Thưa anh, rõ ràng đã có 1 nghề xưa nay ta ít gặp, nhưng thời gian qua lại nổi lên, là nghề giám khảo.
Đúng vậy. Cuộc sống mới đòi hỏi nhiều cạnh tranh. Muốn cạnh tranh công bằng phải thi, mà thi phải có kẻ chấm. Thế là nghề giám khảo ra đời.
Như 1 nhu cầu tất yếu của thời đại?
Hay nói khác đi, là 1 phần quan trọng của cuộc chơi.
Chơi?
Vâng. Ý tôi nói tới giám khảo của những cuộc thi trên truyền hình. Đó rõ ràng yếu tố “chơi” vô cùng quan trọng. Khác hẳn với 1 cuộc thi tiến sĩ hay bắn súng, tính chính xác phải đảm bảo mức tối cao.
Mà đã “chơi”…
Thì phải có đùa! Phải được phép đùa và được quyền đùa!
Đúng thế!
Nói thì dễ đấy! Nhưng bản chất của đùa là phải hồn nhiên, thậm chí phải hơi tự do phóng khoáng.
Vâng!
Do tính đại chúng nên luật thi không quá khắt khe, thí sinh không quá nghiêm túc và giám khảo cuộc thi cũng không quá trịnh trọng.
Khoan! Xin anh nói rõ hơn cái ý “không quá trịnh trọng” này?
Nói thì dài, nhưng chỉ xem cách người ta thể hiện là thấy ngay. Các giám khảo đều ăn mặc thoải mái, ngồi trên ghế 1 cách tự do và phát biểu không cần quá đắn đo.
Không quá đắn đo?
Đúng! Thậm chí ở 1 số quốc gia, họ cho rằng sự ăn nói không đắn đo của giám khảo mới chính là ưu điểm cần ra sức phát huy.
Giám khảo có thể mắng, có thể hét, có thể cười bò ra và có thể khóc. Giám khảo không được bắt chước các giáo sư chấm bài trong phòng kín.
Thế thì sao?
Thế thì hà cớ gì la lối quá đáng về giám khảo Trần Tiến khi anh nói 1 vài từ hơi quá tự do? Với tư cách 1 giám khảo, tôi tin chắc BTC mời Trần Tiến về cái hồn nhiên, bộc trực và cá tính của anh.
Nếu không thì đã mời 1 nhà mô phạm rồi. Vậy mà anh mới phát biểu vài câu, mọi người đã nhao lên cứ như anh sắp đốt màn hình. Buồn cười thật đấy!
Này anh nên nhớ, xem truyền hình là đông đảo quần chúng, trong đó có rất nhiều phụ nữ, trẻ con. Cho nên phát ngôn cần cân nhắc!
Cứ như thế thì đâu còn tính chuyên môn. Trẻ em có chương trình của trẻ em. Phụ nữ có chương trình của phụ nữ. Việc của mỗi gia đình là phải phân chia hợp lý trong vấn đề xem tivi. Chứ nếu tiết mục nào cũng mang đủ các tiêu chuẩn để “soi” thì còn đâu màu sắc nữa.
Ừ nhỉ!
Dù Trần Tiến có vô tư đến mấy thì anh cũng không điên. Là 1 nghệ sĩ biểu diễn, anh thừa biết phản ứng của công chúng và sẽ tự điều chỉnh mình.
Nhưng việc “la ó” quá nhiều có thể buộc Trần Tiến “ngoan” hơn. Nghĩa là anh không còn nói những lời của chính anh như trước nữa. Thế thì cuộc thi còn gì hay?
Hay theo nghĩa nào?
Hay là truyền hình phải tạo ra những sân chơi, trong đó mỗi cá nhân tự tin bộc lộ hết cái tốt lẫn cái xấu.
Cái xấu?
Chứ sao! Cái xấu của mỗi cá nhân cũng cần cho thiên hạ biết chứ, nếu như không vì thế mà xã hội sụp đổ.
Ừ nhỉ!
Hãy khuyến khích người ta bộc lộ và hãy chấp nhận sự bộc lộ ấy! Đó là khẩu hiệu dành cho thí sinh và dành cho cả giám khảo trong những cuộc chơi.
Và đừng quên phải nghe những lời không êm tai cũng là một “luật chơi” của những cuộc thi dạng này.
Căng nhỉ?
Tôi thì lại thấy nếu có gì căng, là ở chỗ chúng ta đang thừa những lời khách sáo!