Những ngày qua, câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Đàm Vĩnh Hưng đã gây xôn xao dư luận khi vị nhạc sĩ lão làng lên tiếng thẳng thắn nhận định về một số ca sĩ thuộc hàng "top" hiện nay, trong đó có Đàm Vĩnh Hưng. Trước những lời phê bình đầy thẳng thắn của nhạc sĩ Buồn ơi chào mi, Mr Đàm đã có những phản pháo, thậm chí còn gọi ông là "ngụy quân tử". Điều này đã gây bất bình trong dư luận về cách hành xử của "ông hoàng" nhạc Việt.
Để rộng đường dư luận, báo Infonet đã có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Dương Thụ, người cùng thời với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về những vấn đề liên quan.
Gọi “ngụy quân tử” là hỗn láo!
Vừa rồi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một bài phỏng vấn đã đưa ra những lời nhận xét “sự thật mất lòng” về một số ca sĩ khá nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam. Là người cùng thời, ông có đồng quan điểm với Nguyễn Ánh 9 hay không?
Cá nhân tôi thấy nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét đúng. Là người có khoảng thời gian lâu năm gắn bó với âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có quyền đưa ra những nhận xét của riêng mình. Ông vừa là nhạc sĩ lại vừa giỏi chuyên môn (piano) và có công đưa tên tuổi nhiều ca sĩ thành danh thì vị nhạc sĩ ấy có cách nhìn riêng cũng là lẽ thường.
Ở góc độ của tôi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có chê dàn ca sĩ mà tôi khen như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung… tôi cũng thấy bình thường, không có gì phải phản đối hay tức tối. Mà theo tôi, ngay cả khi ý kiến có không đúng đi chăng nữa thì cũng nên dành sự tôn trọng đối với các bậc tiền bối. Tôi nghĩ không nên nói nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là ngụy quân tử. Như thế là hỗn láo!
Có một điều thế này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói nếu chỉ có kỹ thuật thì các ca sĩ không thể chinh phục được khán giả, nhưng tôi thấy cũng phải hiểu và thông cảm cho các ca sĩ. Có những lúc họ mệt mỏi, có lúc họ bị chi phối bởi nhiều điều khác nhau như hợp đồng, khán giả… vì thế những lúc đó mà đòi hỏi họ hát phải có hồn thì quả thực vô lý. Tạo được tên tuổi Thanh Lam đến giờ phút này rồi thì không thể nói rằng cô ấy hát không có hồn được.
Ông cũng là người nổi tiếng bởi sự khó tính và thẳng thắn. Vậy nếu như phải nhận xét một ai đó một cách thẳng thắn, ông có ngại người đó sẽ giận mình?
Cuộc đời mà. Ngay trong gia đình, anh em, bố mẹ ruột thịt cũng có lúc giận nhau huống chi người ngoài. Vậy nên tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó. Nếu ai đó giận tôi có thể bỏ đi và không gặp mặt. Chứ không bao giờ hy vọng mình sống được như mình muốn.
Tôi cũng vụng và cũng có nhiều sai sót lắm chứ nhưng tự mình thì không thể rút kinh nghiệm được. Mình vụng mình đánh đổ cốc nước là đương nhiên, vì nếu không đổ cốc thì cũng đánh đổ thức khác. Quan trọng nhất là phải luôn luôn giữ sự trong sạch, giống như cốc nước trắng không nên để lẫn những thứ khác vào, phải giữ trong để nhìn cho rõ. Mà trong sạch thường kèm theo thẳng thắn. Mà người thẳng thắn lại rất nhạy cảm.
Tôi quý nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ hơn tôi 2 tuổi nên cũng không phải quá già để nói 2 thế hệ khác nhau quá xa. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét rất đúng, chỉ có điều ông không gần gũi với những ca sĩ trẻ như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung như với tôi.
