 1 tuần trước khi buổi recital (độc tấu) diễn ra, và sau đó, ngày nào cũng tập luyện liên tục hàng giờ một cách bất thường. Buổi hòa nhạc đầy những bất ngờ. Tôi cúi chào rất nhiều lần mỗi khi chơi xong một bản, tự hỏi mình phải làm gì với những tiếng vỗ tay.

Trong phần chơi thêm, tôi đã chơi rất nhiều, trong đó có một bản tên là “Street Corner of Vienna” (Góc phố của Vienna) do tôi sáng tác, dựa trên cảm xúc khi tôi tới thành phố này. Vienna rất bình yên và thư thái. Trong tương lai, tôi muốn mình được đi du lịch nhiều nơi và ghi nhớ thật nhiều bản nhạc. Tôi cũng muốn cố gắng chơi đàn ngày càng tốt và trình diễn ngày càng hay hơn.

Xin cảm ơn anh!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại