Nói đến sức mạnh của báo chí, cảm nhận riêng của Ngọc Quyên thế nào?
Với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như chúng tôi, tin tức báo chí có sức mạnh rất lớn. Chúng tôi là người của công chúng và thông qua các tin tức, các bài viết, những hình ảnh. Những người làm báo đã tạo cầu nối giúp nghệ sĩ và công chúng gần nhau hơn.
Một người nghệ sĩ không thể tiếp cận hàng ngàn người nếu như không có sự giúp đỡ của báo chí. Những bài viết sinh động, mô tả chân thật luôn có sức mạnh to lớn trong việc đưa tên tuổi của nghệ sĩ bay xa hơn, cao hơn.
Tôi chỉ xin nói về cảm nhận của mình ở mảng văn hóa giải trí. Theo tôi, báo chí, tin tức điện tử miêu tả rất chân thật về sự phát triển của showbiz Việt. Tuy nhiên trong hàng loạt bài viết cũng cái có những cái đúng, có cái chưa chuẩn xác lắm.
Những thông tin sai sự thật và gây hiểu nhầm luôn là những áp lực rất lớn từ báo chí mang lại cho nghệ sĩ Việt. Đặc biệt cách khai thác triệt để scandal luôn khiến nghệ sĩ "đứng tim".
Thực ra trong cuộc sống, con người không phải ai cũng toàn vẹn. Sai sót là điều không thể tránh khỏi. Nếu ai tự vỗ ngực xưng mình là người hoàn hảo thì quá phi phàm rồi. Cái hay của những bài bình luận, phân tích là giúp nghệ sĩ Việt nhìn được cái sai và nhanh chóng thay đổi và tạo cho họ có cơ hội mới.
Chính tôi là người có cơ hội thoát ra khỏi cơn bão scandal nhờ phần lớn ở báo chí. Nhờ đó mà tôi có cơ hội thay đổi và xây dựng một hình ảnh mới, chiếm được cảm tình ngày một nhiều hơn của đông đảo độc giả.
Điều chị thích và không thích của thời đại thông tin bùng nổ?
Sự xuất hiện của hàng loạt trang tin tức điện tử đã giúp showbiz Việt vốn sôi động lại trở nên náo nhiệt hơn. Sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả cũng được nhân lên. Nhiều nghệ sĩ được sống trong sự nổi tiếng cũng nhờ phần lớn ở cách truyền tải thông tin của nhiều trang tin tức điện tử, báo mạng.
Tôi cũng như bao nghệ sĩ khác đều vô cùng thích thú với điều này, được quan tâm, được mến mộ và yêu thích một cách nhiệt thành.
Song chúng tôi ai cũng muốn có một khoảng trời riêng của mình. Khi đã là người của công chúng thì lại phải sống vì bản thân ít đi, từ bỏ nhiều thứ riêng tư.
Cá nhân tôi thì không thích việc tò mò quá sâu về đời sống riêng tư. Đặc biệt là cách khai thác tỉ mỉ của một số người chưa thực sự hiểu sâu và tường tận vấn đề. Đôi lúc chính điều ấy làm nghệ sĩ bị tổn thương.
Làm việc với các phóng viên báo mạng, cảm nhận về họ của chị thế nào?
Tôi thấy hầu hết các bạn phóng viên báo mạng rất trẻ trung, khi tiếp xúc với họ tôi cảm thấy thoải mái và rất gần gũi.
Nhưng đôi khi tôi cũng khá ngỡ ngàng bởi giữa câu chuyện trong quá trình phỏng vấn và nội dung trên mặt báo lại có nhiều chi tiết không mấy liên quan.
Bản thân tôi cũng gặp một số trường hợp “khóc dở, mếu dở” với vài bài viết mang đến ác cảm trong ánh nhìn của độc giả.
Tôi nghĩ có lẽ giữa tôi và người phỏng vấn có nhiều điểm chưa thực sự hiểu nhau nên đã dẫn đến những “tai nạn” đáng tiếc đó.
Chị nghĩ sao khi một sáng thức dậy mà báo mạng, trang tin tức điện tự đột nhiên biến mất?
Nếu đó là sự thật thì tôi sẽ rất buồn. Chia sẻ thực lòng thì có tính cá nhân chút đỉnh, chắc chắn lúc ấy mọi người sẽ không biết đến mình nữa. Đường dây kết nối giữa tôi và công chúng bị đứt đoạn.
Khi đó tôi và các nghệ sĩ hoạt động trong showbiz dường như chỉ làm cho chính bản thân mình cảm nhận. Khán giả không còn nhiều cơ hội để biết đến các hoạt động của nghệ sĩ. Khái niệm về sự cống hiện cũng khó lòng tồn tại.
Đơn giản một điều là đâu phải khán giả lúc nào cũng luôn ở bên cạnh mình và số đông không cơ hội tham gia tất cả các hoạt động của làng văn hóa giải trí việt.
Thông qua các trang tin tức điện tử, công chúng ở nhiều vùng miền khác nhau có thể nắm bắt thông tin một cách dễ dàng và trọn vẹn. Dù rằng cái họ nhận được không sinh động như khi được chứng kiến trực tiếp, nhưng dù sao mỗi tin tức đều mô tả một cách cụ thể về nhịp sống sôi động của showbiz Việt.
Thói quen đọc báo hàng ngày của chị?