Tôi có điều kiện làm việc, hợp tác với đa số những cái tên đã “bị” nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 “điểm danh” như vừa rồi. Tôi đã cùng họ ở trong phòng thu dựng bao nhiêu album với họ, tôi biết biết có lúc cô này hay vì sao, có lúc cô kia chưa hay vì sao. Tôi thấy đánh giá con người, nhất là nghệ sĩ, không chỉ thấy hát một bài không được ngay lập tức đánh giá là không được.
Ví dụ như trường hợp Thanh Lam chẳng hạn, làm sao cô ấy hát được những bài của Sài Gòn cũ khi cô sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Không gặp "tai nạn" làm sao được. Văn hóa nào sinh ra kiểu người đó. Hay như hát nhạc Phạm Duy chỉ có Thái Thanh, cái giọng quý phái, mắng con sen người ở, giọng thành thị mới hát được.
Phê bình: Ném đá giấu tay?
Ông nhìn nhận thế nào về phê bình âm nhạc hiện nay? Tại sao khen thì không sao nhưng hễ cứ động đến chê là một số nghệ sĩ lại “sửng cồ”?
Bạn cũng biết rằng phê bình rất khó. Người Việt Nam xưa nay không quen nghe phê bình nên hiệu quả phê bình không tới. Thường mọi người cho rằng phê bình là phải chuẩn mực, phê bình chỉ là cái góc của người này nhận xét về cái kia, có thể tốt, có thể không, còn người bị phê bình thì có thể tiếp nhận đến đâu thì tiếp nhận, không ép họ được.
Và cũng vì nó khó nên nhiều người ngại. Mà cả xã hội có nỗi sợ hãi, luôn sợ hãi bị sao đó, ai cũng muốn an toàn. Có người trước mặt thì xuýt xoa: “Ông Thụ là Beethoven Việt Nam”, nhưng hiểu lầm đó, đằng sau vẫn là ném đá.
Một người như Nguyễn Ánh 9 là rất hiếm, là một sự dũng cảm, rất hồn nhiên. Hồn nhiên vì không có nỗi sợ hãi nào. Còn phần lớn có nỗi sợ, điều này cũng không trách được vì do hoàn cảnh xã hội thôi, nói sai là bị phạt, nhỡ mồm là mất việc, bị kỷ luật. Thế là cứ tự nhiên để an toàn thì phải khen nhau, muốn chê thì chê sau lưng chứ chê trước mặt nó trả thù là mình chết. Có những người luôn nói xấu người khác khi người ta vắng mặt. Theo tôi, đừng nên ném đá giấu tay như vậy.
Hiện nay, nhạc thị trường đang lấn át nhạc nghệ thuật. Theo ông làm thế nào để cân bằng giữa hai dòng nhạc cũng như làm sao để đưa nhạc nghệ thuật đến gần hơn với công chúng?
Tôi không đánh giá dòng nhạc nào hay dòng nhạc nào dở. Quan điểm của tôi, nhạc gì thì nhạc, khán giả phải nghe được, phải cảm nhận và rung động được. Âm nhạc sinh ra là để nghe chứ không phải để xem. Thế nhưng hiện nay thì âm nhạc đang trở thành “kép phụ” của nghệ thuật. Thời trang cũng có nhạc, nhảy múa cũng có nhạc. Hãy trả âm nhạc về đúng vị trí của nó.
Với tư cách là nhạc sĩ, tôi muốn mọi người trước hết là phải được nghe nhạc. Chúng ta vẫn có yếu tố “xem” để bổ sung chứ không át đi yếu tố “nghe”. Giải trí nên ở đúng vị trí của nó vì nhạc thị trường sẽ không mất đi đâu, nó mang tính giải trí thì nó vẫn tồn tại.
Theo tôi, cố gắng nhất hiện nay là làm thế nào để xây dựng được công chúng âm nhạc. Công chúng âm nhạc phải hiểu nhạc, chứ chỉ nghe không thì chưa phải. Nếu vậy, đi vào quán thịt chó mà có nhạc cũng gọi là nghe nhạc thì gọi gì là công chúng nữa. Và muốn mọi người yêu âm nhạc, khen hay thì trước hết các nghệ sĩ phải làm tử tế đã.
Xin cám ơn ông!