Thế nhưng có đến rạp rồi, cảm giác đọng lại của hầu hết khán giả sau 90 phút chu du cùng “Tí Anh”, “Tèo Em” lại chỉ được gói gọn trong 2 từ: Thất vọng!
Được dựng theo motip hài hành trình từng thấy ở một số phim rất nổi tiếng như Due date (Đen đủ đường), Losst in Thailand (Lạc lối ở Thái Lan), cộng thêm sự góp mặt của Thái Hòa, gương mặt được mệnh danh là “Vua phòng vé”, “Tèo Em” hẳn nhiên là rất đáng để chờ đợi.
Nhưng sự kỳ vọng lớn nhất trong năm của phim Việt đã sụp đổ xung quanh một chữ “quá”.
Đầu tiên là cái lý do để Tí Anh khởi đầu cuộc hành trình đi cứu vãn tình yêu với cô bạn gái xinh đẹp đang bên bờ vực đổ vỡ, được tạo ra quá đơn giản đến mức khó chấp nhận.
Một anh doanh nhân thành đạt sẵn sàng vứt bỏ tất cả vì người yêu như Tí Anh. Một cô gái thậm chí chấp nhận lấy người mình không có tình cảm chỉ để không mang tội với cái thai trong bụng, thì không thể giận nhau đến mức đường ai lấy đi theo kiểu trẻ mới lớn được.
Chính vì cái nút thắt quá lỏng ấy nên ở phần sau của phim Tí Anh và Tèo Em đã phải cùng nhau đi “đường vòng”, để khán giả có thể hiểu mối liên hệ giữa 2 nhân vật này và lý do họ… đến với trái đất.
Những hình ảnh này ở Thái Hòa đã trở thành cũ kỹ.
Ở phim “hài hành trình”, diễn tiến câu chuyện sẽ nằm ở chính hành trình, nơi các nhân vật từ xung khắc với nhau rồi qua các biến cố, họ sẽ đồng cảm và sát cánh bên nhau nhiều hơn.
Người yêu thích thể loại này nếu từng xem qua Due Date, đã thán phục từng sắc thái tính cách, đến chi tiết mỗi bước đi, lời nói, cách nghĩ chứa đựng sự tinh tế trong diễn xuất của Zach Galifianakis và Robert Downey, thì hẳn nhiên sẽ không thể “tiêu hóa” nổi sự hời hợt, một màu của Tèo Em, Tí Anh.
Suốt chiều dài phim mọi cảnh quay đều diễn ra quanh 2 nhân vật Tèo và Tí, thế nhưng điều đáng nói là họ gần như không có “đất” để mà diễn. Màn ảnh rộng gần như biến thành sân khấu kịch nói với 2 cái “máy nói” Tèo Em và Tý Em “bắn” không ngừng nghỉ.
Trong Due Date, đạo diễn Nodd Phillips từng chia sẻ: “Nhiều chi tiết gây cười chỉ xuất hiện trong quá trình quay”, nghĩa là sự sáng tạo của cả ekip làm phim được mở rộng không biên giới. Bởi đơn giản phim hài không thể là toán học, bản chất của nó là ngẫu hứng như jazz.
Thế nhưng ở “Tèo Em” cái chất jazz là chỉ là điều không tưởng. Diễn xuất của Trí Nguyễn vẫn không thoát ra được hình ảnh khô và rất kịch thường thấy.
Với Thái Hòa, cách chọc cười kiểu “đao đao”, kết hợp giữa những động tác hậu đậu, câu nói ngô nghê hay “khoe” lập lờ những phần kín của cơ thể cũng bắt đầu trở lên quen thuộc, cũ kỹ.
Trí Nguyễn rất hợp với đóng kịch.
Diễn viên chính là thế, 2 gương mặt đẹp được chờ đợi trong các vai phụ là Ninh Dương Lan Ngọc và Đinh Ngọc Diệp cũng chả có gì để mà thể hiện. Khuôn mặt trong sáng, thông minh của Lan Ngọc không phù hợp khi hóa thân thành một bình hoa di động.
Trong khi đó, Ngọc Diệp chỉ có vài phút nhập vai bà bán vé ở bến xe bị cường điệu quá mức trong cả lời thoại và diễn xuất.
Trên thực tế, với một số chất liệu tốt như cảnh quay trên cây cầu bị cụt, vật lộn với cá sấu, gặp gỡ ông chủ nhà có con gà quý hay cảnh mua vé ở bến xe… nếu bớt đi sự cường điệu để sáng tạo hơn trong cách giải quyết các vấn đề thì chắc hẳn “Tèo Em” sẽ bớt “sạn” đi rất nhiều.
Trong lúc sự cuốn hút của phim ngày càng nhạt theo trình tự thời gian, thì ngay cái kết “Tèo Em” cũng không làm được việc cởi cái nút thắt hờ ở phần đầu sao cho dễ chấp nhận.
Kịch bản “Tèo Em” có lẽ muốn làm một cú đóng máy kiểu vừa cảm động, hài hước lại nhân văn, nhưng vì quá hời hợt và công thức nên màn kết trở thành thiếu thực tế, sáo rỗng và sến sẩm đến rùng mình.
Màn kết sến sẩm đến rùng mình.
Sau những chiêu PR đình đám, “Tèo Em” vẫn không thoát khỏi cái lối mòn hài nhảm, vụng về và cẩu thả. Rời rạp, nhiều người xem không khỏi có cảm giác nuối tiếc vẻ chân chất nhưng đầy biến hóa của Tèo (Long Ruồi), hay nét ưu tư, nội tâm mà không thiếu dí dỏm của Hội (Để mai tính).
Nếu Thái Hòa tiếp tục với những vai diễn như Tèo Em, e rằng danh xưng “Vua phòng vé” sẽ sớm rời bỏ anh trong nay mai…