Thành thật mà nói, thói thường tôi chỉ đọc những bài có đề cập đến mình thôi. Sau mỗi show diễn, mỗi chương trình tôi rất háo hức xem hình ảnh của mình ra sao, mọi người phản ánh thế nào.
Từ đó có cách xây dựng để công việc của mình tốt hơn. Tiếp đến là những tin tức đang làm nóng dư luận và được mọi người quan tâm.
Ngày xưa tôi khá lười ra sạp báo, nhưng từ ngày có các trang tin tức điện tử đã giúp tôi rất nhiều trong việc cập nhật thông tin. Với báo mạng và các trang tin điều gây sức hút cho tôi là những cái tít kích thích trí tò mò. Với những cái tít ấn tượng tôi luôn click chuột vào ngay để đọc tin tức, bài viết đó.
Trong làm báo, "giật tít" được xem là một nghệ thuật. Nhưng trên thực tế có nhiều tiêu đề lại khiến sao Việt choáng váng. Chị nghĩ sao về điều này?
Kể đâu cho xa xôi, chính tôi là người bị choáng hoài. Nhiều cái tít quá hoành tráng, tuy nhiên nội dung lại đơn giản. Một số độc giả có thói quen chỉ xem tít, rồi tự quy kết nội dung. Điều này cũng ảnh hưởng không tốt lắm đến nghệ sĩ.
Cái tít hấp dẫn luôn lôi cuốn độc giả, cá nhân tôi cũng không ngoại trừ. Nhưng có rất nhiều tiêu đề nặng lời lại khiến nghệ sĩ bị tổn thương. Ví dụ có nhiều bài chê, bài “đánh đập” dùng quá nhiều từ gây sốc.
Một điều dễ nhận thấy là sao Việt thường giãy nảy khi bị chê về phong cách, phải chăng mọi người quá tự tin ở bản thân?
Ngay cả bản thân tôi cũng không ít lần giãy nảy khi bị chê xấu. Ai cũng có cái tôi và có những quyền tự do riêng. Nhưng cũng không thể nào bỏ ngoài tai những ý kiến của dư luận. Tôi nghĩ tiếp thu và sửa đổi là điều quan trọng.
Lẽ dĩ nhiên mình vẫn phải giữ được nét cá tính riêng chứ không thể làm theo những mong muốn và sở thích của hết thảy. Lắng nghe ý kiến xung quanh và loại bỏ cố chấp để giúp mình khá hơn là điều tôi đang thực hiện.
Thu nhập và cuộc sống của một phóng viên báo mạng khác hẳn với sự hào nhoáng của các ngôi sao. Ví dụ như có người chưa một lần chạm tay vào hàng hiệu nhưng lại bình phẩm khá sâu cay về chuyện phong cách của sao. Bạn nghĩ gì về điều này?
Mỗi công việc đều có một tính chất riêng. Nếu nói là vì cuộc sống của một phóng viên không hào nhoáng mà không có quyền nhận xét về phong cách xa hoa của sao là điều chưa hẳn chính xác.
Chưa hẳn họ phải sở hữu những món đồ hiệu đắt giá mới có thể cảm nhận rõ rệt về thời trang. Bài viết của họ là sự phản ánh chân thực và dựa trên sự tích lũy kiến thức và đặc biệt là khiếu thẩm mỹ.
Trong cuộc sống, ngay cả những người có tiền, có thừa mứa hàng hiệu xa xỉ nhưng điểm về phong cách thời trang đôi khi lại khá “lẹt đẹt”. Bởi tiền là yếu tố giúp bạn có được những nguyên liệu để giúp mình sành điệu hơn. Nhưng có sành điệu đúng chuẩn mực hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào gu thẩm mỹ.
Một người có trình độ, có chuyên môn và có cách cảm nhận sâu sắc về cái đẹp thì hoàn toàn có quyền bình phẩm về phong cách thời trang.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bình phẩm về người khác. Nhưng ý kiến cá nhân của bạn có được số đông tán thành hay không lại phụ thuộc lớn vào trình độ chuyên môn. Với tôi, một phóng viên có trình độ chuyên môn tốt hoàn toàn có quyền phản ánh một cách công tâm.
10 năm theo nghề, trả lời không biết bao nhiêu bài phỏng vấn. Nếu được phỏng vấn ngược lại nhà báo, phóng viên, chị sẽ hỏi họ điều gì?
Câu hỏi này thú vị quá, tôi có cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ với nhiều nhà báo, phóng viên từ các tạp chí thời trang cho đến các trang tin tức, báo chí điện tử và tôi cũng rất tò mò về họ. Nếu được phỏng vấn ngược, câu hỏi lớn nhất mà tôi vẫn nghĩ đến là: “Họ có thực sự hạnh phúc khi làm nghề này hay không? Có thực sự thoải mái hay không? Trước những áp lực thường ngày thì đâu là điều khiến họ vẫn đam mê với nghề viết?”
Tôi nghĩ chắc chắn mỗi người ở mỗi hoàn cảnh, ở mỗi đâu báo và vị trí khác nhau sẽ có những câu trả lời khác nhau. Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi cũng xin gửi lời chúc sức khỏe và thành công đến quý anh chị nhà báo, phóng viên! Và hy vọng sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ tạo mọi điều kiện để đến gần hơn nữa với đông đảo khán giả yêu thời trang.
Cám ơn chị đã chia sẻ!